Aa

Đừng để mất vốn... "cháy lan" sang ngân hàng và chứng khoán

Thứ Tư, 09/01/2019 - 06:01

Từ cuối năm 2018, trong lúc thị trường chứng khoán èo uột, giới đầu tư vẫn tự tin rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam” trong năm 2019. Thế nhưng, nhận định đó có vẻ đang bị lung lay trước thông tin 300 dự án bị "thu hồi" ở TP.HCM.

Giả định, nếu vốn là "chìa khóa" của ngân hàng thì đất là "chiếc khóa" của doanh nghiệp bất động sản. Thu hồi đất đồng nghĩa với việc vứt đi chiếc chìa khóa của cả ngành tài chính và bất động sản, thị trường chứng khoán... Nếu để xảy ra hiệu ứng Domino thì các chuyên gia đặc biệt cảnh báo về sự trở lại của một cuộc khủng hoảng trở lại như năm 2009 - 2013.

Năm 2019, vẫn mong ngân hàng và bất động sản dẫn dắt thị trường

VN Index đóng cửa phiên cuối tháng 12 tại mức 892,54 điểm, khép lại một năm đầy biến động của TTCK Việt Nam. Chỉ số mất 3,81% giá trị trong tháng cuối năm, tương ứng với mức giảm 9,31% trong cả năm. P/E của VN Index theo đó cũng điều chỉnh mạnh từ vùng 18,9x đầu năm 2018 về mức 15,62x.

Dù thị trường giảm điểm nhưng không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Nếu như nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến nhà đầu tư hứng khởi bởi kết quả kinh doanh khả quan thì nhóm cổ phiếu bất động sản với sự gia nhập sàn của những lính mới nhiều tiềm năng cũng khiến thị trường phấn khởi hơn nhiều.

Có lẽ đó là lý do mà dù nhận định sẽ tăng trưởng chậm lại nhưng ngành ngân hàng và bất động sản vẫn tiếp tục nằm trong nhóm cổ phiếu kỳ vọng nhất năm 2019.

Mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) xếp nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, thép là 3 trong những nhóm có nhiều triển vọng nhất trong năm 2019.

Ngành ngân hàng còn dư địa tăng trưởng trong năm 2019, dù lãi suất đang gặp những áp lực nhất định. Kết quả kinh doanh các ngân hàng tiếp tục chứng kiến sự phân hoá rõ rệt dựa trên cơ sở chất lượng tài sản và NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống. Kỳ vọng, những tiêu chuẩn an toàn hệ thống được áp dụng sẽ thúc đẩy hệ thống ngân hàng lành mạnh hoá và tăng trưởng thực chất.

Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam có triển vọng rất tích cực do dòng tiền của các nhà đầu tư FDI được dự báo tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các các công ty Trung Quốc dịch chuyển các xưởng sản xuất sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn nhân công dồi dào với chi phí cạnh tranh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, ngành thép được VCBS dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường xây dựng, sự phục hồi của đầu tư công. Bức tranh thị phần ngành thép sẽ có sự thay đổi khi HPG hoàn thành tăng công suất tại Dung Quất. Giá thép được dự báo giảm nhẹ do chịu áp lực từ biến động thế giới, mức độ giảm giá sẽ ở mức vừa phải nhờ sự hỗ trợ của thuế tự vệ và chi phí sản xuất cao của nhóm lò điện trong nước.

Về phía ngân hàng, lợi nhuận của nhóm này năm nay được ghi nhận tốt nhờ thanh toán trả trước từ các công ty bảo hiểm quốc tế cho ngân hàng trong nước, đổi lấy việc các ngân hàng đó tham gia những thỏa thuận bảo hiểm ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của họ.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu quý I giảm khoảng 100 - 150 điểm cơ bản, tạo lợi nhuận vượt mức tại những ngân hàng chuyên về giao dịch trái phiếu. Lợi nhuận từ thoái vốn trong đầu tư vốn tại công ty con cũng là một yếu tố.

Tuy nhiên, năm 2019, VinaCapital cho rằng, khả năng nhóm ngân hàng sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như năm 2018 khi các yếu tố trên không xuất hiện. Thứ nữa, tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 giảm là tăng trưởng nợ toàn hệ thống có thể giảm từ 16% trong năm nay xuống còn 14%, khiến tăng trưởng EPS lõi lĩnh vực ngân hàng giảm 4%. Các cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với nhóm tăng trưởng, lợi nhuận của các công ty phát triển bất động sản Việt Nam giảm từ hơn 100% trong năm nay xuống còn 17% trong năm 2019 do các hoạt động trên thị trường này bắt đầu giảm sau nhiều năm tăng mạnh. Theo thống kê của Savill hay JLL, tổng số dự án nhà ở mới mở bán tại TP.HCM và Hà Nội giai đoạn 2014 - 2017 thường tăng theo chu kỳ: năm sau cao gấp đôi năm trước. Các cổ phiếu bất động sản cũng chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tập đoàn đầu tư Ashmore của Anh – nhà quản lý 76,4 tỷ USD – vừa tăng gấp đôi lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục từ cuối quý I. Đại diện Ashmore vẫn đánh giá tích cực về cổ phiếu Việt Nam nói chung bởi GDP tăng mạnh, nội tệ không chịu quá nhiều căng thẳng và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khá tốt. Hiện có ba ngành chiếm tỷ trọng cao về vốn hóa và lợi nhuận là ngân hàng, bất động sản, dầu khí.

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng của CTCK Bảo Việt (BVSC), năm 2019 tăng trưởng ngành này có thể chậm lại, dự kiến lợi nhuận các ngân hàng niêm yết trong năm tới sẽ tăng 13,5%.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 là đà tăng chậm lại của tín dụng. Theo BVSC, dự báo tín dụng trong khoảng 3-5 năm tới sẽ duy trì mức tăng khoảng 14%/năm, thấp hơn giai đoạn 2015- 2017 (18,1%).

Về nhóm ngành bất động sản, lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng sẽ tạo ra những khó khăn cho ngành này, do đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018.

Diễn biến của thị trường bất động sản sẽ tác động mạnh lên thị trường tài chính, chứng khoán

Diễn biến của thị trường bất động sản sẽ tác động mạnh lên thị trường tài chính, chứng khoán

Thị trường về đâu khi đội dẫn dắt hụt hơi?

Dễ nhận thấy, đa phần các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước vẫn kỳ vọng nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Tất nhiên, nhà đầu tư cũng không phủ nhận rằng, cả hai nhóm ngành này sẽ có sự thụt lùi nhất định trong năm 2019. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán chưa tìm được điểm tựa thay thế.

Theo ông Lê Đức Khánh, vận động điều chỉnh năm qua đã cùng pha với TTCK, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được coi là 1 nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong số các nhóm ngành quan trọng, cũng có xu hướng điều chỉnh. Hầu hết các cổ phiếu ngành này vốn hóa lớn như VIC, NVL, DXG, DIG, SCR đều điều chỉnh trồi sụt với biến động rất lớn. Mặt bằng giá nhìn chung không có sự tăng trưởng trong khi năm qua rất nhiều doanh nghiệp bất động sản báo cáo lãi tốt.

Dù vậy, có thể nói thanh khoản của các cổ phiếu bất động sản đều ở mức cao. Diễn biến này cũng phản ánh được thực trạng trung của của TTCK năm 2018 khi mà thanh khoản gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu chủ chốt là dầu khí, xây dựng và vật liệu, đặc biệt là ngân hàng.

Như vậy những tác động của thị trường bất động sản sẽ tác động mạnh sẽ ngay lập tức tác động lên thị trường chứng khoán trong sự ràng buộc kể trên. Do đó, theo ông Khánh, nếu việc thu hồi dự án tiếp tục nhân rộng thì tác động mạnh lên thị trường chứng khoán là điều khó tránh khỏi.

Ở phía ngược lại, khi doanh nghiệp bất động sản mất uy tín trên thị trường chứng khoán, công cuộc gọi vốn e thất bại? TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp ngoài việc vay vốn ngân hàng thì có các nguồn vốn tiềm năng khác, đó là phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Đây chính là cánh cửa còn để ngỏ cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, sức khỏe tài chính ổn định, có thị trường ổn định và tỷ lệ sinh lời tốt. Những doanh nghiệp nhỏ không có thị phần, không có báo cáo tài chính kiểm toán độc lập và không có lãi thì bị loại khỏi nguồn vốn cổ phần đó.

Với doanh nghiệp bất động sản, việc phát hành cổ phiếu có phần khó khăn hơn bởi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ lẻ, vốn chủ sở hữu thấp, trừ các doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, khi đã đủ mạnh để niêm yết và phát hành cổ phiếu thì doanh nghiệp sẽ đi vào ổn định và phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp bất động sản bị thu hồi dự án, thì sẽ không có cơ hội huy động vốn.

Phiên giao dịch ngày 8/1, một cổ phiếu bất động sản nằm trong nhóm doanh nghiệp bị thu hồi nhiều dự án đã giảm gần 10%, thậm chí nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng kê lệnh bán tháo. Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư trong và ngoài nước trước thông tin cổ phiếu bất động sản bị thu hồi đất qua những phiên giao dịch vừa qua cho thấy họ rất quan tâm thông tin và quỹ đất của doanh nghiệp bất động sản.

Khảo sát của PV cho thấy, đa phần giới phân tích chứng khoán cho rằng, việc thu hồi 300 dự án phải được cân nhắc trước khi công bố thông tin cũng như tiến hành thu hồi và mức độ thu hồi đến đâu. Một công ty chứng khoán cho biết, không chỉ doanh nghiệp mất đất mà còn đó là những tổ chức tín dụng, ngân hàng bị “cháy lan” dẫn tới nguy cơ nợ xấu, nợ mất vốn sẽ tăng. Điều này vô hình trung đã và đang “góp gió” cho cơn bão nợ xấu bất động sản “hoành hành” mà “ngọn nguồn” đâu còn do doanh nghiệp bất động sản!?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin và dự báo tác động của việc thu hồi 300 dự án tại TP.HCM đối với thị trường chứng khoán và thị trường tài chính ngân hàng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top