Aa

Giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ Ba, 03/10/2017 - 11:10

Ngày 02/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo sau khi nhận được kiến nghị của một số cán bộ, diễn viên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), đơn kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam; Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (số 2362/BVHTTDL-KHTC ngày 13/6/2017, số 3958/BVHTTDL-KHTC ngày 19/9/2017) về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/12/2017.

Trước đó, tại cuộc họp về cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), chiều 21/9, nhấn mạnh sự công khai, minh bạch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS. Các Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của VFS.

Tại cuộc họp, đại diện các văn nghệ sĩ đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương cổ phần hoá VFS để tập trung vào sản xuất, nâng cao đời sống của nghệ sĩ, xứng đáng là hãng phim “đầu đàn” của điện ảnh Việt Nam nhưng nêu ra một số vấn đề trong quá trình cổ phần hóa và định hướng phát triển. Ông Phạm Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật về nhiều mặt nhưng giá trị thương hiệu của VFS lại bị định giá là 0 đồng ở thời điểm xây dựng phương án cổ phần hoá (năm 2014). Giá trị của các "khu đất vàng” mà VFS đang sử dụng cũng không được tính đến.

Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Đại diện các văn nghệ sĩ cũng đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện cổ phần hoá được cho là chưa minh bạch, khách quan; thực hiện các cam kết của chủ đầu tư đối với cán bộ, người lao động tại VFS; việc sử dụng các khu đất; kiến nghị thay đổi đơn vị tư vấn khi rà soát lại quá trình cổ phần hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương cổ phần hoá, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà mục tiêu lớn nhất là phải tạo được động lực phát triển cho văn hoá nghệ thuật nước nhà. Vì vậy, việc cổ phần hoá các đơn vị văn hoá, nghệ thuật nhận được sự quan tâm không chỉ của các văn nghệ sĩ mà cả cộng đồng, xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đại diện Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN… trả lời rõ từng kiến nghị, nhất là vấn đề định giá thương hiệu và giá trị các khu đất của Hãng Phim truyện Việt Nam.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Ngay sau khi Thủ tướng có chỉ đạo rà soát việc định giá thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam có tính đến yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát lại các quy định đồng thời gửi văn bản tới Bộ Tài chính, Bộ KH&CN về vấn đề này. Tuy nhiên, những quy định hiện hành không có, vì vậy, Bộ đã yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng phương án mới để xác định giá trị thương hiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam trên cơ sở tham khảo cách làm ở một số nước”.

Đối với những “khu đất vàng” mà VFS đang sử dụng, đại diện các bộ ngành khẳng định, đây là đất thuê của Nhà nước và trả tiền từng năm nên không thể tính vào giá trị tài sản của DN.

Giải đáp lo ngại của bà Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam về việc những khu đất của VFS sẽ bị biến thành nhà hàng, khách sạn…, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Sau cổ phần hoá, VFS chỉ làm phim và kèm theo đó phương án sử dụng đất đã được ghi rõ trong điều lệ của đại hội cổ đông. Bộ VHTT&DL đã cử hai người đại diện phần vốn Nhà nước, cùng với cán bộ, nhân viên tham gia giám sát hoạt động của chủ đầu tư, hội đồng quản trị nếu không đúng với điều lệ thì báo cáo với Bộ”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định việc rà soát lại quá trình cổ phần hoá VFS, trong đó có việc định giá lại thương hiệu sẽ phải thực hiện rất cẩn trọng, khoa học, công khai, minh bạch. Trước mắt để ổn định lại tình hình của đơn vị rất cần sự phối hợp tích cực giữa chủ đầu tư và các văn nghệ sĩ nhằm thực hiện tốt các cam kết hai bên, tập trung vào sản xuất, nâng cao đời sống của nghệ sĩ, giữ vững thương hiệu của VFS. 

Từ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tất cả nghệ sĩ đều ủng hộ chủ trương cổ phần hoá với mong muốn dù ai đầu tư, cổ phần bao nhiêu thì đây vẫn phải là đơn vị làm phim truyện là chính, góp phần để lĩnh vực phim truyện Việt Nam phát triển tốt hơn. Cổ phần hoá phải góp phần để lao động nghệ thuật của anh em nghệ sĩ có giá trị hơn, được tôn vinh hơn, giá trị truyền thống của VFS mấy chục năm qua được phát huy, không được mất đi.

“Nhiều năm qua, Hãng Phim truyện Việt Nam hoạt động rất yếu kém. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá, các văn nghệ sĩ còn không ít băn khoăn, lo lắng, cụ thể như các khu đất của hãng sẽ không phục vụ làm phim ảnh mà trở thành nhà hàng, khách sạn; có bề dày lịch sử, truyền thống nhưng thương hiệu của đơn vị tính bằng không; quá trình cổ phần hoá chưa công khai, minh bạch và một số bức xúc giữa chủ đầu tư với các văn nghệ sĩ”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, nhiều câu hỏi trong quá trình cổ phần VFS chưa được những người có đủ trách nhiệm như Ban Giám đốc VFS, Bộ VHTT&DL giải đáp tận tình, cặn kẽ, thấu đáo. Vì vậy, mặc dù đã có các ý kiến trao đổi, giải thích nhưng đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, các văn nghệ sĩ vẫn lo lắng, thắc mắc, chưa yên tâm.

“Quan trọng nhất là phải minh bạch, công khai, do đó tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS. Các Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của VFS. Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và cả nhân dân nghi ngờ 'Cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao'. Tinh thần là phải minh bạch thì mọi người sẽ đồng tâm để VFS và nền điện ảnh phát triển tốt hơn”, Phó Thủ tướng kết luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top