Aa

Giải cứu doanh nghiệp do ảnh hưởng Covid-19: Không thể chỉ quyết liệt trên giấy

Thứ Bảy, 11/04/2020 - 06:00

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào khủng hoảng, theo các chuyên gia, việc giải cứu doanh nghiệp, khôi phục kinh tế cũng cần cấp bách như chống dịch.

Đại dịch Covid-19 như đòn chí mạng giáng xuống trái đất, không chỉ làm khuynh đảo cuộc sống bình thường của hơn 1/2 số dân trên thế giới mà còn khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Các doanh nghiệp Việt cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi "cú đấm" này. 

Kết quả khảo sát được Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) báo cáo Thủ tướng về tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp cho biết, gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ; 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ sụt giảm so với 2019. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm


Các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nhằm hạn chế tối đa số doanh nghiệp bị "xóa sổ" khỏi thị trường. Tuy nhiên, từ những quyết sách trên giấy đến khâu thực thi lại la cả một quá trình. 

Trước thềm Hội nghị Chính phủ với địa phương bàn về tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng nhận xét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cơ bản đã toàn diện nhưng việc triển khai còn chậm, cần khẩn trương thực hiện nhanh hơn các giải pháp đề ra để không dẫn đến tình trạng ngưng hoạt động hàng loạt trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, nếu “chống dịch như chống giặc” thì cũng cần cứu kinh tế như cứu hoả. Công cuộc phục hồi lại nền kinh tế cam go, khốc liệt không kém cuộc chiến chống dịch Covid-19. 

Để hiểu rõ hơn câu chuyện giải cứu doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, Cà phê cuối tuần đã ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia: Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu; ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam; bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam.

CẦN GÓI HỖ TRỢ "BƠM" THẲNG TIỀN VÀO NỀN KINH TẾ

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, trong đó thị trường bất động sản cũng chịu tác động. Sự chững lại của bất động sản đã và đang kéo theo những khó khăn, gánh nặng cho doanh nghiệp xây dựng. Nếu không nhanh chóng tìm "lối thoát hiểm" vào ngay lúc này thì việc chậm trễ và chờ đợi có thể khiến doanh nghiệp phải gánh tổn thất lớn.

Để hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Mặc dù không thể giải cứu 100% doanh nghiệp song nhờ các chính sách thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp có cơ hội phục hồi. Nhờ các chính sách, doanh nghiệp sẽ không vướng vào nguy cơ phá sản.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành một số gói giải cứu, hỗ trợ, kích cầu song tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu bài bản, cụ thể cho từng đối tượng doanh nghiệp và cẩn trọng trước khi hiện thực hóa nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Trước hết là đối với những doanh nghiệp đang thiếu nợ ngân hàng, các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ, như Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có giải pháp giảm thuế, hoãn thời gian trả thuế cho các doanh nghiệp. Đây đều là những việc làm rất thiết thực trong bối cảnh hiện tại.

Thứ hai, đối với những doanh nghiệp chưa vay vốn ngân hàng và không có khả năng vay vốn, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho họ như các gói hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ, bơm tiền cho các doanh nghiệp. Chính phủ có thể dùng quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho những doanh nghiệp này được vay ngân hàng. Bởi nếu không có bảo lãnh thì họ sẽ không thể vay vốn do tài chính sút kém, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần có biện pháp hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp đang quá “đuối”. Các doanh nghiệp này không thể vay vốn ngân hàng, họ không có cách nào khác để tiếp tục hoạt động. Những biện pháp như giảm thuế, hoàn thuế cũng không giúp nhiều cho họ. Các doanh nghiệp này cần ngay một số tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nếu chỉ giảm thuế, giảm lãi suất như gói tín dụng 280 ngàn tỷ đồng là chưa đủ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với các bên để đưa ra các chính sách về tài khóa để có thể hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Cần nói rõ, hiện tại, chúng ta chỉ có gói 285 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra, sau khi có Chỉ thị số 11 của Thủ tướng. Gói 285 nghìn tỷ đồng này có 2 phần, gồm 250 nghìn tỷ thuộc về các ngân hàng, dưới sự quản lý của NHNN để yêu cầu các ngân hàng dùng vốn của mình tái cơ cấu, hỗ trợ các doanh nghiệp… Gói này chẳng có đồng nào của ngân sách cả, toàn là tiền của các ngân hàng thương mại. Còn gói 35 nghìn tỷ thuộc về Bộ Tài chính được hỗ trợ cho các mục tiêu giãn thuế, hoãn thuế…

Nói chung gói 285 nghìn tỷ đồng này là cần thiết, là tốt cho nền kinh tế nhưng không đủ. Chính phủ cần phải có gói hỗ trợ “bơm” thẳng tiền vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải có gói hỗ trợ kinh tế trực tiếp chứ không thể "đu" theo gói 250 nghìn tỷ mà Chính phủ giao cho các ngân hàng được. Vì gói này các ngân hàng sẽ tùy theo khả năng của mình mà đóng góp, không thể làm như thế được, nên có gói trực tiếp hỗ trợ như Chính phủ Mỹ, họ đưa vào tận tay mỗi gia đình, hai vợ chồng 400 USD, mỗi đứa con 500 USD, chẳng hạn như thế…

Và cũng nên có những gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, bên cạnh các vấn đề như hoãn thuế, giảm thuế; các ngân hàng cũng đồng thời giãm lãi suất, tái cơ cấu lại nợ…

Tóm lại là phải có kế hoạch để bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế thông qua ngân sách của Chính phủ. Vai trò của Chính phủ được đề cao trong thời điểm này bởi cách giải quyết buộc phải khác.

Chúng ta hãy hình dung các gói cứu trợ để giải cứu nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản như công cuộc điều trị các triệu chứng của người nhiễm Covid -19. Đó là uống thuốc để giảm sốt, đỡ ho... còn cách chữa triệt để lại chưa có.

Gốc rễ của vấn đề là cần kiểm soát và xử lý triệt để dịch bệnh. Nếu không kiểm soát, tôi lo ngại về tương lai của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam và cả lĩnh vực bất động sản. Chúng ta cần có ngay các toa thuốc cứu trợ cho các lĩnh vực kinh tế mà trong đó có bất động sản.

CÁC DOANH NGHIỆP CÓ DỰ ÁN BĐS DU LỊCH CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ ĐẦU TIÊN

Ông Thân Thành Vũ: Dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã hạn chế lây lan bằng việc thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó, khi các hoạt động bị ngưng trệ, không có sản xuất, khách hàng không có tiền để tham gia các giao dịch bất động sản. Điển hình là bất động sản du lịch, gần như đóng cửa, các hoạt động “đóng băng”. Lượng khách quốc tế và khách nội địa đều không hào hứng với du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.

Hiện nay cũng rất khó đưa ra dự báo khi nào thì tình hình dịch bệnh có thể kết thúc. Và tất yếu, nền kinh tế sẽ chỉ phục hồi khi dịch Covid-19 kết thúc.

Để tiếp sức cho các doanh nghiệp bị tác đông bởi dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ khối doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa thấy có một gói hỗ trợ chi tiết nào dành cho ngành bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng. Cũng chưa có thông tư hay nghị định nào về hỗ trợ bất động sản. Tôi chưa rõ trong thời gian tới, bất động sản sẽ có được ưu đãi, hỗ trợ như thế nào?

Theo tôi, để các gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai thiết thực, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh và dễ dàng thì cần có những lưu ý như sau.

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ ngành cần phân biệt rõ ai thực sự cần hỗ trợ thì nên đưa vào danh sách? Đó là doanh nghiệp bất động sản như thế nào? Sự phát triển của doanh nghiệp, số lượng công nhân viên đều thể hiện rõ trên báo cáo thuế. Quan điểm của tôi, doanh nghiệp nào có thành tích đóng thuế tốt, có hồ sơ lý lịch rõ ràng trong đóng góp vào xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, doanh nghiệp đó có phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thì cơ quan Nhà nước xem xét ưu tiên các doanh nghiệp đó. Cơ quan Nhà nước phải xét duyệt một cách minh bạch và rõ ràng các tiêu chí.

Đi sâu vào lĩnh vực bất động sản du lịch, doanh nghiệp nào đang tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động thì cần được hỗ trợ đầu tiên, những doanh nghiệp có các dự án chưa đi vào triển khai thì có thể xếp thứ tự hỗ trợ sau. Bởi doanh nghiệp có dự án đi vào hoạt động, đã tạo ra giá trị, doanh thu tốt, tạo công ăn việc làm cho người lao động rất cần sự hỗ trợ. Khi dịch qua đi, những doanh nghiệp này sẽ sớm đi vào phục hồi sản xuất nhanh, tạo ra dòng tiền sớm và người lao động cũng sẽ có thu nhập.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhiều dự án khác nhau, có dự án đi vào hoạt động, có dự án còn nằm trên giấy. Vậy dự án nào cần hỗ trợ, dự án nào chưa cần hỗ trợ cũng phải phân loại chi tiết và minh bạch.

Thứ hai, hình thức thực hiện hỗ trợ cũng phải rõ ràng, minh bạch. Dự thảo hỗ trợ, Chính phủ nên đăng tải lên website với các tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp đưa ra góp ý, kiến nghị. Tại một số quốc gia, họ sẽ đưa thông tin lên website. Doanh nghiệp nào cần hỗ trợ sẽ đăng ký lên đó. Phía chính quyền xem xét và cất nhắc chính sách hỗ trợ hợp lý. Điều này tránh doanh nghiệp cần hỗ trợ lại không được hỗ trợ. Một số doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả từ ban đầu lại lợi dụng gói hỗ trợ để kéo dài hoạt động.

Tôi nghĩ, trong giai đoạn cấp bách này, gói hỗ trợ như chiếc máy thở. Nó quyết định việc cho ai được thở, ai không được thở. Giữa một người sức khỏe yếu, khả năng phát triển thấp và người có sức khỏe tốt, khả năng đóng góp cao thì ai sẽ được chọn? Do đó, vấn đề hỗ trợ thế nào cần được tính toán cẩn thận, tránh trường hợp, doanh nghiệp cần nhận hỗ trợ lại không có.

CẦN CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ ĐỂ DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN GÓI HỖ TRỢ

Bà Dương Thuỳ Dung: Thời gian vừa qua, hầu như tất cả những đối tượng tham gia vào thị trường bất động sản đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, các gói hỗ trợ lãi suất và giãn thuế với khối doanh nghiệp này đã được ban hành. 

Mặc dù đã có sự hỗ trợ của Chính phủ nhưng có lẽ sự hỗ trợ này cần có sự đồng bộ với thị trường hơn nữa. Cụ thể, Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19. Trong các giải pháp đó có 2 gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngay sau đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết gói tín dụng hỗ trợ dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng do khoảng 30 ngân hàng thương mại cam kết tham gia, không dùng ngân sách. Đây là gói tín dụng nhằm hỗ trợ cho các khoản vay mới bằng cách giảm lãi suất hoặc cho vay ưu đãi hơn.

Đối với gói hỗ trợ này, chúng tôi vô cùng hoan nghênh bởi với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 thì đây là gói hỗ trợ vô cùng ý nghĩa để giúp họ có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay với một chi phí ưu đãi nhất.

Tuy nhiên, tôi cho rằng doanh nghiệp cần phải thường xuyên cập nhật tình hình, bởi từ cam kết đến giải ngân và chính thức được thực hiện cũng là cả một quá trình. Các doanh nghiệp có lẽ cũng cần một thời gian mới có thể tiếp cận được gói này.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã có những khoản vay hiện hữu thì các nguồn vốn vay này liệu có được giảm lãi suất tương tự như các khoản vay mới hay không và có được giãn thời gian trả nợ hay không. Nếu như được các ngân hàng hỗ trợ thì rất tốt với doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Song cách thức triển khai cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp có thể làm hồ sơ hỗ trợ một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Rất may là gần đây bất động sản được xếp vào nhóm các ngành bị ảnh hưởng chịu thiệt hại từ dịch Covid-19, do đó là doanh nghiệp bất động sản cũng là đối tượng nằm trong gói hỗ trợ của các ngân hàng. Sự hỗ trợ sẽ thiết thực hơn nữa nếu có sự đồng bộ từ Chính phủ tới các bộ ngành, địa phương và ngân hàng để triển khai các giải pháp rõ ràng, cụ thể và phù hợp tiềm lực để doanh nghiệp cảm thấy an tâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trước khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài thì bản thân họ phải linh hoạt đưa ra các hành động, thay thế mới. Trong bối cảnh dịch bệnh, các nhà đầu tư muốn giới thiệu, chào bán sản phẩm ra ngoài thì họ có thể tìm những hình thức thay thế như qua các kênh online để giới thiệu sản phẩm đến người mua. Nền tảng online ở Việt Nam hiện đang rất tốt, đáng tin cậy, do đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tận dụng được kênh này. 

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land: Vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khai thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường bất động sản sau đại dịch vốn đã bị tổn thương rất nặng nề.

Cần một thông điệp quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và một kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý II hoặc quý III năm nay, giúp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trưởng trên mặt trận chống suy thoái kinh tế cũng như trên mặt trận chống dịch vậy.

Có như thế, chúng ta mới có hy vọng về một thị trường bất động sản khởi sắc hơn, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế sau đại dịch của Chính phủ.

Ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID): Các doanh nghiệp địa ốc đang gặp nhiều khó khăn về vốn, do đó, Nhà nước cần phải có các chính sách tác động vào hệ thống ngân hàng như giảm lãi suất, khoanh nợ cho doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin trở lại cho thị trường. Ngoài các khó khăn mang tính thời điểm như tác động tiêu cực từ Covid-19, thì các doanh nghiệp địa ốc cũng đối mặt với cả khó khăn trong việc tiếp cận đất đai.

Chính sách pháp luật của chúng ta đã rõ ràng để nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai thông qua các hình thức đấu giá, rồi đấu thầu sử dụng đất. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc đấu giá, đấu thầu thì việc triển khai ngay được dự án còn rất dài, nhiều khi không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải triển khai lập quy hoạch, thiết kế trình thẩm định phê duyệt và tôi tin là có rất ít doanh nghiệp may mắn nộp hồ sơ, được trả kết quả sau thời gian đúng như mong muốn.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top