Aa

Gia tài của người đi biển

Thứ Tư, 15/07/2020 - 07:00

Có nhiều lúc, tôi tò mò tự hỏi: "Gia tài ngư phủ có gì ngoài chiếc thuyền như ngôi nhà di động gắn bó với cả đời họ?"

Một buổi chiều, tôi ngồi trò chuyện lâu lâu với cụ ông được mệnh danh là “Sói biển” của Lạch Sót quê tôi. Tôi đã từng theo ông đi những chuyến biển xa. Đã ngắm nhìn và quan sát ông nhiều lần trên thuyền khơi xa. Giờ ngồi trò chuyện với ông như là để tìm sâu hơn vào thế giới tâm hồn của người đi biển. 

Ông nay đã hơn trăm tuổi, nhưng còn tinh anh lắm. Nhất là đôi mắt luôn ngước nhìn xa nhấp nhánh ánh nắng. Cả đời ông luôn nhìn ra bao la phóng khoáng biển khơi... Ông leo lên cột buồm, ngồi thu lu trên chiếc thang dây như con thú rình mồi để nhìn màu nước mà đoán dưới đó đàn cá nào đang di chuyển. 

Chỉ nhìn ít cái búng nhỏ, tăm màu bạc lấp lánh gọi là “ngời” trên mặt nước biển, ông cũng đã đoán ra dưới lần nước ấy là loài cá ăn nổi hay lưng chừng. Khi màu nước chuyển từ xanh thẳm sang đỏ thẫm từng vạt như cánh buồm, đó là mẻ ruốc đang áp lộng. Cũng đôi mắt nheo nheo ấy, khi nhìn thấy đàn chim vội vã bay dạt cánh hay đám mây đột nhiên đổi sắc, mây tê tê màu vảy cá hay mây nhuộm màu mỡ gà, là đã “dò” ngay ra cơn bão đang dịch chuyển từ xa đang kéo về gần. Khi ông ngồi im phắc, các cơ tai giật giật, là lúc ông thẩm thấu những bước chuyển của thời tiết đại dương... 

Tất cả những điều đó chính là một gia tài tích lũy kinh nghiệm của không biết bao nhiêu lần đối diện với sóng gió và bất trắc từ biển khơi. Tôi đã từng viết: 

“Quá một bước be thuyền đã chạm vào cái chết

Biển sẵn sàng nuốt chửng đời anh”.

Và:

  "Trên cánh đồng biển không gieo mà gặt

Cá của biển cho đâu phải cá ao nhà". 

Nghề đánh bắt cá biển là nghề cha truyền con nối, bằng kinh nghiệm sống chết của cả nhiều đời mới tích lũy được. Ông già thủng thẳng bảo: "Biển giả mà chú! Nhưng nghề câu, nghề đánh lưới là nghề thật, không thể gian dối được. Mẹo đánh bắt cá tôm, dân ta thường bắt đầu từ trực giác, bằng linh cảm"...

"Gia tài ngư phủ có gì ngoài chiếc thuyền như ngôi nhà di động gắn bó với cả đời họ?". (Ảnh: Ngọc Anh) 

Khi nghe tôi hỏi: Gia tài đi biển của cụ là những gì? Ông không nói ngay, chỉ cười và chỏ tay vào cái rương gỗ vuông chằn chặn mà thời gian và nước biển mặn mòi đã đánh bóng, mài trơn nhẵn lỳ, các mạch gỗ khăng khít. Không biết cái rương này làm bằng gỗ gì mà khi khoác lên người thì nhẹ nhưng rơi xuống nước thì các thớ gỗ lại nở ra gắn khít mạch thành cái phao cứu sinh hoàn hảo. Lúc ngồi câu mực thâu đêm, cái rương gỗ kê thành cái ghế chắc chắn, dễ di chuyển. Loại gỗ này chịu được nước biển, không bao giờ mối mọt. 

Tôi tò mò mở cái rương ra, trong đó có nhiều ô vuông nhỏ, từng ngăn nhỏ như tủ thuốc bắc. Mỗi ô đựng một đồ chuyên dụng của nghề câu, như các loại cước, các loại lưỡi câu từ nhỏ đến to, rồi đủ kiểu và kích thước các loại chì. Lại có ô đựng thuốc rê, bật lửa và có một ngăn to đựng quần áo. Quần áo mặc đi biển của ông già được nhuộm bằng củ nâu, dày như buồm và rất chậm bạc màu. 

Khi đã ra ngoài khơi rồi, thì ông chỉ vận độc chiếc quần đùi, ngực trần đỏ au, cuộn lên các múi gân. Mùa rét, ông chống chọi bằng cách uống một tô nước mắm cốt màu cánh gián. Các lỗ chân lông sẽ rịn ra mờ mờ một lớp sương cũng màu cánh gián, các mao mạch được ủ nóng và ướp bằng sức ấm của nước cốt cá. 

Thường khi đi biển, ông khoác chiếc rương bên người như người miền núi khoác cái tay nải. Và bên hông luôn có một cái bao, không biết làm bằng da cá gì, giống như màu da cá sấu. Bên trong bao da ấy luôn có một con dao nhíp sắc ngọt. Đó là vũ khí lợi hại, không chỉ tự vệ khi gặp hiểm nguy đối mặt với các loài cá mập, mà lỡ khi bão gió, rơi xuống biển, bị dây lưới, dây neo quấn vào thì dùng để cắt mà thoát ra. 

Trong cái rương gỗ của ông còn có một ngăn, có nắp đậy vuông vắn, nơi để chiếc đài bán dẫn nhỏ chạy pin, để hàng ngày ông nghe dự báo thời tiết và các chương trình dân ca nhạc cổ, nhất là cải lương. Thật lạ, người đàn ông miền biển này ăn sóng nói gió mà lại rất mê các làn điệu vọng cổ ngân vọng da diết. Tâm hồn của ông thật lãng mạn và mơ mộng. 

Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông già ngư phủ hay đọc to lên các câu ca dao, thành ngữ,  dù ngậm ngùi trách oán thân phận, nhưng lại chứa đầy những liên tưởng bất ngờ: 

“Thương vài thằng khố bần

Cực vài thằng khố chạc

Giọt mưa rơi lác đác

Ướt chi được lá môn”. 

Những câu ca dao, thành ngữ, dù nói gì thì cũng hay có cách ví von với nước, với mưa và ướt át. Có lẽ, sự cộng hưởng từ tầm nhìn mênh mông biển khơi, biến đổi bất thường sóng gió, nỗi nhớ sóng sánh đất liền đã tạo nên đối trọng để cân bằng, gợi nên những luyến láy, dìu dặt trong lòng người đi biển. 

Có một thứ không bao giờ quên mang theo khi đi biển, đó là thuốc rê và rượu. Cứ nhìn cách ông già vê vê điếu thuốc giữa những ngón tay sần sùi ngấn vòng cứa ăn sâu của dây cước rồi thong thả bập vào, rít một hơi dài và ngửa mặt nhìn lên, sảng khoái nhả đầy khói trắng, thấy đã, thấy sướng tê tê cả người. Và rượu, cái thứ rượu trong veo nấu bằng nước khe “Hao Hao” bên núi Nam Giới hình như đã sủi tăm trong người ông. Rượu đánh thức chất lãng tử phóng khoáng luôn hướng tới sự thân thiện và tin cậy của người đi biển, bởi xung quanh họ là cả một thế giới thiên nhiên đầy bí ẩn nhưng không đáng sợ, không phải đề phòng bất thường như trong xã hội con người ở trên đất liền. 

Và trước mắt tôi, ông già đi biển chính là một “Gia tài của biển”: 

“Những người đàn ông ném chiếc phao vào tăm cá mù khơi

Đó là đồng tiền lẻ họ tiêu dần trên biển

Điếu thuốc rê rứt những ký ức buồn vấn vào ngày ám khói

Chỉ có biển giữ lại cho họ chút sức lực trai tráng

Lại một mũi phao chúi vào bóng nước

Cầu vồng bắc qua tuổi tác của mình ...”.

                                                                                           Hà Tĩnh, 7/2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top