Aa

Gian nan tìm "ngôi nhà mới" cho các bộ, ngành

Thứ Tư, 23/08/2017 - 06:01

Được khởi động từ năm 2012 nhưng đến nay, việc tìm "ngôi nhà mới" cho các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn trong tình trạng ì ạch. Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời.

Việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997, 8 bộ, ngành đã di dời sang trụ sở mới từ năm 2012. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 10 bộ, ngành chưa di dời ra khỏi khu vực nội đô.

Một số cơ quan đã được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời do không phù hợp định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch phân khu được duyệt; cơ sở vật chất cũ, đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Lao Động Thương binh và Xã Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Cục thống kê.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thông tin, qua rà soát có 13 Bộ, ngành phải di dời từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây và mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn vấn đề nguồn lực rất khó, "trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời”. 

Hiện các cơ quan bộ, ngành Trung ương này đang sở hữu những vị trí được coi là "đất vàng” của nội đô. Bên cạnh việc kêu khó trong kinh phí di dời, nhiều chuyên gia còn cho rằng, chính việc ham vị trí tốt cũng là lý do các bộ, ngành chậm trễ di dời.

Được biết, các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời để hoàn thiện báo cáo các phương án gửi các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, xem xét.

Theo đó, dự kiến có 2 phương án lựa chọn triển khai đầu tư.

Một là, Chính phủ đầu tư xây dựng toàn bộ các trụ sở xong giao các bộ ngành khai thác sử dụng. Các bộ ngành bàn giao lại toàn bộ cơ sở trong nội thành để quản lý, khai thác sử dụng chung.

Hai là, Chính phủ giao các bộ ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên các ô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể là tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây. 

Khu trụ sở bộ ngành tại Mễ Trì quy mô 55ha gồm có 6 cơ quan thuộc khối văn xã là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (4,1ha), Bộ Thông tin và Truyền thông (2,87ha), Bộ Giáo dục và Đào tạo (3,52ha), Bộ Y tế (2,36ha), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (3,32ha), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2,53ha). Tổng nhu cầu vốn dự kiến là trên 9.400 tỷ.

Khu trụ sở Bộ ngành tại Tây Hồ Tây 20ha, gồm 5 Bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ NN-PTNT; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ GTVT và Bộ Xây dựng với bình quân 2-3,5ha/cơ quan. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là hơn 8.500 tỷ.

Reatimes xin điểm qua một số trụ sở trên "đất vàng" Thủ đô trong tổng 11 bộ ngành chưa tìm được "ngôi nhà mới":

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có địa chỉ 12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm). Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, việc làm, an toàn lao động, dạy nghề, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội...

 Bộ này được thành lập ngày 16/2/1987 theo quyết định số 782/HĐNN của Hội đồng Nhà nước hợp nhất hai Bộ: Bộ Lao động và Bộ Thương binh và Xã hội. Bộ trưởng hiện nay là ông Đào Ngọc Dung.

Bộ Tư Pháp có địa chỉ tại số 60 Trần Phú thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình. Bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp...

 Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, tài liệu về trụ sở Bộ Tư pháp hiện còn 38 hồ sơ nằm trong các hộp từ 334 đến 340 thuộc khối tài liệu kiến trúc. Theo các tài liệu hiện có, công trình được xây dựng vào năm 1918 nhưng vì kinh phí hạn chế nên việc thi công không được liên tục.

 Công năng sử dụng của công trình là một trường học (1918-1955) với tên gọi Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh Pháp. Toàn bộ công trình quay mặt ra các tuyến phố Trần Phú, Chu Văn An, Hùng Vương và phía sau là phố Lê Hồng Phong.

Bộ Y tế có địa chỉ tại số 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình. Bộ này thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm các lĩnh vực: y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo phương án triển khai quy hoạch hoạch trụ sở 11 bộ ngành sau khi di dời, trụ sở mới của Bộ Y tế sẽ được xây dựng tại Mễ Trì. 

 Bộ Xây dựng tọa lạc tại 37 Phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Bộ cũng có vị trí đắc địa khi nằm tiếp giáp với các tuyến phố như: Bà Triệu, Hoa Lư, Trần Khát Chân.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương di dời trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng sang khu vực Tây Hồ Tây. Chủ trương đã có từ lâu nhưng việc di dời trụ sở của Bộ này vẫn "dậm chân tại chỗ".

Bộ Giao thông vận tải có vị trí tại số 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. 

 Cuối năm 2011, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ Giao thông vận tải được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới. Thủ tướng cũng chỉ đạo giá trị trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại trụ sở cũ. Hiện trụ sở mới của Bộ Giao thông vận tải được xây dựng tại Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, sẽ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành Trung ương tập trung tại khu trung tâm Tây Hồ Tây với quy mô khoảng 20 ha và khu Mễ Trì với quy mô khoảng 55 ha; lựa chọn mô hình quy hoạch, đề xuất giải pháp quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, sử dụng đất đai, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và lập hồ sơ quy hoạch theo quy định pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc di dời các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội chưa thu được một khu đất nào để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe.

Theo ông, vấn đề này còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chủ trì để họp đánh giá lại việc di chuyển các cơ sở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top