Aa

"Đòi" được vỉa hè bao lâu khi dân nhờn luật?

Thứ Bảy, 04/03/2017 - 14:01

Nửa tháng nay, có lẽ câu chuyện nóng nhất trên diễn đàn mạng xã hội và các trang báo là “cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang sôi sùng sục ở TP. HCM và Hà Nội. Quyết liệt là thế nhưng liệu "đòi" được vỉa hè bao lâu?

Công cuộc "đòi" vỉa hè "khởi động" từ quận 1 (TP. HCM), đích thân Phó chủ tịch Đào Ngọc Hải dẫn đầu đoàn đi dẹp những hàng quán, công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhằm trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đến nay, “phong trào” này đang lan rộng ra nhiều quận khác của TP. HCM và quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước “cuộc chiến giành lại vỉa hè” này đã từng vô số lần các cơ quan quản lý nhà nước ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường với “trống rong cờ mở” cùng nhiều lực lượng tham gia nhưng chưa bao giờ, việc đòi lại vỉa hè lại được dư luận quan tâm như thời gian vừa qua.

Sở dĩ có sự quan tâm đặc biệt này là vì, cách làm “thẳng tắp” của ông Đào Ngọc Hải, Phó chủ tịch quận 1 đã gây ngạc nhiên cho nhiều người. Mặt khác, việc ông, một quan chức cấp quận, lần đầu tiên trực tiếp xuống đường dẫn quân “dẹp loạn” vỉa hè đã khiến nhiều người bất ngờ.

Hơn nữa, với tuyên bố "sẽ cởi áo về vườn" nếu không thể xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, ông đã không ngần ngại cho đập bỏ và tháo dỡ các công trình vi phạm không chỉ của người dân mà của cả cơ quan công quyền nhà nước. Trước hành động cương quyết của ông Phó chủ tịch quận 1, nhiều hộ kinh doanh ở TP. HCM đã tự giác tháo dỡ phần vỉa hè vi phạm.

Thế nhưng điều đáng buồn là mấy ngày gần đây, báo chí phản ánh, sau khi đội quân của ông Hải rút đi được ít hôm thì tại quận 1, nơi ông và các nhân viên dưới quyền đã rất cương quyết giành lại vỉa hè, một số hộ kinh doanh lại tái vi phạm.

Rõ ràng, trong khi các cơ quan đang nỗ lực đòi lại vỉa hè thì đây đương nhiên là hình ảnh không đẹp. Tuy nhiên, suy cho cùng việc người dân tiếp tục lấn chiếm vỉa hè trở lại cũng chưa hẳn lỗi hoàn toàn do người dân, bởi lâu nay họ vốn quen tự tung, tự tác trên vỉa hè. Thậm chí, không ít người còn coi vỉa hè trước cửa nhà là tài sản của mình cho nên có quyền mắng chửi, xua đuổi người khác nếu thích.

Cũng có ý kiến cho rằng, chính sự “bảo kê” cho những vi phạm trong việc sử dụng vỉa hè của một số ít người tại chính quyền sở tại đã làm cho việc quản lý vỉa hè từ trước đến nay có vẫn như không.

Lực lượng chức năng dọn dẹp vỉa hè phố cổ Hà Nội.

Lực lượng chức năng dọn dẹp vỉa hè phố cổ Hà Nội.

Nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, lập lại trật tự giao thông đô thị với đầy đủ thành phần tham gia, từ CSGT, CSTT, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên,... cùng “trống rong cờ mở” nhưng cứ hễ “ra quân” người dân chấp hành rất tốt, sau đó vài ngày, đâu lại vào đó. Từ đó có thể thấy, ngoài ý thức của người dân kém thì chính sự duy trì kiểm soát kém của các đơn vị thực thi nhiệm vụ đã khiến người dân nhờn luật.

Nói không đâu xa, ngay trong việc cấp phép xây dựng cũng vậy. Thời gian qua, có rất nhiều công trình vi phạm, sau khi bị phát hiện thì đã không bị xử lý triệt để mà lại “được phạt cho tồn tại” hoặc cấp phép bổ sung, dẫn đến ngày càng nhiều những công trình sai phạm.

Trở lại câu chuyện muốn lập lại trật tự vỉa hè như một Singapore thu nhỏ của quận 1, từng sang Singapore rất nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng phải trầm trồ về sự phong quang, sạch sẽ và tốc độ ô tô phóng vun vút trên các tuyến đường trong nội đô thành phố.

Sở dĩ đường phố sạch sẽ, đi cả ngày ngoài đường về nhà mặt không bụi là do Singapore xử phạt rất nặng những trường hợp vứt rác ra đường. Theo quy định của thành phố, những người vứt mẩu thuốc lá, giấy kẹo ra đường sẽ bị phạt tới 200 SGD (đô la Singapore). Còn nếu vứt một túi rác ra đường sẽ phải hầu tòa. Sau khi đối chất trước tòa án sẽ bị điều đi dọn vệ sinh tại một điểm nhất định và mặc bộ quần áo dành cho người quét dọn màu xanh lá cây để giáo dục tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, có điều để áp được mức phạt răn đe như vậy, trên đường phố Singapore cứ cách một đoạn khoảng 1km lại có một thùng rác rất đẹp, sạch sẽ ở lề đường.

Còn ở Việt Nam thì sao? Mới đây, Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/2, một số phường của Hà Nội đã tiến hành ghi hình phạt người tiểu bậy. Tuy nhiên, do hiện nay tại hầu hết các tuyến phố chính của thành phố gần như vắng bóng nhà vệ sinh công cộng cho nên việc xử phạt này cũng chỉ mang tính chất minh họa. Nơi làm nơi không.

Không chỉ có vậy, nhiều quy định khác như xử phạt hút thuốc nơi công cộng cũng đã được ban hành cách đây khá lâu nhưng người dân vẫn thản nhiên hút thuốc mà chưa thấy ai bị phạt. Chính vì những việc như vậy cứ lặp đi lặp lại ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho nên người dân đã quá quen với việc nhờn luật, do đó người ta không ngại khi vi phạm những cái chẳng ai động đến mình.

Với cuộc chiến giành vỉa hè đang lan rộng, sau hành động cương quyết của ông Đào Ngọc Hải và cấp dưới, mấy ngày nay, đến lượt quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng sôi nổi giành lại vỉa hè cho người đi bộ nơi phố cổ. Quyết tâm của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cao đến mức, đã huy động khoảng 1.500 người ra để giữ trật tự vỉa hè.

Rõ ràng, việc thiếu một quy hoạch bài bản, nếu dẹp kinh doanh buôn bán ở vỉa hè là gây khó cho người dân. Tuy nhiên, không gian công cộng nên vỉa hè cần phải được trả lại cho đúng mục đích sử dụng của nó, nghĩa là trả về phục vụ công cộng, đi bộ.

Nếu như trước đây chúng ta đã buông lỏng quản lý dẫn đến nhờn luật thì bây giờ hơn lúc nào hết, đây là lúc cuộc chiến giành lại vỉa hè có cơ sở để bắt buộc đi đúng lằn ranh của pháp luật quy định.

Tuy nhiên, để “cuộc chiến” này thành công, sau khi giành được vỉa hè, thành phố nên xử phạt nặng những hộ vi phạm, đồng thời giao cho chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm quản lý. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ kiên quyết cách chức. Nếu làm được như vậy, tin chắc rằng, vỉa hè sẽ được trả lại cho người đi bộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top