Aa

Đổi mới chính sách, thể chế và tư duy: Chìa khóa vàng của kỷ nguyên 4.0

Thứ Ba, 09/07/2019 - 06:01

“Rõ ràng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Trong cách cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, những yếu tố đảm bảo cho sự thành công phụ thuộc vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên khoáng sản, nguồn lực tài chính, tuy nhiên với cách mạng công nghiệp 4.0 lại phụ thuộc vào thể chế, cơ chế chính sách và định hướng phát triển hơn là chỉ dựa vào nền tảng kỹ thuật số.

Bởi cho dù nền tảng công nghệ và ứng dụng số có phát triển mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa mà tư duy của người làm chính sách không theo kịp cuộc sống, không khuyến khích được các ứng dụng thời 4.0 phát triển thì các ứng dụng khoa học công nghệ thời 4.0 vẫn khó có thể phát triển ở Việt Nam. Khi đó, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ “chuyến tàu” mang tên cách mạng công nghiệp 4.0.

Hoàn thiện chính sách, đổi mới thể chế và tư duy là giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam tận dụng thành công những thành quả mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Đó cũng là lý do mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn được gọi là cuộc cách mạng của chính sách, thể chế và tư duy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trọng Đạt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trọng Đạt.

Cách duy nhất để doanh nghiệp Việt đuổi kịp “chuyến tàu” 4.0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, cách mạng công nghiệp 4.0 biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại. Ví dụ điển hình là trong khi chúng ta đang nghiên cứu các giải pháp chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ; về khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; về quyền sở hữu đối với các loại tài sản mã hóa; về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo…, thì mới đây Facebook công bố và phát hành đồng tiền điện tử Libra (ngày 18/6/2019), được nhiều hãng thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ.

Theo Thủ tướng, những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới chúng ta, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tức thời và có giải pháp pháp lý phù hợp.

Một điều quan trọng khác trong tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng công nghiệp 4.0 là việc xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới.

Phát biểu bên lề Hội thảo Doanh nghiệp – Doanh nhân 4.0, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng khẳng định: “May nhất là việc người Việt chưa biết gì, cứ thế lao vào làm, quyết tâm làm, lại đúng đường. Tuy nhiên, cũng cần phải có 4 tiền đề để bắt kịp đợc cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, vai trò của thế chế, chính sách phải được đề cao. Thể chế phải tốt, lãnh đạo phải nhanh, mạnh và quyết đoán, sâu sát, nhạy cảm với tình hình để có quyết sách đúng đắn. Tiếp theo là phải có một hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực số có chất lượng cao. Ngoài ra, phải tiếp tục coi doanh nghiệp sáng tạo là trung tâm đồng thời thúc đẩy an ninh mạng kết nối.

Và chúng ta đều biết, nguyên liệu quan trọng nhất, cốt lõi nhất liên quan đến vấn đề dữ liệu. Nên khung pháp lý đầu tiên cần tập trung nhất chính là dữ liệu. Nó liên quan đến quyền, tạm gọi là quyền sở hữu, quyền tiếp cận, quyền riêng tư, dịch chuyển dữ liệu số, đặc biệt là sự dịch chuyển qua  biên giới.

Ở đây có rất nhiều điều mới nên chúng ta phải có những bước tiến, bước đi nhanh chóng, quyết liệt liên quan đến lĩnh vực dữ liệu đối với doanh nghiệp, đối với người dân, đối với việc xây dựng chính phủ điện tử.

Chúng ta phải làm quyết liệt theo nghĩa đặt nó vào chương trình của Chính phủ. Có thể có nhiều cách, làm một luật để sửa nhiều luật liên quan đến kỷ nguyên số, hay là chọn ra những điểm ưu tiên để sửa đổi thật nhanh, liên quan đến câu chuyện kết nối, dữ liệu mở. Quyết liệt đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách là cách duy nhất để chúng ta đuổi kịp cuộc cách mạng 4.0”.

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Liên Hà

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Liên Hà

Theo vị chuyên gia này, yếu tố đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế, trong đó cũng không thể không nhắc đến vai trò của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước.

“Công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những điều luật pháp không cấm. Về nguyên tắc, điều này đúng. Nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phải xem xét lại. Chúng ta phải cho công chức quyền được sáng tạo”.

Doanh nghiệp phải tư duy, thiết kế và xây dựng lại

Tại diễn đàn "Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định: “Điều quan trọng nhất bây giờ chính là cả chính sách và doanh nghiệp phải hướng đến cái mới. Khi hướng đến cái mới, chúng ta không chỉ bắt kịp với những nước đi trước mà còn có cơ hội để đi cùng với thế giới. Lý do bởi trước kia chúng ta không biết rất nhiều điều thì thế giới lại biết; chúng ta biết "đôi điều" thì thế giới lại biết "nhiều điều". Gần như không có điều gì chúng ta biết mà thế giới lại không biết nên chúng ta thua và luôn cố gắng bắt kịp”.

Theo TS. Thành, trong bối cảnh “con tàu” cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhổ neo vươn khơi, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang chuyển nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và “chất xám” cùng kỹ năng mới. Dù không ít trắc trở, song cũng là xu hướng chung của thế giới. Cơ hội “lớn lên” là cho tất cả những ai dám đón nhận và biết “tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại, ưu tiên tận dụng nguồn nhân lực.

Quốc gia nào cũng vậy, để đi lên cần có những doanh nghiệp “đầu đàn” mạnh, đủ tạo ra chuỗi giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh, nhất là khả năng dẫn dắt.

“Việc này đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp xu hướng chuyển dịch và cam kết quốc tế.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là từ doanh nghiệp. Tại sao đất nước vẫn cơ bản chỉ có những doanh nghiệp “to” mà chưa “lớn”? Họ mới chỉ “to” về số lượng, như về tổng tài sản, vốn liếng, lao động, doanh thu, lợi nhuận…

Nhưng để được coi là “lớn”, là thực sự "trưởng thành" thì họ phải có thương hiệu toàn cầu, vì đây là cuộc chơi toàn cầu. Họ phải đạt trình độ công nghệ ở mức độ cao, đặc biệt là ở cấp độ cải tiến và sáng tạo. Theo tiêu chí mới, sản phẩm của họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn: xanh, thông minh, nhân văn, và cả biểu tượng của người dùng. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước”, TS.Võ Trí Thành phân tích.

Mặt khác, theo ông Thành, trong hành trình tiến tới 4.0, để đối mặt với những rủi ro có thể xảy đến, nguyên tắc chính là biến cái "bất định" thành cái "xác định". Doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá, tỷ giá; tận dụng bảo hiểm; nhận thức pháp lý và hiểu biết cơ chế, quy trình xử lý tranh chấp. Đặc biệt, cần dành nguồn lực hết sức có thể để thu nhận, phân tích thông tin, đánh giá các loại hình rủi ro. Nếu là cú sốc nhất thời cần phải điều chỉnh bộ phận, nếu là cú sốc lâu dài cần phải điều chỉnh chiến lược...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top