Aa

Giá đất tại Nhật Bản tăng năm thứ ba liên tiếp

Thứ Năm, 19/07/2018 - 06:01

Một mảnh đất trước cửa hàng đồ văn phòng phẩm truyền thống Kyukyodo (quận Ginza, Tokyo) có giá lên tới 44,32 triệu Yên/m2 (tương đương 400.000 USD/m2), đây là mảnh đất đắt nhất ở Nhật trong năm thứ 33 liên tiếp.

Mảnh đất đắt nhất nước Nhật trong vòng 33 năm nay (quận Ginza, Tokyo)

Mảnh đất đắt nhất nước Nhật Bản trong vòng 33 năm nay (quận Ginza, Tokyo)

Tính đến ngày 1/1/2018, giá đất trung bình tại Nhật Bản trong năm 2017 đã tăng 0,7%, cao hơn so với năm 2016. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp gia đất trên toàn nước này tăng. Động lực của sự tăng trưởng này, theo Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản, xuất phát từ nhu cầu nơi ở của khách nước ngoài đi lên, cùng với một loạt dự án phát triển đô thị được triển khai.

Tuy vậy, khoảng cách giữa giá đất ở thành phố và vùng nông thôn lại ngày càng xa nhau. Hiện các khu vực đắt giá nhất ở Nhật Bản đều tập trung tại Tokyo mở rộng. Trong đó, mảnh đất ở khu vực cửa hàng đồ văn phòng phẩm truyền thống Kyukyodo (quận Ginza, Tokyo) có giá lên tới 44,32 triệu Yên/m2 (tương đương 400.000 USD/m2), đây là mảnh đất đắt nhất ở Nhật trong năm thứ 33 liên tiếp.

Năm 2017 cũng là năm thứ hai giá đất trung bình toàn quốc cao hơn mức 36 triệu Yên năm 1992, thời điểm nền kinh tế Nhật Bản "vỡ bong bóng" và rơi vào suy thóai. Giá đất tăng tại 18 trên 47 tỉnh thành (năm 2016, con số này là 13), trong đó Okinawa, Tokyo, Hokkaido, Osaka, Aichi và Fukuoka là các khu vực tăng trưởng mạnh nhất.

Thủ phủ Naha của tỉnh Okinawa, nơi có giá đất tăng cao nhất (5%) trong năm qua, hiện đang là điểm đến mới của nhiều dự án khách sạn. Theo sau đó là Tokyo (tăng 4%), do chịu ảnh hưởng của kỳ đại hội Olympic và Paralympic năm 2020. Tỉnh Miyagi xếp thứ ba với mức tăng 3,7%, chủ yếu tập trung tại khu vực thủ phủ Sendai.

Theo chiều ngược lại, giá đất giảm tại 29 tỉnh của Nhật, trong đó Akita giảm mạnh nhất (2,3%).

Theo ông Makoto Sakuma, chuyên gia nghiên cứu tại viện NLI Research Institute: “Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ổn định đã thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường bất động sản trong và ngoài nước... Tuy vậy, đây không phải là một kết luận hoàn toàn chắc chắn, do tại những khu vực như Tokyo, nhu cầu đang bị đẩy lên cao do việc xây dựng nơi ở cho các vận động viên Olympic và Paralympic." 

Nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm của ông Makoto Sakuma và cho rằng giá đất tại các thành phố lớn sẽ chạm đỉnh trước khi Olympic diễn ra. Theo một cuộc khảo sát 113 chuyên gia bất động sản của NLI Research Institute, 45% số người được hỏi cho rằng giá đất "đã chạm đỉnh" hoặc "sẽ chạm đỉnh trong năm nay, 32% cho rằng "sẽ chạm đỉnh trong năm 2019", và 13% cho rằng "sẽ chạm đỉnh trong năm 2020."

Ông Takeshi Ide, giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường bất động sản của công ty Tokyo Kantei, đã chỉ ra sự khác biệt giữa đợt tăng giá đất này với đợt trước khi "bong bóng" vỡ hồi năm 1992. Nếu như trong quá khứ, giá đất tăng mạnh ở các khu vực dân cư ngoại thành, thì hiện nay giá tập trung tăng ở những khu vực trung tâm thành phố.

Một điểm đáng chú ý là tỉnh Fukushima, nơi phải hứng chịu thảm họa sóng thần và hạt nhân năm 2011, đất tiếp tục không tăng giá trong năm thứ sáu liên tiếp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top