Aa

Giải mã công nghệ xây dựng 4.0 và "cuộc cách mạng" của những toà cao ốc

Thứ Bảy, 20/06/2020 - 06:00

Công nghệ đã phá vỡ mọi giới hạn của giấc mơ, tạo ra một "cuộc cách mạng" trong thiết kế và thi công những tòa cao ốc. Tuy nhiên, từ công nghệ, bản vẽ đến những công trình sống động thực tế lại là cả một quãng đường không dễ tăng tốc.

Lời tòa soạn

Song hành với sự phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam, những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại đang hình thành ở các thành phố lớn. Nhu cầu về việc tạo lập những giá trị sống mới với những tiêu chuẩn về vật chất và tinh thần ngày một cao. Ngôi nhà đối với mỗi cư dân không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, đó phải là một không gian sống đầy đủ tiện ích, giao hòa với thiên nhiên để con người có thể nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng, là “chốn” ghi dấu những kỷ niệm trong cuộc đời.

Từ lý do trên, được sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại. Sau số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hưởng ứng của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và truyền thông,

Tiếp nối chuỗi Tọa đàm, để kiến tạo nên những không gian sống hiện đại, phải kể đến vai trò của kiến trúc và những giải pháp xây dựng, cốt lõi là những công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Do đó, với mong muốn tập trung đi sâu vào góc nhìn chuyên môn mang tính giải pháp, Tọa đàm số 02 sẽ có chủ đề: “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0”, được tổ chức vào ngày 25/6.

Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0”.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Kể từ khi tòa nhà cao tầng đầu tiên trên thế giới được xây dựng vào năm 1884 tại Chicago - Mỹ, theo thời gian, sự phát triển của các tòa nhà cao tầng phủ khắp trên thế giới là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển về công nghệ xây dựng của nhân loại. Các chuyên gia cho rằng, chỉ trong tương lai gần,  công nghệ mới sẽ tạo ra "cuộc cách mạng" về nhà ở và đô thị. 

Nhìn ở thời điểm hiện tại, bức tranh đô thị ở Việt Nam đã và đang thay đổi từng ngày. Từ những chung cư cao tầng đầu tiên được xây dựng tại các khu đô thị mới Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Phú Mỹ Hưng với chiều cao 9, 10 tầng... đến một Landmark-81 - tòa nhà cao nhất Đông Nam Á và xếp trong top những tòa nhà cao nhất trên thế giới - để thấy sự phát triển ấn tượng trong công nghệ xây dựng của Việt Nam. 

Vậy công nghệ xây dựng 4.0 thực ra là gì? Và việc ứng dụng nó vào các công trình xây dựng ở Việt Nam ra sao? Làm thế nào để những công trình cao tầng mà đặc biệt là các tòa chung cư sẽ góp một phần vào nâng tầm chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua ứng dụng của công nghệ mới? Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế, Ngân hàng thế giới. 

PV: Công nghệ mới đã và đang thâm nhập sâu rộng vào quá trình kiến tạo những công trình cao tầng. Bà đánh giá như thế nào về xu hướng này ở Việt Nam?

Bà Đỗ Ngọc Diệp: Vài năm trở lại đây, cùng với sự sôi động của thị trường bất động sản công nghệ mới ngày càng được ứng dụng nhiều trong xây dựng, thi công các toà nhà cao tầng. Xu hướng này đang gia tăng nhanh và mạnh. 

Trước đây, chung cư chỉ cao 10 tầng thì bây giờ, những toà nhà cao tới 30, 40,... rồi đến 81 tầng. Để làm được điều đó, kỹ thuật và kết cấu của toà nhà phải rất tốt. 

Đối với các công trình có tỷ lệ kỹ thuật cao như văn phòng, khách sạn, công nghệ mới càng được áp dụng từ sớm và chi tiết, bởi quyền lợi sát sườn đối với chủ đầu tư trong quá trình sử dụng.

Đối với thị trường chung cư, khi sức cạnh tranh trở nên gay gắt, những quỹ đất bị thu hẹp, thị trường bất động sản khó khăn, các chủ đầu tư buộc phải quan tâm đến công nghệ và đưa ra giải pháp dịch vụ. Chủ đầu tư phải đầu tư nhiều cho công nghệ mới, để tạo ra một công trình cạnh tranh, chất lượng. 

Nếu áp dụng công nghệ mới từ sớm, hiệu năng sử dụng sẽ tốt và dĩ nhiên, về lâu dài, đó lại là sự tiết kiệm về chi phí. Nhìn rộng ra, việc áp dụng những công nghệ mới vào xây dựng công trình mang lại nhiều lợi ích như: Thời gian thi công, chất lượng...

PV: Như bà vừa trao đổi, công nghệ mới đã trở thành xu hướng tất yếu trong ứng dụng xây dựng công trình cao tầng. Xin bà chia sẻ rõ hơn, ứng dụng công nghệ mới được cụ thể hóa như thế nào trong thi công các công trình?

Bà Đỗ Ngọc Diệp: Trong thiết kế và thi công, công nghệ mới đóng vai trò rất quan trọng. Một trong những ứng dụng công nghệ mới vào kiến trúc hiện nay, tại khâu thiết kế, đó là phần mềm mô phỏng năng lượng. Sự biến đổi của khí hậu, yêu cầu của khách hàng càng trở nên khắt khe, tiêu chí tiết kiệm chi phí gia tăng thì nhiều doanh nghiệp địa ốc rất chú trọng vấn đề tiết kiệm năng lượng cho toà nhà.

Một dự án của Văn Phú - Invest ứng dụng công nghệ mới từ thiết kế đến thi công. 

Hiện nay, nhiều kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã được đi học phần mềm mô phỏng năng lượng. Theo đó, với một bản thiết kế, phần mềm này sẽ phân tích và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu. Ví dụ đối với hệ thống điều hoà, việc rà soát từ phần mềm sẽ giúp KTS có thể điều chỉnh thiết kế của mình, xem đâu là khu vực nhận nhiều nhiệt và thiết bị điều hoà không khí nào sẽ phù hợp.

Việc ứng dụng công nghệ mới ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, đầu tư càng sớm, lợi nhuận càng cao.

Ngày nay chúng ta nhắc nhiều đến công nghệ 4.0, vậy 4.0 thực ra là gì? Cách đây 5 năm, các KTS, kỹ sư đã được làm quen với công nghệ BIM. Công nghệ này kết hợp với nền tảng đám mây có thể hỗ trợ quy trình thiết kế đa chiều, bao gồm nhiều khâu.

Nhờ có nền tảng công nghệ 4.0, quá trình ứng dụng phần mềm BIM giúp KTS sử dụng nhanh hơn.

Ưu điểm của phần mềm trên nền tảng 4.0 này là tất cả dữ liệu được lưu trữ trên điện toán đám mây. Mọi người đều có thể cùng làm, cùng đưa thông tin, cùng chỉnh sửa. 

Tại Singapore, ứng dụng công nghệ BIM với nền tảng 4.0 đã được sử dụng từ sớm. Đây là cách để các cơ quan quản lý nắm bắt được công trình xây dựng như thế nào, dễ dàng kiểm soát được từ quy hoạch, đến thi công và khâu hoàn thiện.

PV: Đâu là những trở ngại trong ứng dụng công nghệ mới đó trong giải pháp thi công các công trình cao tầng tại Việt Nam, thưa bà?

Bà Đỗ Ngọc Diệp: Ứng dụng của công nghệ 4.0 trong thiết kế và xây dựng công trình hiện ở Việt Nam đang còn nhiều vướng mắc.

Ví dụ như đối với việc sử dụng phần mềm BIM trên nền tảng công nghệ 4.0 là hoàn toàn hiệu quả nhưng để đưa vào thực tế thì yêu cầu duy nhất đặt ra, tất cả các chủ thể tham gia đều phải biết sử dụng phần mềm này. 

Việc một số KTS của Việt Nam đã đi học phần mềm mô phỏng năng lượng nhưng thực tế, họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng. Có lẽ trong thời gian tới, cơ sở pháp lý cũng như công nghệ, nhu cầu của thị trường tăng cao, ứng dụng công nghệ mới sẽ được nhân rộng. 

Thiết kế trường FPT được ứng dụng công nghệ mới. 

PV: Có ý kiến cho rằng, sự thay đổi của bản thiết kế đến từ khoảng cách và sự bất đồng quan điểm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế là một trong những vấn đề khiến "sản phẩm đầu ra" không như mong đợi. Quan điểm của bà thì sao?

Bà Đỗ Ngọc Diệp: Thực trạng thiết kế công trình ở Việt Nam đa phần còn chủ quan. Ở nước ngoài, một quy trình bài bản khi xây dựng một chung cư, đó là đầu tiên, phải khảo sát thị trường. Đâu là đối tượng mua căn hộ, đặc điểm xung quanh như thế nào, sở thích của thị trường nơi đó ra sao, gu thẩm mỹ tại khu vực đó. Các đơn vị nghiên cứu sẽ đánh giá thị trường, khảo sát và đưa ra số liệu cho chủ đầu tư.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư sẽ mở một cuộc thi hoặc chỉ định đơn vị thiết kế. Nhưng, các bản thiết kế sẽ căn cứ dựa trên những đặc điểm của khu vực có công trình mà không thể thực hiện theo thẩm mỹ chủ quan của chủ đầu tư.

Ví dụ ở khu vực A, mức thu nhập của người dân trung bình, đa phần là người trẻ, gu thẩm mỹ thích hiện đại,… thì bản thiết kế phải đáp ứng được tất cả các tiêu chí dựa trên bản nghiên cứu đó.

PV: Công nghệ mới trong thiết kế, thi công các tòa nhà chung cư đã và đang được đánh giá có vai trò quan trọng trong xây dựng và thi công công trình. Thưa bà, liệu đây có phải yếu tố tối quan trọng tạo ra những toà chung cư chất lượng thực sự?

Bà Đỗ Ngọc Diệp: Xu hướng sử dụng công nghệ mới trong giải pháp thi công công trình ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, nếu có thể sử dụng thiết kế thông minh và áp dụng công nghệ mới áp dụng từ khi công trình còn nằm trên giấy thì hiệu quả của các giải pháp này mới có thể phát huy tối đa. Điều này buộc các KTS phải chú trọng bản thiết kế. 

Trong quá trình thi công, công nghệ cũng phải được ứng dụng sâu rộng. Sự hợp tác giữa kỹ sư và KTS là rất quan trọng, vì đôi lúc, KTS vẽ nhưng kỹ sư lại không thể thi công đúng như bản vẽ.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong việc tạo ra bức tranh chung cư đẹp, đó là hàm lượng chất xám bỏ ra trong một bản thiết kế tòa nhà chung cư phải cao. Nhìn từ thực tế, nếu như bức tranh chung cư Singapore sáng đẹp, ngăn nắp và khoa học thì Hong Kong lại tái hiện một sự lộn xộn đến ngộp thở của những toà nhà cao san sát và giống nhau. Với Singapore, những toà chung cư mang đến một khoảng không gian hoàn toàn khác, có khoảng xanh, có giếng trời, có hệ thống dịch vụ đầy đủ.

Cần phải khẳng định, thiết kế là khâu rất quan trọng của một công trình. Tuy nhiên, thiết kế ở Việt Nam lại là sản phẩm dễ thay đổi nhất. Một số lý do đến từ năng lực cũng như động lực của KTSThực tế, những công trình chung cư tại Việt Nam đều giống nhau, thiết kế không có điểm nhấn và nghệ thuật.

Kiến trúc xưa nay vẫn là một môn nghệ thuật. Và thành công của KTS là phải tạo ra một công trình iconic (biểu tượng - PV). Biểu tượng đó sẽ đẩy giá trị của toà nhà lên cao, chứ không đơn thuần là một chung cư để ở. Việt Nam cần những chung cư “ấn tượng”, không đơn thuần chỉ để ở mà phải có “style” riêng mà nhắc đến, người ta nhớ về.

Bàn sâu về câu chuyện thiết kế, tôi muốn nhấn mạnh rằng, trước khi ứng dụng công nghệ mới vào công trình, một thiết kế sáng tạo và thông minh, cùng sự phối hợp ăn ý giữa người tạo nên bản vẽ và bộ phận thi công mới là yếu tố quyết định cho phép tạo ra các công trình hiệu quả.

Ngoài ra, điểm hạn chế trong một bản thiết kế thiếu chất xám đó là nhiều KTS Việt Nam chưa có trải nghiệm thực tế, tất cả mới chỉ nằm trên lý thuyết. Trong khi đó, chi phí thiết kế tại Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm khoảng 2% tổng mức đầu tư dự án. KTS được trả một khoản thù lao không xứng đáng khiến họ không có động lực để sáng tạo.

- Cảm ơn những chia sẻ của bà!

"Các công trình phức tạp sử dụng công cụ thiết kế và quản lý đồng bộ BIM đã dần trở thành thông dụng, thậm chí là bắt buộc để xây dựng công trình quy mô lớn, để đảm bảo tính chính xác, sự chặt chẽ về kỹ thuật, kinh tế của dự án.

Các công cụ đồ họa, tính toán đa chiều (Parametric) cũng cho phép mở rộng các giới hạn của trí tưởng tượng và tính sáng tạo. Các giải pháp công nghệ cũng hỗ trợ tối đa việc thể hiện, tái tạo hình ảnh, thực tế ảo càng khiến các hiệu ứng thị giác trở nên dễ dàng, thậm chí đánh lừa được cảm giác, hay tạo ra ảo giác.

Việc làm chủ, vận dụng được linh hoạt, hợp lý các công cụ, công nghệ sẽ cho phép xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp của dự án, từ bước thiết kế cho đến khâu triển khai, xây dựng và quản lý, vận hành sử dụng một cách hiệu quả, tối ưu. Không cần phải liệt kê các công trình, dự án được thực hiện, triển khai với các ứng dụng công nghệ mới, chỉ cần điểm qua các sản phẩm xuất hiện trên thị trường bất động sản, với tốc độ phát triển, xây dựng đến chóng mặt, với độ phức tạp, quy mô ngày càng vượt trội so với các công trình cách đây một hai thập kỷ để thấy sự tác động, hiệu quả, và sức mạnh của các công nghệ mới này.

Điều này chắc chắn cho phép môi trường xây dựng, thị trường bất động sản ở Việt Nam nhanh chóng bắt kịp trào lưu và nhịp điệu của khu vực, của thế giới. Hình ảnh các công trình điểm nhấn, các tòa tháp chọc trời bắt đầu mọc lên ở Việt Nam, mang dáng dấp của các đô thị ‘’toàn cầu’’ là minh chứng rõ rệt nhất của quá trình hòa nhập này. Điển hình như tòa nhà Landmark 81 tại TP.HCM hoàn toàn có thể sánh vai cạnh tòa tháp … cao nhất thế giới tại Dubai".

KTS.  Nguyễn Khánh Duy – Tập đoàn Kiến trúc Quy hoạch Deso (CH Pháp)

(Theo Tạp chí Kiến trúc)



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top