Aa

Giao thông Hà Nội: Hệ lụy từ quy hoạch!

Thứ Hai, 16/09/2019 - 06:30

“Hà Nội ùn tắc khắp nơi, dân công sở “chôn chân” suốt mấy tiếng không đến nổi cơ quan”.

Cái tít trên báo Dân trí mới đây không chỉ phần nào lột tả được bức tranh giao thông TP. Hà Nội hiện tại, mà còn gây hệ lụy lớn đến vấn đề dân sinh.

Tuyến đường 70 (huyện Thanh Trì) đoạn qua cầu Tó tê liệt. Ảnh: Đức Thắng/Dân trí

Những hình ảnh như thông tin đã đưa là tuyến đường 70 (huyện Thanh Trì, Hà Nội) qua đoạn cầu Tó, rất khó để nhìn thấy chừa ra được một khoảng trống nào. Người sát người, xe sát xe, tất cả chen chúc nhau tạo nên một khung cảnh đầy hỗn loạn.

Thật ra, người dân Hà Nội nói riêng và cả nước đã quá quen với sự ùn tắc giao thông bấy lâu nay, nó diễn ra hàng ngày, như cơm bữa, nên đó cũng chỉ là một góc của sự quá tải hạ tầng giao thông vận tải mà thôi. Nhưng chúng ta vẫn phải viết, phải nói, vì nó không chỉ đơn thuần là sự ùn tắc giao thông.

Một là: Sự bất cập, yếu kém trong quy hoạch, quản lý quy hoạch chuyên ngành.

Nói vậy bởi tại Hà Nội, dường như ai cũng thấy rõ sự bất hợp lý trong quy hoạch xây dựng đô thị. Điển hình là dự án Tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại lô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao được điều chỉnh lên tối đa 40 tầng đã biến Linh Đàm từ một “khu đô thị kiểu mẫu” thành nơi rất nhiều người dân phải rút chạy để tránh quá tải cả về hạ tầng, điện nước và trường lớp cho con em đi học.

Hay, con đường Lê Văn Lương – quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội dài chưa đầy 1km nhưng phải gánh tới gần 40 dự án chung cư cao từ 25 – 35 tầng. Đường Nguyễn Tuân có hơn 20 dự án; Đường Lê Văn Thiêm có 5 dự án. Hoặc, tòa nhà 8B Lê Trực cũng được đưa vào báo cáo...

Nhân đây cũng nói, nhiều đô thị mới cũng “học hỏi” cách xây công trình trường học, bệnh viện, chung cư, trung tâm thương mại dày đặc trong nội đô, sát các trục đường chính kiểu như Hà Nội.

Ví như TP.HCM, sự ùn tắc giao thông cũng không kém Hà Nội. Việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đại tại Thủ Thiêm, Hoóc Môn, Củ Chi… hoặc cổ phần hóa, đấu giá những khu “đất vàng” ở trung tâm Thành phố vẫn tiếp tục là những điểm nóng.

Thế rồi, hễ cứ mở báo ra đọc, ta lại thấy thông tin tắc đường, ngập úng khắp mọi nơi. Chẳng thế mà, kiến trúc sư Trần Huy Ánh từng nói: “Cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện ra tiền thì làm bệnh viện…”.

Hai là: Xử phạt không thấm so với sai phạm?

Xung quanh câu chuyện quy hoạch và quản lý quy hoạch, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng từng phát biểu thế này: “Có những dự án điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của sự phát triển nhưng có những quy hoạch điều chỉnh vì nhóm lợi ích”.

Một con số thống kê cho thấy, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Qua các kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm số tiền hơn 3.600 tỷ đồng, hơn 19.200ha đất. Riêng trong năm 2018, chỉ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 1.127 cuộc thanh tra, phát hiện 827 đơn vị có vi phạm số tiền trên 465 tỷ đồng và 9.759ha đất.

Đó là những con số cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã và đang “nóng” đến mức nào.

Ba là: Ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế - dân sinh

Đúng là, quy hoạch không tốt sẽ khiến hệ thống giao thông quá tải, gây ùn tắc thường xuyên; hạ tầng giáo dục, trường học không theo kịp; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đang khiến chất lượng cuộc sống biến thiên theo hướng tỷ lệ nghịch với chiều cao và số lượng chung cư mọc lên tại các đô thị; hoặc, sự đảm bảo an toàn cho cư dân về phòng cháy chữa cháy cũng là vấn đề đáng quan tâm...

Trong trường hợp này, “chôn chân” vài tiếng đồng hồ vì tắc đường mới tới được cơ quan ắt hẳn mang lại cho mỗi người cảm giác sốt ruột xem lẫn trạng thái ngột ngạt, căng thẳng trên đường chẳng dễ chịu gì. Song điều đáng nói là, tình trạng nói trên cũng đồng nghĩa rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã “mất đứt” hàng giờ lao động. Ấy chính là sự thiệt hại kinh tế rất rõ ràng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hoài Chung – Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết: “Ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm và thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội tính toán được dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm”.

Cùng đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Theo đó, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

Muốn giải quyết triệt để vấn đề này chỉ bằng cách: Giảm phương tiện giao thông cá nhân đi bằng phương tiện giao thông công cộng, đồng thời làm thêm đường, tăng quỹ đất phù hợp cho giao thông là việc làm khẩn thiết ở vùng đô thị...

Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế xã hội lớn nhất của cả nước, nên càng cần có chế tài đủ mạnh cho người tham gia giao thông lẫn người làm công tác quản lý quy hoạch. Kết hợp với việc quy hoạch một mạng lưới giao thông tương xứng hiện đại và bền vững đáp ứng với nhu đang cầu phát triển và hội nhập. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top