Aa

Doanh nghiệp tái cấu trúc chờ thời cơ mới

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 31/03/2020 - 05:45

Dù đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng giới chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn thị trường “ngủ đông” tái cấu trúc để có thể khởi sắc mạnh mẽ sau dịch.

Tìm cơ hội trong thách thức

Trong thời gian qua, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường bất động sản đã hiện hữu nhiều khó khăn vì các vấn đề vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính, dự án bị tắc nghẽn, những câu chuyện đầu tư dàn trải theo phong trào... Đến khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến ngày càng phức tạp, lan rộng ra hàng trăm quốc gia trên thế giới, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng thực sự rơi vào tình thế chao đảo và bị đe dọa. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, đây cũng là thời điểm cần thiết để các doanh nghiệp cùng nhìn lại sự vận hành và có những điều chỉnh hợp lý. 

TS.LS Bùi Quang Tín

Chuyên gia kinh tế. TS. LS Bùi Quang Tín nhận định: "Đây là thời gian để các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc mình. Thay vì dành thời gian quý IV để đào tạo nhân sự và đánh giá, tổng kết thì đổi lại bây giờ là thời điểm doanh nghiệp có thể tập trung đào tạo lại nhân sự. Các nhân viên nhiều kinh nghiệm chia sẻ với nhân viên mới, thậm chí thuê chuyên gia đào tạo, làm sao vẫn bảo đảm phòng, chống dịch.

Đây cũng là giai đoạn để doanh nghiệp chuẩn bị tốt nguồn vốn cho thời điểm thị trường hồi phục lại sau dịch và hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý các dự án đang dang dở".

Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải thay đổi để thích ứng, duy trì được hoạt động trước các thách thức cũng như đưa ra các chiến lược mới mang tính bền vững, thích ứng với thị trường, tập trung vào giá trị của sản phẩm. 

Được biết, mới đây một số doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM như Phúc Khang, Đại Phúc Land, Novaland… phát đi thông điệp đầu tư dự án bất động sản xanh. Chẳng hạn, ở khu đô thị Vạn Phúc City, doanh nghiệp đã đầu tư tối đa cảnh quan thiên nhiên khi dành đến hơn 60% diện tích tương đương hơn 100ha dành cho cho mảng xanh, mặt nước và các công trình tiện ích, cao gấp 10 lần so với chuẩn quy định.

Theo dự báo của CBRE Việt Nam, xu hướng quy hoạch môi trường xanh, xây dựng công trình xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Dự kiến, số lượng công trình xanh thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 13% từ nay đến năm 2025, kéo theo sự thay đổi về lựa chọn của cộng đồng ngành xây dựng, cũng như nhu cầu của khách hàng trong thị trường tiềm năng này.

Khu đô thị Vạn Phúc như một ốc đảo xanh, nằm giữa chốn phồn hoa

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhận định, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả., cắt đi những chi phí không cần thiết Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.

Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.

Điển hình trong chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hoà Bình Corporation đã gửi bức thư truyền tải đi thông điệp, khích lệ tinh thần cán bộ nhân viên và nêu ra 3 giải pháp tái cấu trúc, để cùng đồng hành vượt qua dịch bệnh.

Cụ thể, nhóm một về tái cấu trúc hệ thống quản lý: Tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên internet không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở.

Nhóm hai về tái cấu trúc nguồn nhân lực: Tái cấu trúc nguồn nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm.

Nhóm ba về tái cấu trúc tài chính: Đó là nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định của Tập đoàn.

Nhanh nhạy thích nghi với khó khăn của từng giai đoạn là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp. Ghi nhận thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp bất động sản tìm cơ hội trong thách thức, thay đổi mô hình, phát triển thị trường ngách, sản phẩm mới. Được biết, trong tháng 3, Apec Group đồng loạt ra mắt chuỗi trang trại nông nghiệp hữu cơ tại Đông Anh (Hà Nội), trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp công nghệ cao tại Đa Hội (Bắc Ninh), Huế. Thời gian tới, Apec Group tiếp tục phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực này với một loạt dự án có quy mô lớn hơn tại Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Trị, Phú Yên, Thừa Thiên Huế.

Tập đoàn Sunshine Group, cũng đang tuyển dụng mạnh mẽ tại Hà Nội và TPHCM để phát triển khoảng hơn 2.000 căn biệt thự, shophouse và khoảng 30 nghìn căn hộ cao cấp giai đoạn 2020 - 2021. Các dòng sản phẩm của Sunshine Homes đi đầu tại Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông minh vào xây dựng, vận hành và quản lý dự án.

CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes - VHIZ (công ty con của CTCP Vinhomes) vừa thực hiện tăng vốn điều lệ đăng kí từ 70 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này cũng thay đổi ngành nghề kinh doanh chính từ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sang kinh doanh bất động sản.

Được biết, VHIZ là doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp của Vinhomes và Tập đoàn Vingroup nhằm đón xu hướng tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chiến lược kinh doanh mới sẽ tận dụng kinh nghiệm của Vinhomes trong việc phát triển quỹ đất, xây dựng hạ tầng, triển khai vận hành các dự án bất động sản quy mô lớn; đồng thời cũng là mắt xích giúp Vinhomes hoàn thiện định hướng phát triển với ba trụ cột bất động sản nhà ở, văn phòng và khu công nghiệp.

Ngủ đông động để tăng tốc như chiếc Lexus

Bên cạnh việc tìm hướng kinh doanh mới, một số doanh nghiệp bất động sản đã kích hoạt chế độ “ngủ đông” và một số lời khuyên đưa ra là doanh nghiệp nên “ngủ đông” như thế nào để sẵn sàng bật dậy và tăng tốc qua thời điểm khó khăn chung.

Mới đây, đại diện CEO Group cho biết, doanh nghiệp đã kích hoạt nút “ngủ đông” từ nhiều tuần trước. Theo đó, Tập đoàn này đã cấu trúc lại hệ thống, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group nhấn mạnh, "ngủ" ở đây là "ngủ đông động". "Ngủ nhưng thức để sẵn sàng bật dậy về đích năm 2020, 2021 và xa hơn nữa."

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group

Trong khi tạm hoãn các kế hoạch mở bán bất động sản hoặc những hoạt động đông người, CEO Group vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đền bù và giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo trì công trình, tiếp tục duy trì vận hành các khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort, Novotel Villas và BW Premier Sonasea Phu Quoc.

Bên cạnh đó, CEO Group dành thời gian này cho đào tạo thực tập sinh điều dưỡng và sinh viên ngành du lịch.

Ông Bình kêu gọi cán bộ, nhân viên ở những khu vực Tập đoàn đầu tư như Vân Đồn, Bắc Ninh, Hà Nội, Nha Trang, TP. HCM, Cần Thơ, Kiên Giang và Phú Quốc làm việc miệt mài với tinh thần không khuất phục để thực hành kế hoạch tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Người đứng đầu tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng, quản lý khách sạn và phát triển nguồn nhân lực, cho rằng mỗi đơn vị, mọi thành viên ban lãnh đạo và cả tập đoàn cần xây dựng kế hoạch duy trì công việc trong bất cứ kịch bản chống dịch nào để hướng về mục tiêu, để làm yên lòng khách hàng, cổ đông và đối tác.

Tất cả sự chuẩn bị này là nhằm mục đích "để hết dịch, CEO Group có thể tăng tốc như chiếc xe Lexus, đủ nhanh, đủ mạnh", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong một bài viết mới đây cũng chia sẻ: Khi chưa biết khủng hoảng do dịch bệnh bao giờ kết mới thúc thì giải pháp ngủ đông là cần thiết và cấp bách cho tất cả doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản, khủng hoảng dòng tiền.

Ông cho rằng, chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng cách cắt giảm chi phí không phải vì tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn, mà đó là cách ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi, không có thu thì giảm chi. Giá cổ phiếu xuống thì chúng ta có thể đổ tiền ra cứu, nhưng khi chi phí và doanh thu mất cân đối khiến dòng tiền âm, đến khi các quỹ của chúng ta hết tiền thì không ai cứu được.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng sự tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất. Theo đó, một số nhóm chi phí có thể thực hiện được ngay gồm: Chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế…

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đã có những ứng phó để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như mọi hoạt động liên quan vẫn đáp ứng đúng kỳ vọng của khách hàng. Các doanh nghiệp bất động sản cũng khuyến cáo, bản thân khách hàng phải là người tự bảo vệ mình, không nên hoang mang ảnh hưởng đến tình hình chung của thị trường.

Được biết, Bộ Xây dựng đang tập hợp ý kiến nhà đầu tư, chuyên gia, các hiệp hội để đề xuất các giải pháp hỗ trợ riêng cho bất động sản. Bộ Xây dựng đánh giá: Bất động sản có đặc thù riêng, nhu cầu vẫn lớn và chịu ảnh hưởng ngắn hạn.

Cụ thể, Bộ đang nghiên cứu đề xuất tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội giống như gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Bởi hiện vốn theo luật, nghị định còn dành ít cho nhà ở xã hội. Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất. Khi nhà ở xã hội phát triển sẽ thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan.

Trước những động thái của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp bất động sản sẽ có động lực để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn, hứa hẹn sẽ có những bước phát triển mới sau giai đoạn dịch Covid-19.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top