Aa

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Cần tháo gỡ chính sách mang tính xương sống!

Chủ Nhật, 15/09/2019 - 13:30

Giải ngân đầu tư công là tồn tại những vấn đề nền tảng, không còn ở chuyện do một vài cá nhân, dự án lẻ tẻ. Do đó, việc tháo gỡ phải rất rõ về cơ chế, chính sách mang tính xương sống.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 mới đây nêu rõ, về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được giao.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, nguy cơ "vỡ trận" nếu không nới tiến độ.

Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân chậm của bộ, ngành, địa phương mình. Kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Thu hồi vốn chậm giải ngân

Đặc biệt, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển hoặc thu hồi số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhưng giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Trên thực tế, báo cáo của Bộ Tài chính ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2019 là hơn 161.286 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Bên cạnh đó, vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cực kỳ chậm chạp và rối ren.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, giải ngân đầu tư công chậm đã, đang và sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

“Hệ lụy của giải ngân chậm sẽ rất lớn. Chúng ta phải biết rằng, dự án đầu tư công là nền tảng, là dự án mở đường và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Nếu đầu tư công giải ngân chậm vậy sẽ khiến hiệu ứng lan tỏa của nền kinh tế giảm và đánh mất hiệu quả”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia khẳng định, đây là vấn đề không thể coi thường. “8 tháng mà giải ngân chưa đến 40% thì quá chậm trong khi phần lớn vốn của chúng ta đi vay, phải trả lãi. Cái đáng lo ngại là xu hướng giải ngân chậm không phải chỉ năm 2019 mà diễn ra từ mấy năm trở lại đây, cứ chậm dần đều”, PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.

Cùng quan điểm, Giáo sư Võ Đại Lược cho rằng, nguồn vốn nhà nước chiếm phần rất lớn trong tổng đầu tư xã hội, giải ngân chậm sẽ kéo lùi tăng trưởng. Thủ tướng cũng nhiều lần nói về tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Theo GS Võ Đại Lược, đầu tư công chủ yếu là cơ sở hạ tầng, giải ngân chậm như vậy có rất nhiều thiệt hại như trì trệ cơ sở hạ tầng, không thúc đẩy phát triển được kinh tế xã hội.

“Các dự án chậm bao nhiêu thì lãi vay càng tăng bấy nhiêu, vốn đội lên càng nhiều, chất lượng không đảm bảo… Rất đáng lo ngại!”, GS Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Tháo gỡ rất rõ về mặt cơ chế

Nhận định về nguyên nhân tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cơ chế giải ngân đầu tư công là tồn tại những vấn đề thuộc về cơ bản, nền tảng, không còn ở chuyện do một vài cá nhân, dự án lẻ tẻ.

“Do đó, việc tháo gỡ phải rất rõ về mặt cơ chế, chính sách mang tính xương sống”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo đó, các đại án tham nhũng cũng góp phần vào giảm tốc độ đầu tư công. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính, tác động lớn nhất ở đây là Luật, Nghị định, Thông tư và việc thực hiện chính sách của người đứng đầu.

Vị chuyên gia cho rằng, các chính sách của Việt Nam về đầu tư công, giải ngân đầu tư công dù được tháo gỡ nhưng vẫn chồng chéo lên nhau không giải quyết được.

“Tôi lấy ví dụ, ngay cả Luật Quy hoạch cũng rất chồng chéo, dẫm lên các bộ luật khác, trong khi đó các luật khác từ khi có Luật Quy hoạch thì không được sửa đổi, vì vậy nhiều lãnh đạo sợ phạm luật nên không ai dám làm cả, tâm lý nặng nề lắm!”, PGS.TS Trần Đình Thiên lấy ví dụ.

Cùng với đó, ông Thiên phân tích, hệ quả của chúng ta trong giải ngân vốn đầu tư công luật của mình mang tính tháo gỡ nhiều quá, tháo gỡ từng điểm, từng dự án một nên không đồng bộ. Tháo gỡ điểm này bổ sung thêm, nó lại xung đột với chỗ khác, chỉ giải quyết được một việc, nhưng lại xung đột với vấn đề khác, bộ này xung đột với bộ kia.

Đáng lo ngại hơn, xu hướng chậm giải ngân được cho có từ nhiều năm. Điều này có nghĩa, vấn đề nằm trong cơ chế, chính sách, luật pháp chứ không phải nằm ở chỉ một vài bộ, ngành, lĩnh vực hoặc do cá nhân cụ thể.

“Muốn gỡ được phải gỡ hệ thống, nó rất lâu, tốn kém nhưng không thể không làm”, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.

Cùng với gỡ vướng trong cơ chế, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, tăng trưởng kinh tế đang tốt nhưng đầu tư công giảm, điều ấy có nghĩa là có ông khác đỡ cho đầu tư công như FDI, kinh tế tư nhân.

“Do đó, vai trò kinh tế tư nhân là tốt thật, khẳng định thật! Đó là sự thật và chúng ta phải tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân thực sự phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Theo đó, nếu giải ngân đầu tư công tốt, giả định các điều kiện khác bình thường thì GDP tăng trưởng không chỉ 7,08% như năm vừa qua. Điều này phải nhìn rõ, quy trách nhiệm rõ và là nhiệm vụ cấp bách để tăng đầu tư công. Cơ hội mất đi sẽ không lấy lại được, tư nhân và Nhà nước nếu hợp lực thì cơ hội cho nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều nữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top