Aa

Dưa cải muối của mẹ

Chủ Nhật, 02/12/2018 - 06:00

Tôi cũng không biết là mẹ tôi muối dưa thế nào, theo tỷ lệ muối nước ra sao. Thế nhưng tôi thấy giòn chua ngon lắm. Đến khi lớn lên tôi ra khỏi làng đi làm, tôi rất hay rủ bạn bè vào một cái quán bia hơi nổi tiếng của Hà Nội trên phố Tăng Bạt Hổ uống, một phần vì cái món dưa cải của họ khá ngon.

Có thể bạn quan tâm

Hồi xưa khi nước sông Hồng, sông Đuống còn to, mỗi năm đến mùa lũ, nước tràn ngập cánh bãi quê tôi độ nửa tháng. Cũng có năm nước to ngập dai dẳng đến cả tháng. Nhưng thường thì đến quãng rằm tháng tám là nước đã rút xuống dưới bờ vở sông. Cánh bãi vừa được trải một lớp phù sa mới màu nâu non dịu dàng tinh khôi, trải dài mênh mang mịn màng nhìn rất thích mắt. Ít ngày sau, gió heo may của mùa thu nổi lên, đất bãi khô se lại. Dân làng tôi bắt đầu sang cày cuốc trồng ngô, đỗ, rau quả...

Mẹ tôi vào tiết ấy hay trồng ngay một luống cải để nhà nhanh có rau ăn. Giống cải mào gà. Gọi là cải mào gà vì lá to và mép lá nhăn nhăn quăn tít vào như cái mào con gà trống to uỵch ở trong vườn nhà. Buổi chiều tôi hay phải đi xách nước sông lên tưới cho luống rau ấy. Lúc bé thì dùng một cái siêu đun nước để tưới. Lớn lên một chút thì xách cái xô sắt tây và một cái gáo tưới vào từng gốc cây cải. Có lẽ do đất tốt, do tưới tắm đều nên chỉ mươi ngày là nhà tôi có rau ăn. Đến bữa, mẹ tôi hay sang bãi, cắt tỉa đều những cái lá cải non mang về. Rửa sạch. Thái nhỏ. Hôm thì luộc, hôm xào có hôm nấu canh cua hay canh cá chuối, cá rô. Những con cá anh em chúng tôi hay lần mò kiếm được ngoài ao đầm đồng bãi. Thêm vài lát gừng là có một bữa canh cá nấu rau cải thơm nức mũi...

Nhũng cây cải được mẹ tôi cắt tỉa lần lượt và đều nên cứ lớn dần lên, to ra. Những cái lá to như quạt nan. Xanh rì. Mép vẫn quăn tít như mào con gà trống. Hồi ấy tôi vừa tưới rau vừa nghĩ, hay là những cây cải ở luống rau nhà tôi như cái niêu cơm của Thạch Sanh, ăn hết lại đầy. Những cây cải của nhà tôi cứ cắt một hai lá, lần lượt hết luống quay lại thì hầu như đã thấy xum xuê.

Cải bẹ mào gà

Cải bẹ mào gà (ảnh Internet)

Thế nhưng không hẳn vậy. Được một thời gian cho lá, cây cải bắt đầu cao lên, lá nhỏ dần đi. Rồi cải bắt đầu trổ ngồng. Mẹ tôi chỉ để lại vài cây cho cải nở hoa để sau này lấy hạt làm giống cho vụ sau. Còn thì mẹ tôi nhổ cả về muối dưa. Luống đất trồng rau ấy lại được cuốc xới lại rồi trồng cà chua, su hào, cải bắp vào thay thế. Tôi vẫn cứ điệp khúc chiều chiều sang bãi kín nước tưới rau của mình...

Những cây cải ngồng kia mẹ tôi đem về rửa sạch, ngồng và lá thái dài độ hai đốt ngón tay. Thân cây cải phần già mẹ dùng dao nhỏ sắc lột lớp vỏ ngoài, thái lát nghiêng mỏng để cùng với lá. Đem phơi cải ngoài sân trên cái nia cho héo bớt rồi cho vào vại sành muối. Tôi cũng không biết là mẹ tôi muối dưa thế nào, theo tỷ lệ muối nước ra sao. Thế nhưng tôi thấy giòn chua ngon lắm. Đến khi lớn lên tôi ra khỏi làng đi làm, tôi rất hay rủ bạn bè vào một cái quán bia hơi nổi tiếng của Hà Nội trên phố Tăng Bạt Hổ uống, một phần vì cái món dưa cải của họ khá ngon.

Màu vàng ươm của dưa cải vừa chín tới. Màu trắng nõn nà của nhánh hành hoa. Màu đỏ rực rỡ của trái ớt bổ dọc muối cùng. Rất bắt mắt. Khá chua ngon vừa độ. Uống vại bia, ăn củ lạc và nhâm nhi miếng dưa cải thấy cũng hay! Thế nhưng dù gì vẫn không thể nào ngon bằng món dưa cải mẹ tôi muối ngày xưa. Ngon lắm. Dưa vàng hơn. Giòn hơn. Thơm nồng hăng hăng mùi cay của cải. Thỉnh thoảng ăn phải miếng dưa cay xộc lên tận mũi tận tai, dào cả nước mắt ra mà nhớ mãi. Nhiều hôm cơm chả có gì ăn, tôi xúc bát cơm nguội và chan luôn bằng nước dưa. Thế mà ngon ra phết. Có bạn nào đã từng ăn cơm nguội chan với nước dưa như tôi chưa?

Ngày ấy chả có tủ lạnh nên vại dưa cải của mẹ tôi chỉ ăn được độ một tuần là chuyển sang chua gắt không ăn được nữa. Lúc ấy thì cũng là mùa đông, ao hồ đầm cạn nước, trời hết mưa, bắt đầu vào mùa tát vét. Bọn tôi rủ nhau đi tát vét bên những thùng vũng bên bãi sông. Lũ cá sông theo nước lũ vào rồi khi cạn không ra được nữa. Rất nhiều thứ cá. Có một loại cá tép rất nhiều, thân chỉ to bằng ngón tay, dài, đầu nhọn, màu sáng bạc. Hồi ấy bọn tôi chỉ biết gọi là cá tép thế thôi. Bắt được cá to đem bán lấy tiền mua quần áo sách vở. Còn mớ cá tép ấy mang về, nấu với dưa chua trong vại, lúc ăn thái chút thì là, hành, mùi rắc vào thì thôi rồi là đưa cơm. Tôi vẫn nhớ câu bố tôi hay nói “có cá đổ vạ cho cơm”, vì thấy anh em chúng tôi ăn khỏe quá, gấp mấy ngày thường. Còn mẹ tôi khi ấy thường chả nói gì. Hay ngồi nhìn anh em chúng tôi cắm đầu vào nồi cơm và bát canh dưa cá nóng hổi thơm nức mà xì xụp chan húp với nhau...

Độ hai chục năm nay sông Đuống, sông Hồng ít nước. Mùa lũ chả năm nào nước lên được bờ vở sông nói gì đến ngập bãi nữa. Nhưng cả cánh bãi sông Đuống quê tôi người ta vẫn trồng nhiều cải. Có chỗ họ để cho cả ruộng cải nở thành hoa vàng rực bạt ngàn. Đẹp lạ. Nhưng mà đi trên đê nhìn thấy tôi cứ nghĩ, thế thì họ không làm món dưa cải sao?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top