Aa

Giá bất động sản TP.HCM tăng nhanh gấp 3 lần Hà Nội

Thứ Tư, 17/07/2019 - 15:23

Giá bất động sản TP.HCM tăng nhanh gấp 3 lần Hà Nội; Nhìn lợi nhuận của Vietcombank, liệu BIDV, Vietinbank, Agribank có... "chạnh lòng"?... là một số tin tức nổi bật trên thị trường 24h qua.

Giá bất động sản TP.HCM tăng nhanh gấp 3 lần Hà Nội

So với quý II/2018, chỉ số giá bất động sản ở TP.HCM đã tăng thêm 18,1%. Tốc độ tăng giá này nhanh gấp 3 lần thị trường Hà Nội (5,3%).

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường 6 tháng đầu năm của Batdongsan.com.vn, chỉ số giá bất động sản ở TP.HCM quý II tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 4,5% so với quý I. Trong khi đó, giá nhà tại thị trường Hà Nội cũng có xu hướng tăng, nhưng ở mức chậm hơn TP.HCM.

Cụ thể, chỉ số giá bất động sản quý II tại Hà Nội tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 2% so với quý trước đó. Như vậy, giá nhà tại TP.HCM đã tăng nhanh gấp 3 lần so với thị trường Hà Nội.

Nguyên nhân của sự tăng giá này một phần xuất phát từ nguồn cung nhà tại TP.HCM giảm đáng kể do nhiều dự án bị tạm dừng để rà soát. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM vẫn rất cao.

Riêng phân khúc chung cư, chỉ số giá ở TP.HCM quý II đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn quý I 2,1%. Trong khi chỉ số này ở thị trường Hà Nội chỉ tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 1,2% so với quý I.

Xem chi tiết tại đây

Nhìn lợi nhuận của Vietcombank, liệu BIDV, Vietinbank, Agribank có... "chạnh lòng"?

Từ cuối tháng 6, nhiều doanh nghiệp hé lộ hoặc công bố sớm kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 lãi khả quan hơn cùng kỳ. Điều này khiến các công ty chứng khoán cũng như giới đầu từ đã thấp thỏm chờ đợt sự bứt phá của thị trường chứng khoán – thị trường vốn không mấy vui suốt từ đầu năm.

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn đầu. Trong đó, VCB của Vietcombank tăng giá mạnh nhất. Theo đó, cổ phiếu Vietcombank đạt mức giá cao nhất trong lịch sử, 75.000 đồng/cp đầu phiên ngày 16/7/2019.

Thậm chí phiên ngày 15/7, VN-Index giảm 2,87 điểm (-0,29%) xuống còn 972,53 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 148 mã giảm và 63 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,23%) xuống 105,61 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 72 mã giảm và 65 mã đứng giá. Thế nhưng, VCB lại lội ngược dòng và có vai trò lực kéo cho VN-Index không giảm sâu. Kết thúc phiên, VCB tăng 1,8% lên 75.000 đồng/cp.

Giới chuyên gia cho rằng, VCB là trường hợp hiếm hoi ngoài VIC của Vingroup vừa có đủ sức nặng khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ổn định khi cần, và có tác động tích cực lên thị trường “một cách thực lực”. Nói như vậy có nghĩa việc cổ phiếu VCB tăng giá những phiên vừa qua không phải do tin đồn mang tính chốc lát khiến thị trường đi vào thời điểm ảo.

Xem chi tiết tại đây

Dự báo thị trường nửa cuối năm 2019: Bất động sản các vùng miền sẽ ra sao?

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Savills Hà Nội đưa ra nhận định, giá bán ở tất cả các phân khúc chung cư sẽ tăng trong nửa cuối năm 2019. Bên cạnh đó, vẫn sẽ có nhiều dự án tốt được đưa ra thị trường với mức giá cao hơn hiện tại. Hiện giá phân khúc căn hộ hạng A ở thị trường TP.HCM cao hơn Hà Nội, tuy nhiên chúng ta phải đặt câu hỏi chất lượng có tương quan hay không? Nếu như vị trí sản phẩm là có một không hai, chất lượng tốt thì các chủ đầu tư hoàn toàn có thể áp mức giá tại TP.HCM vào thị trường Hà Nội.

Dự tính, nửa cuối năm 2019, thị trường sẽ có thêm khoảng 300.000 căn hộ từ 39 dự án khác nhau, trong đó chủ yếu là căn hộ hạng B. Giải thích tại sao số lượng căn hộ hạng B được hấp thụ lớn như vậy, Savills cho rằng, đây là phân khúc nhiều người hướng tới cả về nhu cầu để ở và đầu tư. Các khu vực trung tâm đã được định hình sẵn về giá như Cầu Giấy thì bất cứ dự án nào ra hàng sẽ đều mặc định là phân khúc hạng A hoặc B, tuỳ thuộc vào năng lực của chủ đầu tư đến đâu.

Chia theo từng khu vực, bà Hằng cũng cho biết: “Trong thời gian tới, đối với thị trường bất động sản Hoài Đức, nếu không phải dự án cũ thì những dự án mới sẽ là thách thức đối với các chủ đầu tư vì cạnh tranh về vị trí và khó có thể vươn tới các sản phẩm cao cấp. Đứng trên phương diện chủ đầu tư có thể thể thấy, các sản phẩm vừa túi tiền vẫn có thể cạnh tranh được, tuy nhiên nếu làm phân khúc thấp hơn thì biên lợi nhuận sẽ thấp, phân khúc hạng B tuy được mua nhiều nhưng không có lãi nên khó thu hút nhà đầu tư.

Đối với thị trường Thanh Trì, hiện tại chưa có các dự án lớn có thể tạo được sự đột biến mặc dù sắp tới có Aeon Mall Giáp Bát hay BRG Smart City, tuy nhiên khu vực này ở thế đất thấp sẽ rất khó phát triển. Nếu như có thể thu hút được các nhà đầu tư vào thế đất cao, đất đẹp thì sẽ dễ dàng phát triển hơn.

Xem chi tiết tại đây

Nguồn cung khổng lồ từ Vingroup khuấy đảo thị trường nửa cuối năm

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam, thị trường căn hộ TP HCM trong nửa cuối năm sẽ đón nhận một lượng cung lớn từ phía Đông thành phố đến từ dự án Vinhomes Grandpark tại quận 9 của Vingroup với hơn 10.000 căn hộ trên tổng ước tính của thị trường khoảng 23.000 căn. Với hơn 10.000 căn hộ, theo CBRE Việt Nam, dự án chiếm khoảng 44% nguồn cung ước tính thị trường (23.000 căn).

Vinhomes Grand Park tại TP HCM chỉ là 1 trong 3 đại đô thị được chủ đầu tư này công bố. 2 dự án khác ở Hà Nội là Vinhomes Ocean Park Gia Lâm và Vinhomes Smart City Đại Mỗ.

Điểm chung của các dự án này là quy mô lớn. Tổng diện tích của Vinhomes Grand Park là 271 ha,Vinhomes Ocean Park Gia Lâm 420 ha, Vinhomes Smart City Đại Mỗ 218 ha. Hiện tại, chưa có thông tin về số căn cụ thể cung cấp ra thị trường của các dự án này.

Vinhomes Grand Park có 4 phân khu chínhRainbow, Hospitality, Middle và Ocean. Trong đó,Rainbow là khu vực đầu tiên được ra mắt thị trường trong tháng 7. Tại Hà Nội,Vinhomes Ocean Park Gia Lâm được khởi công từ tháng 10/2018 với điểm nhấn là biển hồ nước mặn 6,1 ha. Còn dự án tại Đại Mỗ ra mắt tháng 4.

Xem chi tiết tại đây

Hiệp định EVFTA: Cú hích cho bất động sản công nghiệp

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt khoảng 18,5 tỷ USD, bao gồm cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Ở thời điểm quý I/2019, trước khi EVFTA được ký kết, tổng số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong 3 năm (2016 - 2018) trở lại đây.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Tuấn Minh (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết, sau khi các cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi (không cần chờ đến khi hiệp định được chính thức ký kết), nhiều nhà đầu tư châu Âu đã đẩy mạnh việc rót vốn vào thị trường Việt Nam, để có thể được hưởng những khung ưu đãi tốt nhất. Các tập đoàn quốc tế cũng thực hiện bước đi táo bạo là chuyển dịch “công trường” sản xuất vào Việt Nam.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ gỡ bỏ 99% thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa xuất - nhập khẩu từ EU. Đối với nhà đầu tư, việc được gỡ bỏ hàng rào thuế quan đã mở ra một thị trường rộng lớn cho việc trao đổi hàng hóa, thương mại, mở rộng đầu tư, giúp cho các DN nước ngoài tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top