Aa

Dự án 10 tỷ USD của ông chủ Tôn Hoa Sen: Dân đồng ý lấy thép hay lấy nước?

Thứ Tư, 07/09/2016 - 13:40

"Việt Nam đã có nhiều tỉnh từ chối dự án thép cách đây cả chục năm như Đà Nẵng, Khánh Hòa và đó là sự từ chối khôn ngoan. Tốt nhất Ninh Thuận nên lấy ý kiến xem người dân đồng ý lấy thép hay lấy nước", PGS.TSKH Nguyễn Tác An nói.

Quan tâm đến cam kết của UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ cung cấp đủ nước cho Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang hoan nghênh lời cam kết của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhưng ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, mong chờ tỉnh nêu rõ cơ sở khoa học, công nghệ để thực hiện cam kết.

Vì thực tế tài nguyên nước của tỉnh không được dồi dào như các nơi khác, nếu không muốn nói nước đang là “của hiếm” cản trở Ninh Thuận đột phá phát triển.

PGS.TSKH Nguyễn Tác An

PGS.TSKH Nguyễn Tác An

"Lời cam kết rất quan trọng, chỉ có điều cần lưu ý, nước là điều kiện môi trường, nhưng ở các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Ninh Thuận, nước lại là yếu tố sinh thái, liên quan đến sự tồn vong của mỗi địa phương.

Các kết quả nghiên cứu về chỉ số và tần suất khô hạn ở Ninh Thuận đều có giá trị cảnh báo, tài nguyên nước rất hạn chế. Hiện chưa có công nghệ nào để làm ra nước với quy mô thương mại.

Thông thường, người ta cũng có thể dùng các giải pháp thủy lợi, điều chỉnh hệ thống sông suối, xây dựng hồ chứa nước cỡ lớn, hoặc cấp bách hơn thì lọc nước mặn thành nước ngọt nhưng đòi hỏi chi phí rất lớn và điều đó không rõ Ninh Thuận hiện nay có đủ tiềm lực không?

Nếu Ninh Thuận giải quyết được vấn đề nguồn nước thì có lẽ họ không cần làm thép cũng giàu. Tôi tin tưởng lời cam kết của UBND tỉnh Ninh Thuận nhưng cũng muốn biết làm sao để có được nguồn nước đó? Cơ sở nào để thực hiện lời hứa đó?

Mặt khác, ngay cả nước sản xuất, sinh hoạt của người dân Ninh Thuận hiện nay cũng chưa được dồi dào. Nếu đã hứa cung cấp nước cho dự án thép thì thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh cũng cần lưu ý đảm bảo đủ nước cho người dân", PGS.TSKH Nguyễn Tác An nói.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, công nghiệp thép là ngành ô nhiễm, các nước phát triển đã sớm nhận thức được điều đó và tiến hành di dời ngành công nghiệp này sang nước kém phát triển hơn, trong khi đó Việt Nam lại ít cảnh giác.

"Tôi đã nghe lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cam kết sẽ đảm bảo môi trường và nếu dự án gây ô nhiễm, doanh nghiệp này sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước.

Nhưng để “làm tin”, tốt nhất là Hoa Sen nên mạnh tay, ký quỹ bảo hiểm môi trường và gởi ngay cho Ninh Thuận kinh phí dự phòng, bằng khoảng 30-40% tổng vốn đầu tư để phòng các sự cố. Nếu không có kinh phí dự phòng thì mọi người đều cho đó cũng chỉ là những lời nói.

Năm 1986, vụ tai nạn tại nhà máy điện Chernobyl (Ukraine) đã gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới và dẫu có bao nhiêu tiền của cũng không giải quyết hết được hậu quả của nó. Ở đây không còn là vấn đề tiền bạc mà phải xem xét ở góc độ tính thực tiễn.

Việt Nam làm thép là do nhu cầu phát triển cần nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng như trong ngành thép đã khẳng định, hiện nay đối với Việt Nam, thép không còn là vấn đề bức xúc, thậm chí Việt Nam đã thừa thép, trong khi vấn đề môi trường khi làm thép lại khiến người dân không yên.

Bao giờ khi động chạm đến môi trường người ta cũng phải giải quyết bằng khâu công nghệ, kỹ thuật, tư duy chứ không ai đem tiền ra thách thức môi trường. Bởi thế, về mặt chiến lược phải hết sức cân nhắc và thận trọng.

Mọi người đều hiểu, phát triển thì ít nhiều gì cũng có tác động đến môi trường. Các quốc gia công nghiệp đều cân nhắc, chọn lựa thận trọng các giải pháp phát triển và quản lý phát triển, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Đã đến lúc Ninh Thuận và Nhà nước cần đặt ra vấn đề thông báo rộng rãi các thông tin quản lý phát triển, các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ an sinh xã hội, nhất là tác động của công nghiệp làm thép, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, vấn đề an sinh xã hội và các giải pháp xử lý, quản lý…", Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật biển Việt Nam nhấn mạnh.

Ông cho biết, Việt Nam đã có bài học Formosa và sau thảm họa môi trường nghiêm trọng do nhà máy này gây ra, hậu quả của nó vẫn chưa thể giải quyết hết. Do đó, Nhà nước và Ninh Thuận cân nhắc lợi hại mọi nhẽ trước khi chọn lựa và quyết định.

"Việt Nam đã có nhiều tỉnh từ chối dự án thép cách đây cả chục năm như Đà Nẵng, Khánh Hòa và đó là sự từ chối khôn ngoan. Tốt nhất Ninh Thuận nên lấy ý kiến xem người dân đồng ý lấy thép hay lấy nước", ông An gợi ý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top