Aa

Dự án Usilk City: Cần xem xét trách nhiệm của UBND quận Hà Đông

Thứ Bảy, 02/06/2018 - 06:01

Đối với cư dân của Dự án Usilk City, “hành trình” đòi lại quyền lợi cho bản thân và gia đình ngày càng trở nên gian nan, khó khăn hơn. Trước một loạt sự việc đã và đang diễn ra, PV Reatimes đã liên lạc với Luật sư, Th.S Nguyễn Minh Tuấn, Hãng luật Intercode và có buổi trò chuyện về vấn đề này.

PV: Thưa luật sự, trường hợp chủ đầu tư để người dân Usilk City sinh sống trong một Dự án chưa được nghiệm thu PCCC đã rất nhiều năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí là "thảm họa", có liên quan gì tới trách nhiệm của cơ quan quản lý PCCC và chính quyền địa phương (cụ thể là UBND phường La Khê, UBND quận Hà Đông)? Theo quy định của pháp luật thì các cơ quan liên quan này sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn: Khoản 1 Điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ - CP quy định: “Dự án, công trình… có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt về PCCC, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Như vậy, với quy định nêu trên thì chủ đầu dự án Usilk City phải có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu về PCCC và việc nghiệm thu đó phải đạt yêu cầu thì khi đó chủ đầu tư mới được đưa dự án vào sử dụng. Việc chủ đầu tư chưa tổ chức nghiệm thu nhưng đã cho người dân vào ở là trái với quy định của Luật PCCC 2001 và trái với quy định của Nghị định 79/2014/NĐ - CP của Chính phủ.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý PCCC:

Khoản 5 Điều 55 Nghị định 79/2014 quy định: Bộ Công an có trách nhiệm: “Thực hiện thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC đối với các dự án, công trình xây dựng… có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC…”.

Ngoài ra, điểm C khoản 6 Điều 16 Nghị định 79/2014 cũng quy định: Cơ quan cảnh sát PCCC có trách nhiệm: “Kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với các dự án, công trình… có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC  theo thẩm quyền”.

Như vậy, đối chiếu với những quy định trên thì có thể thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý PCCC thuộc Bộ Công An là: Kiểm tra, thẩm duyệt nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình… có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC trước khi được đưa vào sử dụng.

(Thiết kế: Đỗ Linh)

(Thiết kế: Đỗ Linh)

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương:

Nghị định 79/2014 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương: UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (phường) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có chức năng quản lý Nhà nước về PCCC ở địa phương.

Về việc chịu trách nhiệm trước pháp luật của các cơ quan liên quan:

Theo quan điểm của chúng tôi, hiện nay, đây là vấn đề vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn khi xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, bởi chưa có điều luật cụ thể quy định và chế tài xử lý trách nhiệm công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang PCCC có vi phạm với lỗi cố ý hay vô ý vi phạm quy định về PCCC đối với các dự án, công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC.

Trên thực tế, công tác phòng ngừa, chống cháy nổ các công trình nhà ở cao tầng không đảm bảo, các cơ quan chức năng chỉ xem xét, kiểm tra, xử lý một cách quyết liệt những sai phạm khi có hậu quả.

Pháp luật quy định về trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại hay trách nhiệm hành chính đối với tất cả các chủ thể liên quan, tuy nhiên, một sự thật đáng buồn là chưa có bất kỳ một công chức, viên chức hay chiến sĩ lực lượng vũ trang nào phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý nêu trên khi xảy ra hậu quả, mà hậu quả của “giặc lửa” thì hầu hết là đặc biệt nghiêm trọng.

PV: Thưa Luật sư, mặc dù UBND quận Hà Đông đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ PCCC, tuy nhiên, chủ đầu tư không hề chấp hành. Cho đến nay, hệ thống PCCC vẫn chưa được hoàn thiện nhằm bảo vệ tính mạng cho cư dân. Phải chăng, năng lực quản lý của chính quyền quận Hà Đông là yếu kém?

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn: Việc UBND quận Hà Đông đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ PCCC, tuy nhiên chủ đầu tư không hề chấp hành và cho đến nay, vấn đề PCCC vẫn chưa được thực hiện triệt để và người dân sống trong khu chung cư không được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản.

Như vậy, trách nhiệm của UBND quận Hà Đông cần phải được đặt ra trong trường hợp này. Cơ quan chức năng quận Hà Đông đã kiểm tra, giám sát việc tuân thủ những quy định về PCCC một cách triệt để, cương quyết, đúng quy định của luật chưa? Phải có người chịu trách nhiệm; trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư không loại trừ trách nhiệm hành chính, thậm chí hình sự của các bộ công chức, các bộ chiến sĩ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước PCCC.

(Thiết kế: Đỗ Linh)

(Thiết kế: Đỗ Linh)

PV: Mặc dù chủ đầu tư chưa nghiệm thu PCCC và hoàn thiện nhiều công trình nhưng nhiều hộ dân ở Usilk City đã được cấp sổ đỏ. Vậy sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có vi phạm quy định của pháp luật không khi cấp sổ đỏ cho cư dân?

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn: Khoản 1 Điều 6 – Nghị định 99/2015/NĐ - CP quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp (tuân thủ điều kiện và hình thức) theo quy định của Luật Nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (bao gồm cả nhà ở được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong các dự án quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở) và có giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó”.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 9 Luật nhà ở 2014 quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn”.

Như vậy, theo những quy định nêu trên thì hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc các công trình, dự án chưa được nghiệm thu PCCC hay còn nhiều phần công trình chưa hoàn thiện thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng mà chỉ quy định là dự án nhà ở được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho việc thực hiện và người dân có giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện sở hữu nhà hợp pháp thì sẽ được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Từ đó có thể thấy, trong trường hợp này, chưa đủ cơ sở để khẳng định Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vi phạm trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở cho các hộ dân ở Usilk City.

PV: Trong trường hợp này, người dân Usilk City cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa Luật sư ?

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn: Những người dân đang sinh sống trong chung cư Usilk City cần phải có những kiến nghị bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền như UBND TP. Hà Nội, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng để kiến nghị các cơ quan này thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với sai phạm của chủ đầu tư về PCCC.

Để tự bảo vệ tính mạng tài sản, mỗi cư dân cần phải tự mình có ý thức trách nhiệm, củng cố kỹ năng phòng ngừa hiểm họa rủi ro chống cháy nổ khi mà cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự tuân thủ pháp luật về PCCC.

PV : Xin cảm ơn Luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top