Aa

"Dọn đường" cho doanh nghiệp trục lợi từ dự án tâm linh?

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 04/09/2019 - 08:53

Sự bùng nổ của các siêu dự án hoành tráng gắn mác “tâm linh”cùng với những mập mờ trong khâu giao đất thực hiện dự án đã khiến dư luận phải đặt ra nhiều nghi vấn. Mất hàng nghìn ha đất, Nhà nước và nhân dân được gì, hay nguồn lợi khổng lồ lại rơi vào túi của doanh nghiệp?

Có điều gì bất thường ở những siêu dự án du lịch tâm linh gắn với di sản quốc gia chùa Bái Đính, Tam Chúc... khi một quần thể chùa chiền được xây dựng mới trên diện tích đất lớn nhưng vấn đề có mang lại lợi ích gì cho nhân dân, nhà nước, hay nguồn lợi khổng lồ rơi vào túi doanh nghiệp vẫn là một dấu hỏi. Ở một số dự án đã công bố cho thấy có cả câu lạc bộ thủy thủ, casino, khách sạn... Liệu rằng, có chuyện doanh nghiệp trục lợi từ tâm linh để nhắm tới phần đất đai phục vụ dự án?

Khu du lịch tâm linh Chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng để “buôn thần, bán thánh”

Có thể dễ dàng nhìn thấy khá nhiều doanh nghiệp, trong đó, phải kể đến “đại gia” Xuân Trường đang ồ ạt xây dựng các dự án tâm linh quy mô lớn với phương châm “chùa sau sẽ xây to hơn chùa trước”. Như quần thể chùa Bái Đính được xây dựng với diện tích 539ha bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, còn lại là các hạng mục khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...

Sau khi tạo được tiếng vang lớn từ dự án chùa Bái Đính, doanh nghiệp Xuân Trường “bắt tay” xin đầu tư, kinh doanh những dự án tâm linh khác với quy mô càng ngày càng “khủng”, tạo thành chuỗi dự án tâm linh nối liền nhiều tỉnh. Tại Hà Nam, Xuân Trường rót 11.000 tỷ đồng , xây dựng một quần thể chùa chiền lớn nhất thế giới với diện tích 5.100ha, nằm bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7ha. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…

Còn tại Thái Nguyên, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ xây dựng bảo tháp Phật giáo lớn nhất thế giới khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500 ha).

Chùa Bái Đính.

Theo chuyên gia văn hóa,TS. Trịnh Hòa Bình, sự bùng nổ du lịch tâm linh thời gian qua xuất phát từ nhu cầu có thật là cộng đồng dân cư mỗi ngày một “mê tín” hơn. “Nhà nhà, người người đều mê mải đi đền chùa, miếu mạo, sắm lễ cúng bái như một sự mặc cả với các lực lượng siêu nhiên. Các dự án du lịch tâm linh đồ sộ rộng đến cả ngàn héc-ta với hàng loạt kỷ lục về chùa và tượng phật ra đời một mặt đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, nhưng một mặt cũng kích thích sự “cuồng tín” vốn có trong dân chúng. Trục lợi từ tâm linh là câu chuyện đã, đang và hoàn toàn có thể xảy ra”.

TS. Trịnh Hòa Bình.

TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, điều quan trọng nhất và cũng tạo ra nhiều vấn đề bất thường được dư luận đặc biệt quan tâm chính là diện tích đất phục vụ dự án đều tính ở con số hàng nghìn ha nhưng diện tích xây chùa chỉ chiếm phần nhỏ. Nguồn lực đất đai ngày càng hiếm nhưng lại phải nhường chỗ cho các siêu dự án của doanh nghiệp, mà nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được sẽ đi về đâu, Nhà nước, nhân dân có được lợi gì không thì “có trời mới biết”.

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cũng nhận định: “Trước kia xây chùa là thể hiện đất nước hưng thịnh, nhưng bây giờ xây chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà nó còn gắn liền với du lịch. Nói chính xác nếu làm khu du lịch đơn thuần thì khó thu hút khách cho nên người ta xây thêm vào khu du lịch đó một ngôi chùa, quàng vấn đề tâm linh vào đó để dễ thu hút khách. Những dự án đó đón đầu cho một trào lưu mới đang rất phát triển, du lịch tâm linh, một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận”.

Theo các chuyên gia, dự án do doanh nghiệp đầu tư thì tất yếu sẽ hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Và rõ ràng, khi điểm du lịch tâm linh hướng đến mục tiêu lợi nhuận thì những chuyện như thu phí, đặt hòm công đức dày đặc, ra giá cúng, khấn thuê, hóa sao giải hạn... trở thành chuyện thường tình. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hậu quả sẽ không chỉ là nguy cơ phá vỡ cảnh quan vốn hài hòa của di tích, mà tạo nên tình trạng ngày càng thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm tín ngưỡng của cộng đồng.

Trong văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy về việc cấp hàng nghìn ha đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… cho doanh nghiệp xây chùa, Bộ TN-MT nêu rõ, việc giao đất này chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Những sơ hở trong khâu giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án tâm linh đã cho thấy một diện tích lớn đất đai bị thất thoát và cũng không ai tính toán được nguồn lợi mà doanh nghiệp thực hiện dự án có được sau khi dự án đi vào hoạt động. Tất cả đều không được minh bạch, trong khi đó đều là đồng tiền của người dân, của xã hội.

“Người dân bỏ tiền ra đi chùa, trả tiền cho những dịch vụ phát sinh khi vào chùa, tiền bạc của cải của xã hội đổ vào đó vô cùng lớn nhưng không thể kiểm chứng được. Rõ ràng doanh nghiệp đã được ưu ái ban cho mảnh đất lớn, rồi dành một ít đất xây dăm ba cái chùa to lấy danh hiệu, còn lại anh muốn làm gì thì làm. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, liệu có lợi ích nhóm ở đằng sau đó không”, TS. Trịnh Hòa Bình nêu quan điểm.

Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng: “Nhiều nhà đầu tư đã khai thác kinh doanh du lịch dưới lớp “vỏ bọc” tôn giáo. Đây là một thực tế cần nhìn nhận, không thể “lợi dụng” tôn giáo để kinh doanh và “lợi dụng” chính sách đất đai rất cởi mở đối với tôn giáo để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh mà không phải chịu tiền sử dụng đất".

Làm gì để các dự án tâm linh không bị trục lợi

Có thể thấy, sự đầu tư của doanh nghiệp trong việc phát triển các dự án tâm linh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân là cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dự án tâm linh phải nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đa số người dân một cách vô vụ lợi nếu không ắt sẽ gây ra tác động ngược.

Theo một chuyên gia Phật giáo, chùa là biểu tượng cho chân lý thánh thiện, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tu học của tăng ni và các tín đồ Phật tử, cũng là nơi giáo dục đạo đức hướng thiện cho tất cả mọi người. Do vậy, trong khuôn viên của chùa, khu tâm linh không cho phép những hoạt động trần tục, đến lòng tham, sự sân si của con người như cờ bạc hay những trò chơi mang tính ăn thua.

Bên cạnh đó, trong không gian của tâm linh không được phép tổ chức những trò chơi giải trí có tính ồn ã, hoàn tục, những điều này sẽ làm ảnh hưởng đến không gian, chốn linh thiêng của phật giáo. Chùa xây to nghĩa là đã được cơ quan chức năng cho phép, tuy nhiên các cơ quan cũng cũng cần chú ý đến các hoạt động xung quanh tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động tâm linh của phật giáo.

Để làm được điều này, theo các chuyên gia, cần phải có sự minh bạch ngay từ khâu giao đất, giao dự án, phải quy định cụ thể đến từng hạng mục và trách nhiệm quản lý sau khi dự án được hoàn thiện và đi vào hoạt động.

“Không gian xung quanh ngôi thờ tự sẽ được tính như thế nào? Hay cũng tính chung như xây chùa, như vậy sẽ có trục lợi bởi không gian xung quanh được gọi là không gian phụ trợ rồi họ sẽ làm gì?

Họ cũng có khu nghỉ dưỡng, cũng có các tu viện, rồi nhà hàng… những khu này họ sẽ làm gì? Có phải là một kiểu kinh doanh trá hình không?

Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần định nghĩa cụ thể khu du lịch tâm linh là gì? Trong khu du lịch tâm linh có cái gì và không được phép có cái gì? Được phép xây dựng cái gì và không được phép sử dụng cái gì? Đã đến lúc nhà nước phải xem xét lại cách quản lý và cách thức cấp các dự án có gắn mác tâm linh để tránh doanh nghiệp trục lợi”, một chuyên gia bất động sản chia sẻ trên báo chí.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp phải có một sự hiểu biết nhất định, chuyên sâu về các lĩnh vực của di sản, phải hình dung được quá trình tôn tạo, trùng tu, bảo vệ, phát huy thì ở đâu là ranh giới, là điểm dừng. Khi khai thác các thế mạnh, các giá trị của di sản thì phải đảm bảo di sản phải bảo tồn được giá trị gốc, mặt khác phải để di sản có sự bổ sung, sự kế thừa để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

“Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế mà không chú trọng đến lợi ích tinh thần thì sẽ không ổn. Vấn đề là dừng lại ở bao nhiêu phần trăm thì đảm bảo được tính khoa học. Một số quần thể bất động sản xây dựng ở khu vực tâm linh nếu có thể phá vỡ cảnh quan, môi trường chung và làm mất đi tính thiêng của khu vực tâm linh thì cũng không nên. Nhưng nếu như thiếu dự án ở những khu vực tâm linh thì sẽ không thúc đẩy được dịch vụ du lịch. Khu tâm linh lúc này chỉ mang tính linh thiêng mà không gắn liền với sự phát triển của xã hội. Do vậy, muốn phát triển thì phải có tính đồng bộ, khoa học và được quản lý một cách hiệu quả và cốt lõi ở đây vẫn là sự minh bạch”, bà Hồng nêu quan điểm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top