Aa

Doanh nhân Việt vì một nền kinh tế thịnh vượng

Thứ Năm, 21/11/2019 - 17:30

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để trở thành một quốc gia thịnh vượng và gây dựng nên những đế chế kinh doanh với tuổi đời trăm năm, Việt Nam sẽ còn một con đường rất dài và đầy chông gai phải đi.

PV: Cần những yếu tố nào để một quốc gia được đánh giá là thịnh vượng, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Một nền kinh tế thịnh vượng về cơ bản cần 3 yếu tố chính. Trước hết, thu nhập bình quân đầu người phải thuộc loại trung bình cao, từ khoảng 8.000 USD/người/năm.

Tuy nhiên, thu nhập đó phải gắn với một nền kinh tế phát triển trên cơ sở ổn định, bền vững và có tính cạnh tranh cao. Nhấn mạnh là cần phát triển một cách bền vững, có cơ sở tăng trưởng liên tục và được cải thiện thay vì đến một ngưỡng nhất định rồi dừng lại hoặc bất chợt đạt được trong một vài năm ngắn ngủi do những nhân tố bất thường.

Đặc biệt, sự tăng trưởng thịnh vượng đó phải được chia đều cho tuyệt đại đa số người dân một cách thực chất. Còn lại một nhóm rất nhỏ bị thua thiệt hoặc dễ tổn thương thì phải có mạng lưới an sinh xã hội để bù đắp. Trước đây chúng ta từng nói đến việc một người bình quân ăn một con gà mỗi tuần nhưng có những người một tuần ăn sáu đến bảy con gà trong khi có người cả tuần không được miếng thịt gà nào. Khoảng cách giữa nhóm nghèo nhất và nhóm giàu nhất cần được thu hẹp thay vì để tài sản trong xã hội tích tụ vào một nhóm nhỏ.

Các xã hội phát triển cao như Mỹ hoặc châu Âu cũng có tình trạng tài sản tích tụ của một số người giàu bằng hàng triệu người dân nghèo cộng lại. Tuy nhiên, những đại gia như Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg cũng có các kênh điều tiết thu nhập như đóng thuế cao hơn, hình thành các quỹ hỗ trợ cộng đồng thay vì chỉ dành cho thụ hưởng của bản thân.

Sự thịnh vượng phải được chia sẻ tương đối đồng đều trong xã hội. Tất nhiên, không thể tạo nên một sự cân bằng tuyệt đối nhưng nếu thiếu ý thức và không có hành động hướng đến mục tiêu đó thì khó có thể tạo nên một xã hội có động lực phát triển.

Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung còn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được sự thịnh vượng theo cách đó. Thịnh vượng đừng chỉ đơn thuần nhìn vào con số thu nhập bình quân đầu người hay tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực đã hài lòng, tự hào. 

Trong thời gian qua, Việt Nam còn chưa thực sự có động lực mới để mang lại nhân tố bền vững cho tăng trưởng, để tăng trưởng thực sự thể hiện được hiệu quả của quá trình vận hành nền kinh tế, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

PV: Chúng ta mắc sai lầm như thế nào khi chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá?

Bà Phạm Chi Lan: Đây là một vấn đề mà Việt Nam đã mắc phải từ lâu. Thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn đương nhiệm đã nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững, yêu cầu làm sao không chỉ có tăng trưởng mà phải cải thiện được chất lượng tăng trưởng. Ở nhiệm kỳ thứ hai của ông, bên cạnh những thành tích nhất định thì mọi báo cáo Chính phủ trình lên Quốc hội còn thừa nhận chưa thực hiện được nhiệm vụ về cải thiện chất lượng nền kinh tế và hiệu quả tăng trưởng cũng như chưa tạo được tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

Điều đó chủ yếu được thể hiện ở hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước. Tăng trưởng muốn chất lượng phải thông qua cải thiện chất lượng của các hoạt động kinh doanh, ra đời các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có tính cạnh tranh tốt hơn chứ không phải bằng giá rẻ.

Đến bây giờ, cạnh tranh bằng giá rẻ vẫn là nhân tố chi phối của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này chủ yếu tâp trung vào thị trường trong nước hoặc xuất khẩu một số mặt hàng mang tính truyền thống, chưa tự đặt ra cho mình yêu cầu cải thiện chất lượng sản phẩm.

Nói về nguyên lý, ai cũng biết là phải cải thiện chất lượng nhưng có làm được hay không lại là một bài toán khó, kể cả điều hành kinh tế vĩ mô để hướng nền kinh tế phát triển theo chất lượng và hiệu quả cũng khó khăn hơn nhiều so với phát triển chạy theo tốc độ.

Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp có trình độ phát triển ở mức trung bình hoặc tiên tiến đã và đang tập trung nhiều hơn vào chất lượng, cạnh tranh bằng chất lương, mẫu mã và sự khác biệt của mình.

PV: Trong một nền kinh tế thịnh vượng, vị trí của các doanh nghiệp được xác định như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Có câu nói rất nổi tiếng của bác Vũ Quốc Tuấn, nguyên là chuyên viên Vụ Tổng hợp Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) mà sau này ai cũng thừa nhận là "thể chế nào, doanh nhân nấy". Doanh nghiệp muốn phát triển, trước hết phải dựa trên tín hiệu và yêu cầu thị trường nhưng yếu tố không kém quan trọng là môi trường kinh doanh, điều kiện hoặc dẫn dắt của chính sách. Ở Việt Nam còn có câu chuyện quan trọng liên quan đến phân bổ nguồn lực, sự phân bổ đó quyết định rất nhiều đến hiệu quả sử dụng nguồn lực mà nếu không hiệu quả thì ngay lập tức cả đất nước phải hứng chịu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nguồn lực được giao cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc một số dự án đường sá sau này do nhà đầu tư BOT làm nhưng cách phân bổ chưa thực minh bạch dẫn đến đội giá, tham nhũng và cuối cùng Việt Nam có những con đường đắt nhất hành tinh. Như vậy, làm sao chi phí cho các doanh nghiệp khác giảm xuống, làm sao đảm bảo chất lượng hạ tầng giao thông để hàng hoá được lưu thông thuận lợi, để hoạt động của các doanh nghiệp khác không bị cản trở.

Nhiều chuyên gia nước ngoài thắc mắc tại sao Việt Nam chấp nhận bỏ hầu hết hỗ trợ cho nông nghiệp trong khi nước nào cũng bảo vệ cho nông nghiệp; thay vào đó, Việt Nam lại bảo hộ lâu nhất cho ngành ô tô là một ngành Việt Nam chỉ có lắp ráp, hoàn toàn không phải nền kinh tế nội địa. Sau ngần ấy năm bảo hộ, Việt Nam chưa thể có được ngành ô tô của mình.

Nếu tất cả các ưu đãi đó được đầu tư cho đầu vào ngành nông nghiệp để không phải nhập khẩu quá nhiều sản phẩm có thể gây hại cho đồng ruộng thì đã không dẫn đến các lo ngại về an toàn thực phẩm, rồi khó xuất khẩu. Nếu đầu tư cho nông nghiệp tập trung vào chất lượng ngay từ đầu thay vì chạy theo sản lượng thì giờ đây đã có một nền tảng nông nghiệp không chỉ giúp cả xã hội cải thiện cuộc sống với các sản phẩm tốt mà còn hỗ trợ cho cuộc sống của người nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội cũng như các doanh nghiệp làm ăn liên quan đến nông sản.

Những điều đó phụ thuộc lớn vào các chính sách đang thay đổi rất nhiều, đến mức khiến doanh nghiệp phải vật lộn. Chúng ta cứ trách người kinh doanh chỉ biết giữ tầm nhìn ngắn hạn nhưng làm sao có thể dài hạn khi chính sách thay đổi nhanh chóng; trong bài toán kinh doanh thì các chi phí về thuế má và cá chi phí đầu vào cũng sẽ bị méo mó.

PV: Đâu là góc sáng về vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân?

Bà Phạm Chi Lan: Cũng vì muốn chạy theo tăng trưởng tốc độ cao nên Chính phủ đặt niềm tin rất nhiều vào các doanh nghiệp lớn và muốn tạo ra các “quả đấm thép” để khi tham gia WTO đỡ sức ép từ các công ty đa quốc gia từ nước ngoài vào. Những “quả đấm thép” đó trước hết là các doanh nghiệp Nhà nước khi biến rất nhiều Tổng công ty thành tập đoàn kinh tế, cho phép đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh. Và khi họ đa dạng hoá thì bao nhiều nguồn lực lại được đổ vào để đẩy mạnh thực hiện đầu tư ra ngoài ngành.

Tuy nhiên, mặt trái là làm cho đầu tư vào ngành cốt lõi bị sao nhãng trong khi khó mang lại hiệu quả ở các ngành khác nếu không thực sự hiểu thị trường, không thông thạo kinh doanh và không có khả năng cạnh tranh. Hệ quả chúng ta có Vinasin với sự sụp đổ và mất mát khổng lồ.

Việt Nam bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân ở quy mô lớn, song cũng theo con đường của các doanh nghiệp nhà nước là gắn với những người có quyền phân bổ nguồn lực để có thể tạo thuận lợi cho mình. Có thể thấy phần lớn trong 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam được đưa ra hàng năm đều liên quan đến đất đai, không thấy những gương mặt về công nghiệp và công nghệ. Trong khi các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc hay Mỹ ở thời kỳ đầu phát triển đều đi từ các nhà công nghiệp lớn.

Tất nhiên, công nghệ đòi hỏi một nền tảng về khoa học - kỹ thuật rất cao, chúng ta không dám so sánh với mỹ để có các Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg của Việt Nam nhưng cũng chỉ khát vọng sẽ hình thành các nhà công nghiệp lớn ở Việt Nam trong quá trình phát triển, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Nói về chính sách, thời gian sau này chúng ta đã có những điều chỉnh lại từ năm 2014. Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đã được đưa ra, đánh dấu cột mốc đầu tiên về sự nhìn nhận cũng như cố gắng của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Càng về sau, nỗ lực này càng rõ rệt mặc dù nhiều điều kiện còn rối rắm.

Tâm huyết của những người đứng đầu Chính phủ những năm sau này ngày càng rõ hơn. Nhưng rõ ràng có một thực trạng là “trên nóng dưới lạnh”, Chính phủ chưa tạo được sức ép cho chính bộ máy của mình để thực hiện theo những chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoặc ít nhất là cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu nói chính sách tốt, giúp doanh nghiệp phát triển được thì phải là chính sách tạo thuận lợi, biến chính sách thành hành động cụ thể và thực tế.

PV: Vậy trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã có gắng, nỗ lực thể hiện vai trò, vị trí của mình ra sao?

Bà Phạm Chi Lan: Các doanh nghiệp đã có những cố gắng mang tính liên tục. Có nhiều doanh nghiệp chấp nhận có thể thua thiệt nhưng đi con đường ngay thẳng và vẫn thành công thay vì đảo chiều chạy theo thân hữu để phát triển. Đó là điều đáng quý.

Việt Nam xuất hiện nhiều người vừa tài giỏi, vừa tâm huyết và có bản lĩnh khá vững vàng trên thị trường. Bằng cách đó, họ muốn tự khẳng định mình và khẳng định vị thế của doanh nghiệp, tuân thủ theo các tiêu chí về đạo đức kinh doanh được thừa nhận và đòi hỏi bởi cộng đồng quốc tế như liêm chính, không tham nhũng. Đó cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Việt có thể bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ngày càng rộng về phạm vi đòi hỏi, nhất là doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì đòi hỏi càng khắt khe. Dùng càng nhiều lao động thì đòi hỏi càng nhiều về cách ứng xử với người lao động, đó là ứng xử văn minh, tạo môi trường làm việc thuận lợi, đãi ngộ tốt. Nhiều doanh nghiệp đã đi theo con đường đó để tạo thương hiệu sản phẩm và danh tiếng của doanh nghiệp, họ cho đó là cách phát triển bền vững.

Một quan sát khác là các doanh nghiệp Việt trong khu vực tư nhân ngày càng cố gắng để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khó hơn, đòi hỏi cả nguồn lực và tài năng kinh doanh cũng như tham gia vào mạng lưới kết nối trong nước, khu vực và toàn cầu để dần khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị. Thị phần của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo đang tăng dần lên thay vì nằm hết trong tay các nhà đầu tư nước ngoài như trước đây.

Nghiên cứu gần đầy của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản các ngành chế biến, chế tạo khi so với khu vực đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước, có thể vì doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển nhiều sang bất động sản và các lĩnh vực khác. Đó là một bước chuyển tốt thể hiện bằng con số mang tính chất vĩ mô.

Rõ ràng, Việt Nam không thể đạt mục tiêu đến 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng sự vươn lên của khu vực tư nhân đang giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu này.

PV: Để có được những thương hiệu trăm năm, liệu rằng trước hết chúng ta cần những gia tộc làm ăn tử tế, đàng hoàng?

Bà Phạm Chi Lan: Chắc chắn rồi, không tử tế đàng hoàng thì chẳng có gì tồn tại trăm năm. Các gia tộc kinh doanh trên thế giới tồn tại được hàng trăm năm đều có đạo đức kinh doanh. Có thể một số hành vi chưa thực sự tốt trong giai đoạn đầu tích luỹ tư bản nhưng sau đó chính họ hoặc chính phủ đã điều chỉnh lại bằng cách đánh thuế hoặc đưa ra các chính sách ngặt nghèo hơn để tránh việc bóc lột quá mức hoặc tước đi cơ hội của người khác để làm giàu. Càng những năm sau này, điều chỉnh càng mạnh mẽ hơn.

Ngay cả các doanh nghiệp phát triển trên nền tảng gia đình cũng tự ý thức được điều đó. Muốn bền vững, trường thọ thì phải tồn tại bằng cạnh tranh lành mạnh, sống và kinh doanh đàng hoàng để phục vụ toàn xã hội. Từ ý thức đối xử tử tế với người tiêu dùng là người giúp doanh nghiệp phát triển, nhiều tiêu chuẩn về CSR hay đạo đức kinh doanh được hình thành. Đó là các công cụ mang tính tự giác của cộng đồng doanh nhân, họ xây dựng, thực hiện và giám sát lẫn nhau để tạo nền tảng cho phát triển lâu dài.

Khi những giá trị về đạo đức kinh doanh và làm ăn tử tế không còn giữ được thì doanh nghiệp dễ đổ, không còn những đế chế trăm năm. Sự sụp đổ của Lehman Brothers (Mỹ) và một số tập đoàn khác trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 một phần là kết quả của những ham muốn quá đáng hoặc sai lầm của người đứng đầu, hệ thống quản trị không bền vững lành mạnh. Sự sụp đổ đó cũng là bài học, giúp các doanh nghiệp khác muốn hướng tới sự bền vững.

PV: Thiếu đạo đức trong kinh doanh liệu có phải là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam?

Bà Phạm Chi Lan: Có nhiều yếu tố tác động đến sự thất bại của những doanh nghiệp tồn tại trong thời gian tương đối ngắn ở Việt Nam, thiếu đạo đức kinh doanh cũng là một trong số đó. Nếu ngày xưa tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa thì nay không chỉ xa mà còn rất nhanh.

Tuy nhiên lý do phổ biến hơn khiến các doanh nghiệp đổ vỡ gây ra nỗi đau rất lớn cho những người đang kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam nằm ở những khó khăn của thị trường. Doanh nghiệp chưa phát triển bền vững được vì không đủ khả năng chống chịu khó khăn. Những khả năng làm ăn có lợi nhuận để tiếp tục phát triển không còn, lợi nhuận không đủ để nuôi sống doanh nghiệp, thậm chí thua lỗ.

Nhìn vào con số ngành thuế của Bộ Tài chính cho thấy số doanh nghiệp đóng thuế luôn thấp hơn nhiều so với con số của Bộ Kế hoạch và đầu tư về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Có những doanh nghiệp đang tồn tại nhưng sổ sách, chứng từ cho thấy không có lợi nhuận để thu thuế, tỷ lệ thu thuế thấp, chứng tỏ còn kém bền vững. Với tình trạng đó, doanh nghiệp có thể tồn tại trong một đến hai năm nhưng khó có thể trụ được đến năm thứ ba.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không chịu nổi sức ép cạnh tranh, chi phí đầu vào tăng lên trong khi giá bán giữ nguyên, doanh nghiệp cũng không cải thiện nổi chất lượng để có thể phát triển bền vững trên thị trường.

Bền vững về mặt kinh tế, muốn có những thương hiệu trăm năm cũng còn phải phụ thuộc vào tài năng kinh doanh chứ không chỉ theo đuổi đạo đức kinh doanh.

PV: Để có được những thương hiệu trăm năm, chúng ta sẽ có những đòi hỏi như thế nào đối với chính sách vĩ mô, công tác quản trị doanh nghiệp cũng như với thế hệ kế tục và phát triển sự nghiệp?

Bà Phạm Chi Lan: Với chính sách vĩ mô, cần hai yếu tố đi cùng nhau là môi trường chính sách ổn định, minh bạch và cách thức phân bổ nguồn lực hợp lý.

Chính sách vĩ mô mà thay đổi liên tục hay ứng xử với doanh nghiệp theo kiểu “giàu thì ghét, đói ghét thì khinh, thông minh thì triệt” thì sẽ không có những đế chế trăm năm. Chính sách phải xuyên suốt, tôn vinh những người thành công, kể cả quy mô lớn, vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp dù ở quy mô vừa phải nhưng nỗ lực liên tục để khẳng định vị trí và phát triển mang tính bền vững.

Không quan tâm đến các doanh nghiệp vừa có thể khiến Việt Nam rơi vào tình trạng missing middle (thiếu vắng các doanh nghiệp vừa) và dẫn đến thiếu vắng các doanh nghiệp lớn bằng cách tích luỹ bề dày kinh nghiệm qua nhiều năm để thành trăm năm. Hiện có các doanh nghiệp từ không ai biết đến nhảy vọt thành doanh nghiệp lớn trong một thời gian ngắn. Rất đáng hoan nghênh nếu kinh doanh lành mạnh và tài năng thực sự nhưng thông thường sẽ rất khó.

Cần quan tâm đến các doanh nghiệp vừa. Chúng ta nói nhiều đến các tỷ phú mà quên rằng cũng có những người triệu phú, hoặc thậm chí chưa phải hạng đại gia nhưng là nền tảng trong nền kinh tế về nhiều mặt. Tôi kỳ vọng trong tương lai, họ sẽ trở thành những đại gia nhờ đi từng bước vững chắc, đến thời điểm chín muồi với đầy đủ nền tảng về quản trị, khách hàng, các mối quan hệ xã hội cũng như vị thế trong chuỗi giá trị thì sẽ thực hiện bước nhảy vọt mang tính bền vững.

Ngoài ra, cần tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các chính sách cho doanh nghiệp, thay đổi cách phân bổ nguồn lực phù hợp để sử dụng hiệu quả.

Về bản thân hệ thống quản trị, nhiều doanh nghiệp mang bóng dáng doanh nghiệp gia đình đã bắt đầu sử dụng những người tài giỏi, chuyên nghiệp từ bên ngoài. Đó là một bước thay đổi khá nhiều, nhất là ở các doanh nghiệp tầm trung đang phát triển tương đối vững chắc. Đó cũng là một kênh tốt để phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên cần lưu ý, cần có nhận thức rõ từ cả hai phía là chủ doanh nghiệp và người lao động. Chủ doanh nghiệp với hạn chế về năng lực và tuổi tác cũng như những thay đổi của thị trường và công nghệ sẽ cần sự nâng cấp liên tục của hệ thống quản trị, cần kết hợp hệ thống quản trị của gia đình cùng với việc sử dụng những người tài từ bên ngoài và đặt vào đúng vị trí. Với người lao động, cần gắn mình là thành tố của doanh nghiệp gia đình để cùng phát triển.

Nói về nội bộ doanh nghiệp thì quản trị là yếu tố quan trọng hàng đầu, nếu không có hệ thống quản trị tốt thì chẳng có cách nào trở thành thương hiệu trăm năm. Phải đào tạo thế hệ kế cận có đủ năng lực kế tục sự nghiệp nếu muốn doanh nghiệp gia đình tiếp tục phát triển kể cả về ý nghĩa sở hữu và quản trị. Giao sự nghiệp cho con cái không có đam mê và năng lực là một cách nhanh nhất để giết chết doanh nghiệp.

Đối với thế hệ tiếp theo, trước hết phải ý thức về vai trò của mình và nỗ lực đáp ứng những yêu cầu cần có nếu sẵn sàng và muốn làm người kế tục. Ý chí gắn với khát vọng, tâm nguyện phát triển sự nghiệp của gia đình sẽ tạo nên đam mê, giúp họ vượt qua những lúc khó khăn, khiến họ sẵn sàng mở lòng tiếp nhận những người tài giỏi bên ngoài về làm cùng. Nếu người kế tục không có ý chí và tâm nguyện thì không hút được người giỏi đi cùng để chiến đấu đường dài. Họ cũng cần nhận thức được những bài học thành công và thất bại ông cha đã để lại.

PV: Đâu là những lưu ý cho doanh nghiệp khi chuyển tiếp từ quản trị thuận tiện sang quản trị khoa học?

Bà Phạm Chi Lan: Đó là một bước nhảy về quản trị doanh nghiệp, kể cả trong năng lực người cầm trịch. Khi đã từ bỏ được những thói quen cũ, kể cả thói quen đã giúp mình thành công ở những nền tảng ban đầu, chấp nhận rủi ro, chấp nhận cuộc cách mạng trong quản trị nội bộ doanh nghiệp để ứng dụng hệ thống quản trị khoa học thì doanh nghiệp mới có cơ hội vượt lên. Điều này đỏi hỏi sự học hỏi, rèn luyện kỹ năng và cả thay đổi tư duy.

Khi đã nhận thức được, họ sẽ tìm kiếm được những người đủ năng lực tham gia vào hệ thống quản trị khoa học mới, đủ tin tưởng để biết ai có năng lực gì, phù hợp vị trí nào, từ đó tôn trọng và để người tài phát huy năng lực. Cần tránh việc tuyển vào nhưng vẫn giữ những nghi ngờ nhất định hoặc quá tự tin vào mình mà kìm hãm bởi đó chỉ là sự thay đổi nửa vời, đội ngũ giỏi cuối cùng cũng ra đi.

Do đó, khi chuyển từ quản trị thuận tiện sang quản trị khoa học, đòi hỏi phải chuyển đổi từ quản trị gia đình sang quản trị mở rộng vì khoa học đòi hỏi sự sắp xếp theo chuyên môn. Bản thân của khoa học là sáng tạo, đổi mới và chuyên nghiệp thay vì nửa vời. Cũng có những người bị ngộ nhận, áp dụng công nghệ chỉ mang tính hình thức thay vì thật sự theo yêu cầu và nhu cầu của người có chuyên môn.

PV: Điểm lại những gia tộc tiêu biểu, đâu là những điểm mạnh tiêu biểu cho những phẩm chất vàng cho doanh nghiệp Việt?

Bà Phạm Chi Lan: Trong phạm vi một số doanh nghiệp mà bản thân tôi biết, những doanh nghiệp như Gốm sứ Minh Long với sự dẫn dắt của ông Lý Ngọc Minh là điển hình tốt đẹp về doanh nghiệp gia đình phát triển được theo hệ thống hiện đại kể cả quản trị, công nghệ, cách phát triển thị trường và đang vươn ra quốc tế. Nếu tiếp tục được thì đây sẽ là một trong những đế chế trăm năm.

Những người như ông Minh hội tụ những phẩm chất tốt đẹp cần có của người doanh nhân. Đó là sự say sưa, có tình yêu lớn với những sản phẩm của mình, có đam mê, gắn bó với tinh hoa từ đất. Với đam mê đó, ông luôn đốc hết sức mình trong công việc.

Một phẩm chất tốt đẹp khác là ý chí kinh doanh rất kiên cường, bền bỉ, vững vàng trải qua nhiều thăng trầm từ thị trường cũng như những biến động của đất nước, xã hội. Ông có tinh thần tự học hỏi để nâng cao kiến thức không ngừng khi không được học nhiều về quản trị doanh nghiệp cũng như biết sử dụng người tài để vượt lên. Nhà sáng lập Gốm sứ Minh Long có tầm nhìn xa, khát vọng lớn nhưng luôn trong sự tính toán về lộ trình và bước đi cụ thể.

Trong hệ thống, ông chú trọng đào tạo cho con cái từ rất sớm, sẵn sàng chuyển giao sự nghiệp cho con khi từ Canada du học trở về nhưng bắt đầu với các công việc bình thường, để đến khi nắm được các khâu thực tế trong vận hành doanh nghiệp thì mới đưa vào hệ thống quản trị. Ông cũng sẵn sàng cho con phát triển các dòng sản phẩm mới mang tính cạnh tranh cao cũng như các sáng kiến mới trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ông là người thực hiện kinh doanh nhân văn. Ví dụ, luôn có các dòng sản phẩm giá rẻ cho những người lao động bình thường bên cạnh các dòng sản phẩm cao cấp khi ra mắt sản phẩm mới.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top