Aa

Dự án vào danh sách thế chấp: Bà chủ Quốc Cường Gia Lai lên tiếng

Thứ Năm, 28/07/2016 - 07:50

Cho rằng thông tin các dự án thế chấp công bố không rõ ràng, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai khẳng định sẽ gửi đơn khiếu nại lên sở TNMT TP HCM.

Lần đầu tiên Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM công bố danh sách các dự án bất động sản trên địa bàn TP đang thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng cho các đơn vị, cá nhân được biết. Trong danh sách công bố tính đến ngày 8/6 có 77 dự án nhà ở trên địa bàn TP HCM được chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng.

Ngay sau khi danh sách này được công bố, một số doanh nghiệp địa ốc được "bêu" tên cho biết, trong suốt ngày 25/7 hàng trăm khách hàng đã mua căn hộ của họ "đứng ngồi không yên" và liên tiếp "dội bom" điện thoại về công ty để hỏi thông tin.

Một doanh nghiệp bị điểm tên trong danh sách này là Quốc Cường Gia Lai (QCGL) do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch QCGL. Bà Loan cho biết công ty đang làm đơn khiếu nại đến Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về thông tin 2 dự án nằm trong danh sách thế chấp ngân hàng.

Bà Như Loan cho rằng thông tin các dự án thế chấp công bố không rõ ràng.

Bà Như Loan cho rằng thông tin các dự án thế chấp công bố không rõ ràng.

Bà Loan khẳng định, thông tin mà Văn phòng đăng kí Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM công bố có nhiều điểm chưa rõ. Theo danh sách, QCGL được cho là có 2 dự án đang thế chấp ngân hàng (mục 71 chung cư 4A lô số 4 – Khu đô thị mới 6B – Khu đô thị Nam Thành phố và mục 75 Khu dân cư 6B).

Nhưng, theo QCGL thì thực chất đây là một dự án, nhưng danh sách lại liệt kê 2 lần, khiến nhiều người hiểu nhầm QCGL là một trong những công ty có nhiều dự án thế chấp nhất. Kiểm tra lại danh sách, cho thấy danh mục 2 dự án trên là một, cùng địa chỉ, tên, thửa số 212, ngày đăng ký thế chấp (25/5/2015). Đây chính là dự án nhà ở xã hội 6B.

Theo QCGL, trên thực tế công ty chỉ vay duy nhất 01 dự án nhà ở xã hội 6B, vì lãi suất ưu đãi 5%/năm để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp. Đến thời điểm này, dư nợ của dự án là 73 tỷ chưa đến 12% tổng mức đầu tư của dự án nhưng công ty cũng đã thi công xong và đang giao nhà cho khách hàng.

"Bản thân tôi rất bức xúc vì danh sách có QCGL chưa chính xác. Tôi đang gửi đơn khiếu nại vì những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của QCGL." người đứng đầu QCGL nói.

Cũng theo bà Loan đến thời điểm này, QCGL hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào dù rất nhiều dự án đang xây dựng, đang mở bán và cả dư án sắp giao nhà. Ngay cả dự án rất dễ thế chấp nhất là dự án số 24 Lê Thánh Tôn quận 1, chúng tôi vẫn không vay và đang giao nhà cho đối tác BIDV.

Chia sẻ thêm về việc các dự án thế chấp ngân hàng, Chủ tịch QCGL cho rằng:

Thứ nhất, không phải dự án nào thế chấp là không được bán và sẽ bị ngân hàng siết nợ như các trường hợp đã xảy ra. Tôi được hiểu có rất nhiều dự án vẫn đang thế chấp vẫn bán và giao nhà cho khách hàng không hề có rủi ro.

Ngoại trừ một phần nhỏ các ngân hàng khi xét duyệt cho chủ đầu tư vay không cẩn thận trong quá trình thẩm định giá trị tài sản dự án và không bám sát để giải ngân theo tiến độ thi công, cũng như không đăng ký giao dich đảm bảo hồ sơ pháp lý chặt chẽ mới dẫn đến tình trạng rủi ro cho khách hàng.

Hệ quả là để ngân hàng siết nợ như các trường hợp đã xảy ra. Thực tế nhiều nguồn thông tin công bố các dự án đang thế chấp là không được bán là hoàn toàn không đúng.

Thứ hai, hiện nay với sự lãnh đạo sát sao của các cơ quan quản lý, thông tin các dự án đang bán và đang thế chấp được đăng tải lên thông tin đại chúng và nhất là trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường là điều đáng mừng, minh bạch giúp ích rất nhiều cho người mua để khách hàng kiểm tra đúng nhất, và được yên tâm khi mua sản phẩm.

Thứ ba, ngoài các yếu tố dự án thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư phải cùng ngân hàng phân bổ dòng tiền xây dựng dự án được hoàn thành bảo đảm kịp tiến độ không bị thiếu tài chính dẫn đến chậm tiến độ thi công.

Chủ đầu tư còn phải quan tâm đến chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, giá thành sản phẩm, vị trí sản phẩm... thì mới thu hút được khách hàng.

Không riêng QCGL, một số doanh nghiệp tại TP HCM cũng cho biết sẽ phản ứng lại với danh sách mà 77 dự án vừa công bố. Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, theo thông báo thì doanh nghiệp đã thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại một ngân hàng.

Song ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát khẳng định, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong Công văn số 7067/TNMT-VPĐK đều là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác, hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào.

Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty.

"Chúng tôi có thể thế chấp phần tài sản cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc dự án. Vì thế, thông tin công bố của Sở có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai", ông Lực nói.

Liên quan đến danh sách 77 dự án thế chấp nói trên, chiều 25/7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch hơn.

Tuy nhiên, việc công bố danh sách 77 dự án này cũng đã khiến một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Theo danh sách có thông tin "Lô A3 Him Lam Riverside của Công ty Cổ phần Him Lam thế chấp tại Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Đồng Nai từ ngày 26/9/2014". Ngay sau khi các phương tiện thông tin đăng lại bảng danh sách này, đại diện công ty Him Lam Land cho biết họ khá bất ngờ vì việc cầm cố này đã chấm dứt từ lâu giữa công ty và ngân hàng.

Theo văn bản số 180 ngày 4/7/2016 của ngân hàng Eximbank gửi công ty Him Lam Land thì 540 căn hộ thuộc Lô A3 của dự án trên đã được phía ngân hàng giải chấp. Cộng với đó, Eximbank cũng đồng ý giải chấp nhiều căn hộ thuộc block khác của dự án này, cũng như các tài sản khác có thế chấp tại ngân hàng thời gian qua.

Một trường hợp khác, trao đổi với chúng tôi chiều 25/7, ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Gia Hòa cho biết: "Thông tin dự án dự án Khu căn hộ The Art của công ty hiện đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - Chi nhánh TP.HCM (Vietbank) là đúng nhưng không đầy đủ".

"Bởi vì thời gian qua công ty Gia Hoà chỉ sử dụng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản hành thành trong tương lai thuộc dự án The Art để đảm bảo cho nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh của chủ đầu tư trong bán nhà hình thành trong tương lai thuộc dự án The Art, chứ không phải dùng thế chấp vay vốn đầu tư dự án.

Minh bạch thì đúng nhưng cách thể hiện như của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là không ổn. Gom tất cả các doanh nghiệp có thế chấp dự án ở ngân hàng vào 1 "rỗ" mà không phân loại từng hình thức cầm cố rõ ràng. Tôi nghĩ những sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai sẽ bị tê liệt trong 2-3 tháng tới vì những thông tin thiếu rõ ràng này", ông Mạnh nói.

Lãnh đạo Tập đoàn Novaland, một trong những “ông lớn” trong ngành BĐS TP.HCM có rất nhiều dự án nằm trong danh sách trên, cũng cho biết công ty thế chấp dự án là để bảo lãnh cho người mua nhà, thực hiện theo luật Kinh doanh BĐS.

“Dự án được NH đứng ra cam kết bảo lãnh thì khách hàng phải mừng vì nếu chủ đầu tư không giao nhà cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng, NH sẽ phải đứng ra bồi thường cho khách hàng. Chỉ có những dự án có tính thanh khoản tốt, DN làm ăn uy tín mới được NH đứng ra bảo lãnh thôi”, vị này nói./.

Theo quan điểm của luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn Luật sư TP HCM: “Việc cơ quan chức năng công bố danh sách các dự án thế chấp là bình thường. Mục đích của doanh nghiệp thế chấp dự án cũng có thể là bình thường. Nhưng người mua nhà cần phải có thông tin, để tìm hiểu rõ về tình trạng dự án đã được giải chấp hay chưa?

Tốt nhất khi mua nhà, người mua nên làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Dù với mục đích nào đi nữa, việc sử dụng dự án thế chấp thì chuyện hoàn thành cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà (sổ hồng) có thể sẽ kéo dài hơn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top