Aa

Đổi đất lấy hạ tầng: Giật mình trước sai phạm "con voi chui lọt lỗ kim" của Gamuda

Thứ Tư, 31/05/2017 - 06:01

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng dự án Nhà máy nước thải Yên Sở do Gamuda thực hiện, khi tham gia vào “cuộc chơi” dành “miếng bánh vẽ” của các dự án BT ở Việt Nam.

Như Reatimes đã thông tin, khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, tại nhiều thành phố trên khắp cả nước rộ lên phong trào các đại gia BĐS đua nhau nhảy vào “cuộc chơi” làm dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), mục đích chính là nhằm vào quỹ đất đối ứng hoàn vốn do chính quyền giao cho.

Điển hình như tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tasco khi thi công tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài, chỉ 3,5km đã được chính quyền thành phố đổi cho 70ha đất tại khu đô thị Xuân Phương và đường Trần Duy Hưng, hay Công ty Cổ phần Him Lam cũng được giao tới hơn 400ha đất khi thi công một nút giao thông ở Long Biên...

Nhờ tham gia vào việc thực hiện những dự án như vậy, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lớn nhanh như Thánh Gióng. Cũng chính trong “cuộc đua” này đã có rất nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Nam Cường, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty CP Him Lam, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh hay mới đây nhất là Công ty cổ phần Tasco,... đều thành danh trong lĩnh vực BĐS nhờ những “thương vụ” làm dự án BT.

Không chỉ thu hút doanh nghiệp trong nước, “miếng bánh vẽ” của các dự án BT cũng thu hút không ít doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Trường hợp của Gamuda City là một ví dụ.

Gamuda City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Tập đoàn Gamuda Berhad, Malaysia đầu tư, bao gồm 4 hạng mục chính: Công viên Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes.  

Trong đó, Công viên Yên Sở là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ba hạng mục còn lại là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes được xây dựng dưới hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Dự án đình đám một thời...

Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD, Gamuda City thời kỳ đó được xem là một trong những dự án đình đám nhất Hà Nội. Dự án được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép triển khai Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) vào tháng 12/2007, do Gamuda Land Việt Nam, thuộc tập đoàn Gamuda Berhad làm chủ đầu tư.

Theo đó, Công ty Gamuda Land Việt Nam sẽ xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở. Đổi lại, khi xây dựng 2 hạng mục trên, Gamuda Land sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh Khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên với quy mô gần 500ha.

Nhờ thực hiện dự án Công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Gamuda đã có quỹ đất lớn để xây dựng Khu đô thị Gamuda Gardens. Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Đây là một quỹ đất “khổng lồ” với vị trí nằm ngay cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, được hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp này “hái ra tiền”. Chính vì vậy, việc Gamuda được giao thực hiện dự án Công viên Yên Sở khi đó đã làm nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực BĐS trong nước thèm muốn.

Sau 5 năm được giao thực hiện dự án, tháng 12/2011, ngay sau khi Gamuda Land Việt Nam tiến hành xây dựng xong Nhà máy xử lý nước thải và Công viên Yên Sở, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định giao 82ha đất nằm trên địa bàn phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai cho doanh nghiệp này để xây dựng Khu đô thị Gamuda Gardens. Trong 82ha đất này có 22,5ha đất dự án sẽ dành để xây dựng nhà liền kề, biệt thự, chung cư.

Sau khi được Hà Nội giao đất, doanh nghiệp này đã bắt tay vào xây dựng Khu đô thị Gamuda Gardens, dự án cung cấp hơn 2.100 căn hộ, 2.000 nhà phố, 100 shophouse, 200 căn nhà liền kề và 100 căn biệt thự. Trị giá của Gamuda Gardens là 850 triệu USD. Dự án này đã đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho Gamuda.

Nhiều gian dối bị phát hiện

Liên quan đến quá trình thực hiện dự án, mới đây, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo trước Quốc hội về kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Đáng chú ý, trong báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt gian dối, sai phạm trong quá trình Gamuda thực hiện dự án BT ở Yên Sở.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại các dự án được thực hiện theo hình thức BT, các sai phạm chủ yếu tập trung ở việc: Giao dự án, chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định; ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán khi nhà đầu tư nhận được tiền hoàn trả, cơ cấu vốn đầu tư trong hợp đồng không đảm bảo quy định; xác định giá trị hợp đồng còn sai sót; có dự án không lập phương án tài chính; công tác lập dự án, đền bù GPMB, thiết kế - dự toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành còn nhiều sai sót; góp vốn chủ sở hữu không đạt yêu cầu…

Đáng chú ý, trong báo cáo trên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà đầu tư đã tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định 24,4 triệu USD (tương đương 534,6 tỷ đồng).

Cũng tại dự án này, việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành còn nhiều sai sót. Chi phí đầu tư thực tế so với nghiệm thu giảm 147,7 triệu USD tương đương 3.235 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo về việc kiểm toán việc xây dựng Nhà máy nước thải Yên Sở được công bố cách cuối tháng 2 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tập đoàn Gamuda Berhad giảm giá trị quyết toán dự án thành hơn 61,9 triệu USD, trong đó yêu cầu nộp trả UBND TP. Hà Nội hơn 22,1 triệu USD, tương đương 484,2 tỷ đồng quy đổi theo tỷ giá ngày 31/12/2015.

Đồng thời kiến nghị giảm số tiền được UBND TP. Hà Nội thanh toán so với giá trị quyết toán nhà đầu tư lập 39,8 triệu USD, tương đương hơn 872 tỷ đồng.

Đối với UBND TP. Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND thành phố yêu cầu Gamuda Berhad nộp trả ngân sách nhà nước số tiền chênh lệch giữa giá trị quyết toán hợp đồng BT với số tiền sử dụng đất phải nộp lên tới hơn 22,1 triệu USD, tương đương 484,2 tỷ đồng như đã nói ở trên.

"Hoặc thu hồi diện tích đất có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng, hoặc cả 2 hình thức. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có trách nhiệm đôn đốc thu nộp số tiền trên tránh thất thoát ngân sách, tài sản công”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Tại báo cáo trên, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận theo quy định các nội dung kiến nghị xử lý tài chính khác số tiền hơn 86,8 triệu USD để quyết toán và thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách, tài sản công.

Đồng thời, cơ quan kiểm toán yêu cầu nhà đầu tư nộp trả ngân sách đối với giá trị các trường hợp UBND TP. Hà Nội không chấp nhận quyết toán cho dự án, trong đó lưu ý, giá trị 6,77 triệu USD của 5 hồ Yên Sở không có trong quyết định đầu tư, thi công trước khi có phê duyệt dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị chỉ đạo Cục thuế Hà Nội thực hiện thanh tra về việc kê khai nộp thuế của Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam và đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do việc kê khai thuế chưa đảm bảo quy định.

Về xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam trong việc không kịp thời quyết toán hợp đồng BT, chậm thu hồi số tiền nộp ngân sách 22,1 triệu USD.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top