Aa

Doanh nghiệp tìm về “giá trị nền tảng”

Thứ Năm, 30/01/2020 - 14:40

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong vòng 3 năm, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần, tạo sức mạnh tổng thể giúp ngành phát triển.

Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp từ con số hơn 3.000 doanh nghiệp đã tăng lên 11.800 doanh nghiệp với hầu hết các tập đoàn lớn đã hướng đến khu vực nông nghiệp từ Vinamilk, TH True Milk, VinGroup, FLC… tạo thành hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa.

PV: Thưa Bộ trưởng, chưa bao giờ phong trào doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trở nên sôi động như năm qua, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, vậy đâu là sức hút của ngành nông nghiệp trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tôi xin cảm ơn các doanh nghiệp đã tập trung cùng với bà con nông dân để trở thành lực lượng hạt nhân trong chuỗi sản xuất cũng như trong làm nòng cốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp chúng ta.

Để có được sự tham gia này có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp của chúng ta, nhất là những doanh nghiệp lớn, đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỷ USD đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng đinh dư địa còn rất lớn. Vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm còn khoảng hơn 2.000 tỷ USD thì trong đó, giá trị để ra từ khâu chế biến, khâu thương mại còn rất lớn. Trong hơn 40 tỷ USD chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nông sản thực phẩm chưa chế biến sâu… do đó, nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, làm tốt sản xuất chuỗi thì giá trị từ khu vực này còn rất lớn.

Đơn cử, với cà phê, chúng ta xuất khẩu 43,5 tỷ USD/năm nhưng bản thân chế biến chỉ có 11%. Thế thì còn 89% còn lại đó là dư địa chứ còn gì nữa. Chính vì thế, chúng tôi đánh giá bản thân doanh nghiệp chúng ta cũng đã nhìn thấy những giá trị chưa được khai thác này. Nếu làm tốt, nếu làm chuỗi, nếu tập trung chế biến, nếu tổ chức thương mại thật tốt, đúng theo cơ chế hạ tầng của thời đại thì chắc chắn tìm ra cái dư địa.

Bên cạnh đó, các chủ trương chính sách thu hút đầu tư hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. 63 tỉnh thành, tỉnh nào cũng vậy, thành phố nào cũng vậy, liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Bộ NN&PTNT theo dõi trong 3 năm qua, tất cả các chương trình xúc tiến đầu tư đều giành 1 phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Kể cả TP.HCM, hiện nay GDP nông nghiệp chỉ còn 0,6% nhưng rất khát vọng và cầu thị mời gọi các doanh nghiệp vào tập trung các vùng bà con nông dân để làm nên cái câu chuyện nông nghiệp mới. Chính điều tạo nên sức mạnh, chúng tôi cho rằng đấy chính là sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

PV: Nhưng không thể phủ nhận ngành nông nghiệp đã có một năm nhiều khó khăn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ngành chính là động năng cho ngành vượt qua năm sóng gió năm 2019. Bởi chúng ta đã có một năm 2019 hết sức khó khăn với 3 thách thức lớn.

Trước hết, dự báo trước tình hình thương mại nông sản cự kì khó khăn, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng một số nước nổi lên đe dọa thương mại toàn cầu, nhất là đối với mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, tác động biến đối khí hậu tiếp tục cực đoan. Tháng 6 vừa qua chúng ta biết nóng lịch sử. Ở Nghệ An có những nơi 42 độ C, chưa có bao giờ có. Cùng với đó là Dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh Sâu keo mùa thu.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu ngành, dù đã có những bước tiến dài, tuy nhiên về tổng thể, tỷ lệ sản xuất nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cơ bản, từ đó đe dọa đến an toàn, đến cạnh tranh, đến việc thực hiện các quy chuẩn.

Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống và đặc biệt là các doanh nghiệp chúng ta đã có được kết quả dù không trọn vẹn nhưng tích cực. Theo đó, tăng trưởng GDP trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đạt trên 2%, đây là cố gắng lớn. Xuất khẩu nông sản vẫn đạt 41,3 tỷ USD, đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay trong bức tranh kinh tế toàn cầu biến động đặc biệt về thương mại nông sản.

PV: Cùng với sự sôi động của dòng đầu tư từ doanh nghiệp, lĩnh vực nào được xem là điểm sáng giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt mốc cao kỷ lục mà Bộ trưởng vừa nhắc tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong con số kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm qua không thể không nói đến sự bứt phá của ngành lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp của chúng ta đã đạt được thành quả rất tự hào, trong 1 không gian, chúng ta đã làm được 3 vấn đề, mục tiêu lớn kinh tế - môi trường - an sinh.

Trước hết, từ một quốc gia có độ che phủ rừng bị tổn thương do chiến tranh, đến nay chúng ta đã có hệ số che phủ rừng xấp xỉ 42%, đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực, trong khi mức bình quân Châu Á hiện chỉ ở 29% và thế giới cũng xấp xỉ 26 - 28%.

Đặc biệt, chúng ta đã tập trung thành một ngành kinh tế lâm nghiệp với điểm sáng rõ nét nhất là 1 năm chúng ta khai thác gỗ ở gần 7 triệu ha rừng trồng kinh tế tới gần 20 triệu m3 gỗ để làm nguyên liệu trụ cột chính cho 1 ngành kinh tế chế biến gỗ của nước ta. Vì vậy, lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế đạt trên 11,3 tỷ USD. Có thể nói, đây là một trong những ngành tiên phong trong khối nông nghiệp hiện nay đảm bảo được 3 trụ cột đi song hành kinh tế - môi trường - an sinh.

PV: Trên những nền tảng này, ngành nông nghiệp đặt ra con số kỳ vọng cho năm 2020 ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2020 sẽ tiếp tục là năm nhiều thách thức, đặc biệt về thị trường, ngành xác giao cho các đơn vị, địa phương, các thành phần kinh tế sẽ phải phấn đấu ít nhất từ 42 tỷ USD trở lên.

Đây sẽ là một quyết tâm lớn bởi, trong cuộc chiến tranh thương mại, đặc biệt là thương mại nông sản, các quốc gia đang có xu hướng phát triển nông sản tại chỗ, đây là một áp lực cho những nước xuất khẩu, Việt Nam lại là nước xuất khẩu rất lớn về nông sản.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top