Aa

Doanh nghiệp thép chi bao nhiêu tiền cho bộ máy quản lý, quảng bá sản phẩm?

Thứ Tư, 26/07/2017 - 14:10

Trong các loại chi phí ngành thép phải gánh, chi phí tài chính khẳng định một phần tiềm năng tài chính của doanh nghiệp còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý cao có thể do doanh nghiệp yếu trong khâu quản lý chi phí, nhưng đôi khi chi phí cao tỷ lệ thuận với quy mô hoạt động của doanh nghiệp

Doanh thu bán hàng tăng mạnh, doanh nghiệp giảm được tỷ trọng chi phí bán hàng/doanh thu

Chi phí bán hàng trên doanh thu của các doanh nghiệp ngành thép tương đối khác biệt. Bình quân chi phí bán hàng dao động từ 1 - 1,5%. Giai đoạn 2015 - 2016, nhờ doanh thu bán hàng tăng mạnh nên nhiều doanh nghiệp đã giảm được tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì đều tăng như HPG, TIS, VIS, DTL và TNA.

Trong số các doanh nghiệp, HSG có chi phí bán hàng trên doanh thu cao nhất và vượt trội, chiếm khoảng 6% trên doanh thu. Do phải duy trì hệ thông bán lẻ lớn nhất trong ngành với 250 chi nhánh . Tuy nhiên nhờ hệ thống bán lẻ rộng khắp từ Nam ra Bắc nên độ bao phủ thị trường của doanh nghiệp này cao. Trong khi HSG gia tăng công suất liên tục thì NKG, dù không có chính sách phát triển mảng bán lẻ, nhưng cũng không đứng ngoài cuộc chơi tranh giành thị phần khi lượng tôn mạ nhập khẩu được doanh nghiệp này phân phối trong nước ngày càng gia tăng. Vì lý do này, NKG lại mạnh tay cho hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nên chi phí bán hàng khá cao và vẫn tăng trong năm 2016.

Trong khi đó, POM lại có tỷ trọng chi phí bán hàng thấp nhất ngành. Từ năm 2015, chi phí bán hàng của doanh nghiệp này chỉ chiếm 0,4% doanh thu. Tuy nhiên, chính việc không đẩy mạnh hoạt động bán hàng so với các đối thủ là một phần nguyên nhân khiến POM cũng là doanh nghiệp duy nhất trong ngành thép có doanh thu giảm trong năm qua. Theo giới đầu tư, POM cần đẩy mạnh đầu tư khâu bán hàng để cải thiện doanh thu và thị phần trong năm tới.

Nhìn chung, các doanh nghiệp thương mại thép đều có chi phí bán hàng cao hơn so với trung bình ngành do đặc thù hoạt động. Tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu của TLH ước 1,2%, SMC là 1,8% và TNA là 1,1%.

HSG mạnh tay nhất cho mạng lưới chi nhánh

Chi phí quản lý doanh nghiệp của ngành thép khá phân hóa ngay cả trong từng mảng hoạt động và tỷ trọng này dao động từ 1-2%. Được biết HSG là doanh nghiệp có chi phí này cao nhất ngành, chiếm 5,1% doanh thu. Do HSG tăng mạnh khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi trong năm 2016 nên chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 70% so với năm trước đó. Vì vậy, để vận hành số lượng chi nhánh đồ sộ của mình, doanh nghiệp này cũng phải thuê nhiều nhân sự hơn các doanh nghiệp khác, dẫn đến chi phí nhân viên cũng tăng mạnh trong năm vừa qua. Việc đánh đổi giữa chi phí quản lý và hệ thống chi nhánh của HSG là động lực phát triển cho doanh nghiệp này trong thời gian tới đây.

Trong khi đó, HPG và DTL lại có chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu giảm mạnh trong năm 2016. Chi phí quản lý doanh nghiệp của HPG trong năm 2016 giảm do sự sụt giảm mạnh các khoản khấu hao và phân bổ được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp. Sự sụt giảm trong chi phí quản lý doanh nghiệp của DTL lại đến từ việc doanh thu tăng mạnh trong năm 2016 khi độ lớn của chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi đáng kể.

Doanh nghiệp mạnh, chi phí tài chính thấp

Theo Công ty Chứng khoán FPT, nhìn chung các doanh nghiệp trong toàn ngành thép có tỷ trọng chi phí lãi vay trên doanh thu đã giảm theo năm. Chi phí này giảm nhờ tình hình kinh doanh thuận lợi của ngành thép khiến tăng trưởng doanh thu bình quân cao hơn tăng trưởng lãi vay bình quân. Chi phí lãi vay bình quân trong ngành thép dao động từ 1,6 - 2%.

Điều đáng nói là các doanh nghiệp trong cùng một mảng có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chi phí tài chính trên doanh thu càng thấp. Các doanh nghiệp quy mô lớn trong mỗi mảng kinh doanh sẽ có tiềm lực vững vàng hơn để hạn chế hoạt động đi vay. Đơn cử như, các doanh nghiệp đầu ngành như HPG (thép dài), HSG (tôn mạ) VÀ SMC (thương mại) đều có tỷ lệ chi phí lãi vay thấp nhất trong mang hoạt động. Trong khi đó, TIS, POM, DNY và DTL do sử dụng đòn bẩy cao nên có tỷ lệ chi phí này cao nhất ngành khoảng trên 2% doanh thu.

Trong 3 loại chi phí doanh nghiệp thép phải chi, chi phí tài chính khẳng định một phần tiềm năng tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cao có thể do doanh nghiệp yếu trong khâu quản lý chi phí, nhưng đôi khi chi phí cao tỷ lệ thuận với quy mô hoạt động của doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top