Aa

Dự án đường sắt đô thị "mắc cạn" biến Hà Nội thành đại công trường?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 27/04/2018 - 06:00

Những bất cập về quy hoạch Hà Nội vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều chuyên gia quy hoạch, là nỗi bức xúc của người dân. Trong đó, những dự án công trình giao thông nói chung và đường sắt đô thị nói riêng đang biến Hà Nội thành một công trường thực sự.

Những vướng mắc tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội trong thời gian vừa qua khiến không ít người đặt ra câu hỏi phải chờ thêm một năm hay bao lâu nữa người dân Thủ đô mới có thể di chuyển trên tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam? Trong khi tuyến đầu tiên chưa đưa vào hoạt động thì Hà Nội mới đây đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Điều này một lần nữa dấy lên những quan ngại lớn về công tác triển khai dự án đường sắt đô thị, thậm chí có ý kiến cho rằng Hà Nội đang trở thành một đại công trường xây dựng?

Cụ thể theo tờ trình, các tuyến bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai). Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) có chiều dài gần 6 km. Đoạn đường sắt này được thiết kế đi ngầm với 6 ga ngầm với tổng mức đầu tư hơn 25.700 tỷ đồng, khai thác vào năm 2025.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,7km với 7 ga ngầm tổng mức đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào năm 2026. Tuyến thứ 3 là đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km, tổng kinh phí hơn 66.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.

Để hoàn thành các dự án, TP. Hà Nội có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong 8 năm từ 2018 đến 2025 để thực hiện. Số tiền này đủ để cân đối xây dựng 3 tuyến đường sắt trên. Trong trường hợp các nguồn lực nói trên chưa huy động đủ hoặc không kịp thời, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố mong muốn được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án.

Hai bên đường Cầu Giấy tập trung nhiều cửa hàng thời trang, lòng đường lại bị thu hẹp để phục vụ cho việc thi công dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội càng khiến các phương tiện di chuyển khó khăn hơn.

 Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khi mới bắt đầu xây dựng từng khiến giao thông khu vực dọc đường Cầu Giấy lâm vào cảnh ùn tắc

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho đến thời điểm hiện tại, mục tiêu 13,1km đường sắt đầu tiên đi vào hoạt động vẫn chưa chốt được ngày chính xác. Cái giá mà Hà Nội vẫn phải trả là lãng phí về mặt tài chính, những tháng ngày ùn tắc dưới những tuyến đường sắt, và cả rủi ro cho người dân khi công trường xây dựng "treo lơ lửng" trên đầu.

Một chuyên gia trong ngành khẳng định rằng dự án đường sắt đô thị là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của các thành phố. Tuy nhiên, đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Theo đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư cho đường sắt là cần thiết nhưng phải đưa ra phương án huy động vốn cho xong một dự án rồi tiếp tục đến dự án khác thay vì đồng loạt làm, đồng loạt thiếu vốn, đồng loạt đợi chờ cuối cùng là hiệu quả chưa thấy chỉ thấy một Hà Nội ngồn ngang các dự án giữa chừng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng nhận định, các thành phố còn lúng túng khi triển khai tuyến đường sắt đô thị bởi không đưa ra được bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Khi chưa thống nhất ban hành một quy chuẩn chung trong xây dựng đường sắt đô thị ngay từ đầu sẽ khiến quá trình triển khai xây dựng không đồng bộ dự án kém hiệu quả và lãng phí.

Với số lượng công trình đường sắt đồ sộ và hàng loạt các dự án giao thông hạ tầng tính cả nội thành và bên ngoài vùng lõi, Hà Nội đang thực sự như một công trường. Tuy nhiên, các công trường này rõ ràng được cấp phép xây dựng hoặc đang được xây dựng hiện nay đều nằm trong tầm nhìn quy hoạch Hà Nội đến năm 2030. Như vậy, nếu không có vấn đề phát sinh thì hơn 10 năm nữa, bài toán quá tải về không gian, mặt nước và giao thông tại Hà Nội sẽ có lời giải.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8km, trong đó 342,2km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư từ 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD; từ 2021 - 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 là 3,56 tỷ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.

Dự kiến 10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh), tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi), tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở), tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà), tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá), tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top