Aa

Doanh thu BĐS 6 tháng đầu năm: Kẻ lỗ, người lời chút đỉnh

Thứ Ba, 29/08/2017 - 11:29

6 tháng đầu năm 2017 vừa đi qua, các sàn chứng khoán HOSE và HNX đã thông báo về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết, với kết quả kinh doanh thấp, nhiều doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ.

Thị trường bất động sản 6 tháng qua chứng kiến sự chững lại tại Hà Nội và TPHCM. Lượng giao dịch cũng như số dự án mới  đều phát triển chậm, theo CBRE. Đa số doanh nghiệp chỉ phát triển dự án chung cư, dự án nhà phố, đất nền vắng bóng.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới 56 doanh nghiệp ngành địa ốc đã lên sàn chứng khoán. Số doanh nghiệp này nửa đầu năm 2017 có doanh thu 56.200 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 5.736 tỷ đồng, tăng 3%. Những doanh nghiệp liên tục báo lãi năm ngoái, nửa đầu năm nay chỉ báo lời chút chút.

Lời “chút đỉnh”

Danh sách các doanh nghiệp lời chút chút cũng chỉ bao gồm 10 doanh nghiệp lớn như Nova Land (NVL) Tập đoàn FLC (FLC), Vingroup (VIC) CTCP Đầu tư bất động sản Phát Đạt (PDR)… Số liệu cho thấy các doanh nghiệp này thu về 47.453 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.675 tỷ đồng. VIC đạt cao nhất 35.330 tỷ đồng, chiếm 63% doanh thu toàn ngành. Tiếp đến là NVL với doanh thu 6 tháng đạt 3.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 833 tỷ đồng.

Ở 10 doanh nghiệp dẫn đầu, điểm sáng đến từ 2 doanh nghiệp bất động sản là PDR và Tổng Công ty đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Nhưng lợi nhuận của hai công ty này lại không đến từ phát triển dự án mà từ lợi nhuận chuyển nhượng dự án. Đơn cử như PDR 6 tháng đầu năm có doanh thu 588 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ, lợi nhuận 126 tỷ đồng, tăng 2,5 lần. KBC có doanh thu 484 tỷ đồng, nhờ chuyển nhượng toàn bộ 1.500 tỷ đồng góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển khách sạn Hoa Sen.

PDR là doanh nghiệp có sự bứt phá doanh thu tốt nhờ chuyển nhượng dự án. (ảnh Gia Phú)

PDR là doanh nghiệp có sự bứt phá doanh thu tốt nhờ chuyển nhượng dự án. (ảnh Gia Phú)

Theo các chuyên gia về bất động sản, các doanh nghiệp dù báo lãi nhưng chỉ có lợi nhuận “chút đỉnh” bởi so vói cùng kỳ năm 2016, doanh thu kỳ này đã giảm 1.633 tỷ đồng, tức giảm 32,88% và lợi nhuận giảm 720 tỷ đồng, giảm 46,37%.

Nguyên nhân là thị trường từ đầu năm 2017 đến nay có dấu hiệu chững lại, mật độ dự án mới ra thị trường thấp, đơn cử như Nova Land tới thời điểm này chưa có dự án mới chào bán. Phát Đạt, Vingroup… cũng trong tình trạng này. Doanh nghiệp bất động sản niêm yết hầu như phát triển dự án bất động sản cao cấp, trong khi nhu cầu phân khúc này hiện nay rất thấp.

Lỗ dài tập

Trừ vài doanh nghiệp lãi “chút chút”, còn đó những doanh nghiệp lỡ bước nên lỗ lớn. Đơn cử như CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) 6 tháng đầu năm 2016 doanh nghiệp này lãi 10,34 tỷ đồng, nhưng năm nay ghi nhận lỗ tới 26,72 tỷ đồng cho dù báo cáo doanh thu nửa đầu năm 2017 của HDG tăng 140% so với cùng kỳ, đạt 894 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thế lại tụt sâu.

Trong khi đó, bước vào năm 2017, HDG đặt ra mục tiêu tổng doanh thu tăng 40%, tức con số thu về là 2.812 tỷ đồng so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 244,7 tỷ đồng.

Tiếp đó là CTCP Vạn Phát Hưng (VPH), 6 tháng đầu năm trượt khá sâu, khi lãi ròng chỉ đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 60% cùng kỳ năm 2016. Năm 2017 doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt 170 tỷ đồng, như vậy 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5% định mức đề ra.

Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp địa ốc ngành dầu khí tiếp tục thua lỗ. CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng dầu khí (PTL) lỗ 36,1 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2016 doanh nghiệp này lỗ 26,13 tỷ đồng. CTCP dầu  khí Nghệ An (PXA) lỗ nhẹ 6,12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 đơn vị này lỗ tới 19,93 tỷ đồng. CTCP Địa ốc dầu khí (PVL) cũng lỗ 4,12 tỷ đồng (năm ngoái 4,15 tỷ đồng) và cuối cùng là CTCP Đầu tư PV2 lỗ nhẹ nhất là 0,07 tỷ đồng.

Việc lỗ của doanh nghiệp địa ốc ngành dầu khí được cho là do thời gian qua có nhiều xáo trộn bởi hoạt động tái cấu trúc, nhiều lĩnh vực phải thoái vốn, trong đó có bất động sản.

Đối với HDG, lỗ là do từ đầu năm 2017 tới nay đơn vị này ít có dự án mới.

Những tháng cuối năm của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng sẽ bớt khó khăn hơn bởi thị trường cuối năm là thời gian các doanh nghiệp bứt tốc phát triển dự án mới cũng như đẩy mạnh chính sách bán hàng tồn kho từ các dự án cũ.

“Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, 56 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có tới 145,670 tỷ đồng tồn kho, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng nợ vay và thuê tài chính cũng tăng 6%, ở mức hơn 92.000 tỷ đồng. Như vậy, để bứt tốc các doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể triển khai doanh thu hiệu quả hơn trong thời gian còn lại của năm”, ông Châu nói. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top