Aa

Giao dịch mua bán nhà gặp khó khi chủ nhà mắc bệnh tâm thần

Thứ Hai, 22/08/2016 - 22:46

Một độc giả đặt câu hỏi: "Tôi năm nay 40 tuổi, bố tôi đã mất, mẹ già hiện nay gần 80 bị tâm thần không nhận thức được xung quanh, phải có người chăm sóc, tôi có thể bán nhà thay mẹ?

Mẹ bị tâm thần, con có được bán nhà thay mẹ?

Trên Vietnamnet, một độc giả đặt câu hỏi: "Tôi năm nay 40 tuổi, bố tôi đã mất, mẹ già hiện nay gần 80 bị tâm thần không nhận thức được xung quanh, phải có người chăm sóc. Chị gái tôi đã có gia đình đang định cư bên nước ngoài. Gia đình tôi đang chăm sóc mẹ trong ngôi nhà của cha mẹ để lại. Vậy tôi có thể bán ngôi nhà này được không? Cần những điều kiện gì?"

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời: 

Theo thông tin bạn cung cấp thì ngôi nhà trên là tài sản chung. Người bố đã mất không để lại di chúc nên mẹ hai con là là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được quyền hưởng di sản của bố bạn theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ nhất, nếu muốn bán toàn bộ ngôi nhà trên thì cần có khai nhận thừa kế và văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trong đó mẹ bạn và chị gái bạn tặng cho phần di sản mà họ được hưởng cho bạn.

Thứ hai, vì mẹ bạn bị tâm thần nên không thể tự mình thực hiện các giao dịch nên có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định và bạn sẽ là người giám hộ của mẹ bạn theo quy định tại khoản 1 điều 22 Bộ luật dân sự 2005: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.

Giao dịch về tài sản của người được giám hộ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Dân sự 2005: “Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”.

Để người giám hộ (tức là bạn) tiến hành các giao dịch dân sự một cách hợp pháp đối với tài sản của người được giám hộ (mẹ bạn) thì cần phải có người giám sát người giám hộ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2005 thì “người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ….Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ…”.

Nghĩa là, trong trường hợp này gia đình bạn phải cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ, người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trong hợp đồng mua bán nhà ở ngoài chữ ký của bạn ra còn phải có cả chữ ký của người giám sát việc giám hộ nữa.

Người chung hợp đồng bị tâm thần, phải giải quyết thủ tục thế nào?

Tương tự, một độc giả trên trang luatgiaiphong.com đặt câu hỏi: "Cuối năm 2010 mẹ tôi và dì tôi (dì bệnh tâm thần) cùng đứng tên trong hợp đồng mua nhà của Nhà nước theo Nghị định 61, thời gian trả góp là 10 năm. Nhưng hiện nay mẹ tôi không có tiền trả tiền nhà nên mẹ tôi muốn sang tên hợp đồng mua nhà lại cho tôi, tôi có trách nhiệm là đóng tiền mua nhà và quyền lợi là được đứng tên trong giấy chứng nhận nhà

Vậy xin Luật sư cho tôi hỏi, Công ty Công ích có đồng ý sang tên hợp đồng mua nhà cho tôi không và khi tôi đã trả đủ tiền mua nhà tôi có được đứng tên chủ quyền không.

Về phần dì tôi phải giải quyết như thế nào (dì tôi bị bệnh tâm thần từ nhỏ, hiện không có chồng và con)"

Luật sư trả lời:

Trong trường hợp mà bạn nêu, mẹ bạn vẫn có quyền sang nhượng phần nhà ở cho bạn và sang nhượng riêng phần của mẹ bạn mà thôi. Do trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ghi tên của mẹ bạn và dì bạn nên cả Dì bạn cũng có phần sở hữu trong căn nhà này.

Bạn muốn thực hiện được phần sang tên toàn bộ căn nhà cho bạn, trước hết bạn và những người liên quan phải làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố Dì của bạn mất năng lục hành vi dân sự.

Theo quy định của Bộ luật dân sự

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi có quyết định của tòa án, mọi giao dịch liên quan đến Dì của bạn sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập,thực hiện.

Theo quy định tại khoản 3, điều 62 BLDS

Điều 62. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top