Aa

Dự án của Công ty Cổ phần Công nghệ Cơ – Điện lạnh “bán lúa non”: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng?

Thứ Tư, 22/08/2018 - 23:01

Dự án Him Lam – Vạn An có tên gọi ban đầu là dự án xây hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Thụ Ninh, phường Vạn An, TP. Bắc Ninh. Đây là dự án trúng đấu giá của Công ty CP Công nghệ Cơ – Điện lạnh. Nhưng điều dư luận buộc phải đặt ra câu hỏi là tại sao một công ty trúng đấu giá dự án lớn lại... quá ít thông tin được công bố.

Đúng là chưa bao giờ, chưa khi nào, tình trạng “nhà nhà, người người” đầu tư vào bất động sản lại nhộn nhịp như hiện nay. Nguyên nhân cũng bởi đất đai, một tài sản có giá trị, ngày càng thể hiện "ma lực" lợi nhuận ghê gớm, đã kéo theo một trào lưu các doanh nghiệp lấn sân sang bất động sản. Thế nhưng khi quá nhiều vụ việc “lấn sân” đầy lùm xùm liên quan tới tính pháp lý và chất lượng công trình xuất hiện, dư luận buộc phải băn khoăn đặt ra câu hỏi: “Phải chăng cứ có tiền là được quyền chuyển sang kinh doanh bất động sản?” và "Việc một số doanh nghiệp yếu kém trong quá trình xây dựng và quản lý sản phẩm bất động sản sẽ gây ra hệ lụy gì, ai chịu trách nhiệm?"

Dự án Him Lam – Vạn An: Những dấu hỏi bất ngờ?

Mới đây nhất, việc dự án Him Lam – Vạn An (Bắc Ninh) “bán lúa non” đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đã thế, không chỉ bán hơn 100 lô đất khi chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt… dự án Him Lam – Vạn An còn đưa giá hợp đồng đặt cọc thấp hơn so với phiếu thu thực tế. Rất nhiều những dấu hỏi đáng ngờ tồn tại đằng sau dự án Him Lam – Vạn An nhưng cuối cùng chỉ đến khi “tai tiếng” của dự án này xuất hiện, người ta mới biết được, chủ đầu tư thực sự là Công ty CP Công nghệ Cơ – Điện lạnh.

Trước đó, tháng 11/2017, Công ty CP Công nghệ Cơ – Điện lạnh (trụ sở tại Tầng 5, tòa nhà Long Biên, khu Trung Đoàn 918, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án xây hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Thụ Ninh, phường Vạn An, TP. Bắc Ninh, theo quyết định số 643 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Quyết định nêu rõ, tổng diện tích khu đất đấu giá là 72.536,1m2 với giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 83.3888.888.000 đồng.

Đến tháng 6/2018, dự án xây hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Thụ Ninh, phường Vạn An “bỗng” được “sang tên, đổi chủ” thành dự án Him Lam – Vạn An và được mở bán. Đến cuối tháng 7/2018, số lượng lô đất bán thành công đã lên tới hơn 100 lô với giá từ 22 triệu – 26 triệu đồng/m2.

k

Hiện trạng tại dự án Him Lam - Vạn An. (Ảnh chụp ngày 31/07)

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao dự án xây hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Thụ Ninh, phường Vạn An lại được “sang tên, đổi chủ” chỉ trong vòng khoảng 6 tháng và nhanh chóng trở thành dự án mới với lời quảng cáo “hoa mỹ”? Và tại sao trong gần 2 tháng, dự án Him Lam – Vạn An bán hàng rầm rộ trên tất cả các phương tiện truyền thông như website, mạng xã hội nhưng… phía chủ đầu tư thực sự lại không hề hay biết?

Điều đáng nói là cũng trong năm 2017, Công ty CP Công nghệ Cơ – Điện lạnh ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đại Nguyên Minh về những điều khoản góp vốn cùng nhau hợp tác xây dựng Khu nhà ở Thụ Ninh, phường Vạn An (mà sau bị đổi tên thành dự án Him Lam – Vạn An) theo tỷ lệ góp 70% – 30%.

Đến đầu tháng 6/2018, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đại Nguyên Minh ủy quyền giao toàn bộ quyền thu chi, mở bán dự án cho Công ty TNHH Bất động sản Ngọc Viễn Đông. Điều khó hiểu, tại sao Công ty CP Công nghệ Cơ – Điện lạnh lại ký hợp tác với Đại Nguyên Minh hợp tác xây dựng dự án Khu nhà ở Thụ Ninh, phường Vạn An nhưng lại không hề hay biết Đại Nguyên Minh đã ủy quyền cho Ngọc Viễn Đông tiến hành bán dự án?

Cứ có tiền là trúng đấu giá đất?

Đến hiện tại, có ít nhất 100 khách hàng mua dự án Him Lam – Vạn An nhưng đặt trong trường hợp xấu nhất “mua nhầm dự án” thì không biết rằng ai mới là đơn vị phải đứng ra chịu trách nhiệm?

Một khoản tiền huy động vốn lớn từ dự án “lúa non” đã khiến dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi, vì sao Công ty CP Công nghệ Cơ – Điện lạnh - một đơn vị có ngành nghề đăng ký kinh doanh chính “Sản xuất khác chưa được phân vào đâu” - lại có thể trúng thầu một dự án với quy mô không hề nhỏ, diện tích lên tới 72.536,1m2 với giá trị trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 83.3888.888.000 đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đã thế, tìm kiếm thông tin về công ty này rất khó. Để tìm kiếm một website chính thức của công ty này cũng như các dự án bất động sản đã từng làm không hề đơn giản, kết quả tìm được vẫn chỉ là con số 0.

Khi PV Reatimes liên hệ với số điện thoại bàn của Công ty theo giấy phép đăng ký và theo bản hợp đồng mới được ký kết vào năm 2017 nhưng chỉ nhận được thông báo công ty đã chuyển trụ sở, mà không nhận được câu trả lời cho các vấn đề liên quan đến dự án. 

Một công ty tại Hà Nội, ngành nghề kinh doanh không thuộc về bất động sản, thông tin công ty gần như vẫn là con số bí ẩn khiến dư luận buộc phải đặt ra nghi vấn: “Tại sao một công ty trúng đấu giá dự án lớn lại không có bất kỳ thông tin gì nhất là trong thời đại hiện nay, tham gia đấu giá, đầu thầu công ty phải công khai thông tin về hoạt động”. Hay phải chăng cứ có tiền là trúng đấu giá đất?

Trong một diễn biến khác, trao đổi với Công ty Cổ phần Him Lam, phía đại diện công ty cho biết không liên quan đến Dự án Him Lam - Vạn An (thuộc thôn Thụ Ninh, phường Vạn An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).  Công ty Cổ phần Him Lam sẽ có văn bản đề nghị các bên liên quan điều chỉnh tên dự án và làm rõ việc này.

Theo tôi, nguyên tắc đấu giá không phải ai chi tiền cao nhất là sẽ bàn giao quyền sở hữu đất cho người đó. Trước khi đưa vào quá trình đấu giá, chúng ta cần phải có quy hoạch chuẩn. Nghĩa là, mảnh đất vàng đó cần phải được xác định trong tương lai sẽ tiến hành làm gì, làm khu vui chơi, khu văn phòng hay khu chung cư…?

Sau đó, mới đưa ra quyết định công bố việc đấu giá. Thế nên, không phải doanh nghiệp nào đưa ra giá tiền cao nhất sẽ được nhận quyền sở hữu mà buộc doanh nghiệp đó phải có năng lực quản lý, phù hợp với quy hoạch tương lai của khu đất. Điều này yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, tổ chức đấu giá phải xem xét hồ sơ tham gia đấu giá của doanh nghiệp.

Chúng ta cần phải lựa chọn các đơn vị có thành tích quản lý thương mại tốt, ở trong nước hay ngoài nước thì mới tiến hành đấu giá. Có như vậy, chính quyền mới đảm bảo được mảnh đất có giá trị cao vì sự đắc địa, khả năng sinh lời tốt sẽ thuộc quyền quản lý của một đơn vị có năng lực. Hơn nữa, không phải vấn đề chúng ta bán với giá tốt mà phải tạo ra nguồn thu tốt nhất.

TS. Đinh Thế Hiển

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top