Aa

Giao dịch thận trọng, VN-Index tiếp tục giảm hơn 5 điểm

Thứ Sáu, 26/06/2020 - 09:07

Thị trường chứng khoán biến động rung lắc với nền thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước đó.

Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 25/6, thị trường chứng khoán đã vấp phải áp lực bán mạnh và điều này đẩy các chỉ số lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu, chỉ số chính VN-Index giao dịch trong sắc đỏ xuyên suốt phiên giao dịch. Trong khi đó, HNX-Index nhờ lực đẩy của một số mã nên được kéo lên trên mốc tham chiếu vào cuối giờ.

Chốt phiên, VN-Index giảm 5,12 điểm (-0,6%) xuống 854,59 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 243 mã giảm và 51 mã đứng giá. HNX-Index tăng nhẹ 0,37 điểm (0,33%) lên 114,07 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng, 79 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,19%) xuống 56,63 điểm.

Đa phần các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều diễn biến không mấy tích cực trong phiên 25/6. Trong đó, VIC, VCB, VNM, BID, TCB… là các mã gây áp lực lớn nhất lên VN-Index. Chốt phiên, VIC giảm 1,4% xuống 93.400 đồng/cp và lấy đi của chỉ số này 1,28 điểm (-0,15%). VCB giảm 1,2% xuống 83.700 đồng/cp và cũng lấy đi của VN-Index 1,06 điểm (-0,12%).

Ở chiều tăng giá, bộ đôi cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG có phiên giao dịch tích cực khi đi ngược lại xu hướng rung lắc chung. Trong đó, HPG tăng 1,1% lên 27.300 đồng/cp và khớp lệnh đến hơn 24,4 triệu cổ phiếu. HSG tăng 5,1% lên 12.300 đồng/cp và khớp lệnh 18,7 triệu cổ phiếu.

Cả HPG và HSG đều có thông tin tích cực hỗ trợ liên quan đến kết quả kinh doanh, trong đó, HSG công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 5/2020 với doanh thu đạt 2.471 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 112 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu niên độ tài chính 2020 (1/10/2019 - 30/9/2020), lợi nhuận sau thuế là 584 tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch. Mức lợi nhuận này đã là kỷ lục và vượt xa con số của năm tài chính 2018 và 2019. 

Còn đối với HPG, doanh nghiệp này mới tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào sáng 25/6, trong đó, ban lãnh đạo công ty cho biết quý II lãi kỷ lục 2.700 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

SHB cũng là cái tên gây chú ý khi tăng mạnh 2,9% lên 14.300 đồng/cp, đây là động lực chính giúp HNX-Index bật tăng vào cuối phiên. Chỉ riêng SHB đã đóng góp cho HNX-Index 0,6 điểm (0,52%).

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 25/6. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh VIC thì cả VHM và VRE đều giảm điểm trong phiên 25/6. VHM giảm 0,3% xuống 75.500 đồng/cp, còn VRE giảm 1,3% xuống 26.500 đồng/cp. Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản là NVL có diễn biến tích cực khi tăng 2,1% lên 59.500 đồng/cp và là mã có tác động tích cực nhất lên VN-Index.

Đối với các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra vẫn khá rõ nét, các cổ phiếu như PPI, HU6, SJS, ITA hay HQC đều được kéo lên mức giá trần. Cả ITA và HQC đều khớp lệnh mạnh với lần lượt 15,6 triệu cổ phiếu và 21 triệu cổ phiếu. Chiều ngược lại, các mã như PVL, BII hay PFL đều bị giảm sàn, DTA cũng giảm đến 5,3%, VPH giảm 2,7%, HAR giảm 1,9%.

Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục giảm so với phiên trước đó và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.109 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 373 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 799 tỷ đồng. Trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường có sự góp mặt của 4 mã bất động sản là HQC, FLC, ITA và DLG.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 25/6. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 66 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, họ tập trung bán mạnh cổ phiếu HPG với 58 tỷ đồng. VRE, CII và NLG là các cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. VRE bị bán ròng hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM, DXG, NVL và ITA là các mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, trạng thái hiện tại của VN-Index không có gì thay đổi, vẫn đang là tích lũy trong khoảng 840-870 điểm (fibonacci retracement 50%, MA20) cho đến khi bứt phá khỏi vùng này.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 duy trì basis âm 15,51 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ giảm trong thời gian tới. SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 26/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 840 - 870 điểm (fibonacci retracement 50%, MA20). Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ một khi VN-Index vẫn còn giữ được ngưỡng hỗ trợ 840 điểm. Động thái mua thêm có thể cân nhắc khi thị trường vượt được ngưỡng 870 điểm với thanh khoản tốt.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 124% và 2,3%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 2,5% và 1,2%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 1,4%, SET 50 của Thái Lan giảm 0,7%, KLCI của Malaysia giảm 0,9% và Jakarta Composite của Indonesia giảm 1,4%. Thị trường tài chính Trung Quốc và Hong Kong không giao dịch trong phiên 25/6.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top