Aa

Đội bóng Quạ Khoang

Thứ Ba, 26/06/2018 - 06:00

Khi ông Nhường Trọng sút một cú về phía khung thành trong lúc khởi động thì cả sân choáng váng. Cú sút mạnh đến mức đánh bật tung xà ngang lên. Khung gôn ngày đó không chắc chắn như bây giờ, nhưng cũng phải thấy, cú đá của ông Nhường Trọng là quá mạnh. Lúc đó, khán giả mới để ý nhìn vào những cặp giò của Đội Quạ khoang. Những cặp giò cuồn cuộn bắp và nâu bóng như đồng hun. Đó là cặp giò của nông dân ngày ngày cày bừa mưa nắng.

Cứ mỗi lần xem bóng đá của bất cứ giải đấu nào trong nước và trên thế giới, tôi lại nhớ da diết một đội bóng có một thời được gọi là Đội Quạ khoang. Đó là đội bóng của làng tôi - làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ.

Năm tháng trôi đi và biết bao nhiêu thứ ở làng tôi không còn nhưng những lá cờ đội vô địch bóng đá phong trào ở huyện, ở tỉnh ngày ấy trao cho đội bóng làng tôi vẫn còn. Một lần đến thăm nhà văn hóa, nhìn thấy những lá cờ ngày ấy lòng tôi xúc động khôn nguôi. Bao nhiêu bằng khen thì chẳng còn nhưng cờ giải bóng đá thì người làng vẫn giữ.

Cầu thủ của Đội Quạ khoang cho đến bây giờ chỉ còn lại hai người. Đó là thủ môn Nguyễn Gia Quang và tiền đạo Cao Văn Thân. Cả hai cầu thủ này năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ngày ấy, những người ở thế hệ tôi trong làng không biết gì về các tuyển thủ lừng danh Việt Nam. Thần tượng của chúng tôi là những cầu thủ của Đội Quạ khoang như ông Hào Tài, Nhường Trọng, Cao Văn Vân... Ông Nhường Trọng có một người em tên là Luận sau này đá cho đội Than Quang Ninh. Mỗi lần có cuộc thi đấu nào quan trọng, làng tôi lại tìm mọi cách gọi ông Luận về thi đấu cho làng vì ông là công dân của làng nên không sợ mang tiếng hay là phạm luật vì đi mượn cầu thủ. Tất cả các cầu thủ của đội bóng đều là nông dân. Chiều chiều họ từ cánh đồng ra thẳng sân bóng. Chơi bóng đến tối mịt thì xuống sông tắm. Cái sân bóng làng tôi một thời là sân bóng đẹp nhất huyện bây giờ vẫn còn. Bây giờ, thanh thiếu niên không còn đá bóng như ngày trước nữa. Không biết cho đến bao giờ lòng mê đắm đá bóng trở lại như trước.

Bóng đá làng quê.

Bóng đá làng quê.

Hồi ấy, mỗi khi đội bóng làng đi thi đấu luôn có đội hậu cần đi theo. Nếu thi đấu ở gần thì đội hậu cần nấu cỗ cho đội bóng ở nhà ông chủ nhiệm hợp tác xã. Ngày ấy, làng có một trại chăn nuôi lợn. Cứ đội bóng thi đấu là Ban chủ nhiệm hợp tác xã quyết định cho mổ một con lợn. Nếu thi đấu ở xa thì nấu thức ăn chín rồi gồng gánh đi theo phục vụ. Thường là mổ lợn rồi gói giò xào, mùa đông thì nấu nồi thịt đông, thịt quay da giòn, thịt rang cháy cạnh. Cứ thế mà lên đường như đi trẩy hội. Nếu thua trở về, Ban chủ nhiệm họp toàn dân ngoài sân đình rút kinh nghiệm. Lũ trẻ con chúng tôi cho dù có bị mẹ đánh cho sưng đít cũng vẫn bò ra sân đình nghe họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì sao lại thua. Chẳng ai là chuyên gia bóng đá mà khi các nông dân phân tích, lũ trẻ chúng tôi cứ há hốc mồn ra nghe.

Ngày ấy, nông dân đi làm tính công điểm. Cho nên các cầu thủ đi thi đấu cũng được tính công điểm để cuối vụ theo đó mà chia thóc, chia khoai. Công điểm của cầu thủ lúc nào cũng gấp đôi công điểm của những người nông dân khác. Mà đá có thua cũng không bị trừ công điểm như những người nông dân khác làm việc kém năng suất.

Tôi không nhớ rõ vào năm 1966 hay 1967 gì đó, đội bóng làng tôi vượt qua rất nhiều đội bóng để lọt vào trận chung kết bóng đá phong trào của tỉnh Hà Tây. Đối thủ của đội bóng làng tôi là đội tuyển thị xã Hà Đông. Đội bóng làng tôi đi xe đạp từ làng ra Hà Đông trước ba ngày. Nơi ăn chốn ngủ có tỉnh lo. Nhưng quần áo cho đội bóng thì không có. Cha tôi lúc đó làm ở Ty Công an Hà Tây nghĩ ra một kế. Cha tôi đi mua mấy chục mét vải thâm (bây giờ gọi là vải đen) để may quần áo cho đội bóng làng mình. May xong thấy đen xì bèn nghĩ ra mẹo lấy vải trắng may viền quanh cổ và số ở sau lưng áo. Khi đội bóng làng tôi bước ra sân bóng thị xã Hà Đông trong trận chung kết thì các cổ động viên đội tuyển thị xã Hà Đông cươi ồ lên rồi hô vang: “Quạ khoang, Quạ khoang...”. Họ thấy quần áo cầu thủ đội làng tôi giống các chú quạ khoang lông đen cổ viền trắng mà. Và cái tên Đội Quạ khoang bắt đầu có từ đó. Cái tên nghe không thích thú gì lắm. Nhưng vì trận đấu đó, những cầu thủ nông dân làng tôi đã đá tan nát đội tuyển thị xã Hà Đông với tỷ số 3-0 nên cái tên Đội Quạ khoang càng trở nên nổi tiếng. Cha tôi kể, khi ra sân, các cầu thủ đội tuyển thị xã Hà Đông mặc quần áo đội tuyển có in chữ rất đẹp, giày thể thao màu trắng. Trước khi trận đấu chính thức, họ tâng bóng, đánh đầu, đỡ ngực, rê bóng... rất chi là điệu nghệ và có ý thể hiện thách thức trước một đối thủ lớ ngớ, quê mùa.

Cha tôi kể lại là lúc đó ông và những người làng Chùa đi cổ vũ có mặt ở đó rất lo lắng. Khi ông Nhường Trọng sút một cú về phía khung thành trong lúc khởi động thì cả sân choáng váng. Cú sút mạnh đến mức đánh bật tung xà ngang lên. Khung gôn ngày đó không chắc chắn như bây giờ, nhưng cũng phải thấy, cú đá của ông Nhường Trọng là quá mạnh. Lúc đó, khán giả mới để ý nhìn vào những cặp giò của Đội Quạ khoang. Những cặp giò cuồn cuộn bắp và nâu bóng như đồng hun. Đó là cặp giò của nông dân ngày ngày cày bừa mưa nắng. Trận đấu làm cho nhiều cổ động viên đội tuyển Hà Đông quay ra cổ động cho đội đối thủ. Thế thao như vậy mới thật sự kỳ diệu.

Một vẻ đẹp của bóng đá tuổi thơ.

Một vẻ đẹp của bóng đá tuổi thơ.

Ngày ấy, bóng đá chẳng có bán độ, chẳng có âm mưu gì mập mờ sau nó. Chỉ có niềm đam mê vô tận và sự trong sáng tận cùng. Họ chơi bóng như một lẽ sống. Người làng tôi kể khi nào ra sân bóng ở đầu làng, ông Nhường Trọng cũng dựng một cái cọc tre ở mép sân sát chân đê và tập sút bóng cho trúng cọc. Mỗi chiều ông tập sút 100 lần vào cái cọc tre từ khoảng cách 20 mét. Hầu như ngày nào cũng tập. Hết tháng này đến tháng nọ, hết năm này đến năm nọ. Chính thế mà trong trận đấu với đội tuyển thị xã Hà Đông ông đã xé tan lưới đội tuyển Hà Đông hai lần đều vào góc trên của khung thành từ khoảng cách 20 - 30 mét. Chuẩn xác như một cầu thủ Châu Âu chuyên nghiệp bây giờ. Ông Cao Văn Thân thường tập rê bóng từ chân đê lên đến mặt đê và từ mặt đê xuống chân đê. Bây giờ tôi nghĩ, có khi các cầu thủ Việt Nam rèn luyện theo cách ấy thì thể lực và độ chính xác khi sút bóng sẽ vô cùng chuẩn. Khi bước vào trận đấu, họ đã đá như đang được sống, đang được hưởng nhận sự kỳ diệu của bóng đá. Vì thế họ đã chiến thắng trong những trận đấu khó khăn nhất mà tôi được biết.

Từ khi những cầu thủ nông dân trong Đội Quạ khoang làng tôi rời bỏ thế gian, những đêm World Cup là những đêm tôi rất nhớ họ. Họ hiện về trong tâm trí tôi đẹp lạ lùng. Đã là thi đấu thì có lúc được lúc thua. Nhưng những trận đấu của một đội bóng làng những năm tháng ấy đẹp quá. Họ không mang lại gì trực tiếp cho một nền bóng đá chuyên nghiệp nhưng họ mang đến một đời sống bóng đá, một tinh thần thể thao.

Và mỗi khi nhớ về họ tôi đều thấy họ là những cầu thủ đẹp nhất thế gian.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top