Aa

Giật mình trước cách sử dụng hàng nghìn mét vuông “đất vàng” của Hãng phim Truyện Việt Nam

Thứ Ba, 03/10/2017 - 21:30

Được giao cho sử dụng hàng nghìn mét vuông "đất vàng" tại Hà Nội và TP.HCM nhưng Hãng phim Truyện Việt Nam lại cho thuê và góp vốn bằng đất để xây cao ốc kinh doanh, kiếm lời...

Thời gian qua, báo chí đề cập nhiều đến vấn đề việc định giá đất đai và thương hiệu Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) quá thấp. Tuy nhiên, có một thực tế là, trước khi lên sàn, hàng nghìn mét vuông đất vàng của VFS đã bị “xẻ nhỏ” cho thuê, kiếm lời.

Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VFS hồi tháng 3/2016, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đơn vị này đang quản lý và sử dụng 4 khu đất tại Hà Nội và TP. HCM; trong đó có 2 khu “đất vàng” là số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) và số 6, Thái Văn Lung (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM). Tuy nhiên, 2 trong số 4 khu đất mà VFS nắm giữ ở thời điểm IPO lại đang "dính" tranh chấp về việc cho thuê lại đất đai với cá nhân và công ty khác.

Cụ thể, khu đất số 4 Thuỵ Khuê đến năm 2002 đã hết hạn thuê đất theo hợp đồng số 561 - 245 được kí ngày 30/12/1999 với diện tích 5.443,5 m2. Mặc dù, sắp hết hạn thuê đất, VFS vẫn ký hợp đồng cho thuê Nhà in tráng từ năm 2002 - 2006 và vào tháng 7/2003 là hợp đồng cho thuê Nhà thủy phi cơ có thời hạn đến năm 2018 với bà Nguyễn Lệ Thủy (trú tại số 10 Thụy Khê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ).

Sau khi phát hiện sự việc, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu VFS thu hồi diện tích nhà đất cho thuê để sử dụng đúng mục đích và VFS đã yêu cầu người thuê chấm dứt hợp đồng nhưng không được chấp nhận. Hiện nay, để đòi được đất, đơn vị này đã có đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Tây Hồ nhưng vẫn chưa đạt được kết quả.

các ki ốt của Hãng phim Truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê. Ảnh: Vạn Xuân

các ki ốt của Hãng phim Truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê. Ảnh: Vạn Xuân

Một khu "đất vàng" khác của VFS là Khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Khu đất này có diện tích hơn 1.200m2 do VFS thuê của Công ty quản lý kinh doanh nhà Thành phố (nay là Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà Thành phố), thời hạn cho thuê đến ngày 31/12/2007 theo Hợp đồng thuê số 271/TW-2003 ngày 9/4/2003.

Tuy nhiên, sau khi thuê được đất, ngày 17/7/2003, VFS đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Du lịch Sài Gòn bằng hình thức góp vốn qua quyền sử dụng khuôn viên số 6 để xây dựng cơ sở vật chất nhằm tổ chức kinh doanh các hoạt động dịch vụ văn hóa tổng hợp và tổ chức các hoạt động dịch vụ giao lưu văn hóa.

Đến thời điểm hiện tại, tại khu đất số 6 Thái Văn Lung hiện có 2 tòa nhà. Một khối nhà 4 tầng trên diện tích 74m2 đất do VFS xây dựng nằm ở một phần mặt tiền của khu đất đang sử dụng làm văn phòng làm việc, phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn…

Ngoài ra, còn có khối nhà 11 tầng trên diện tích 1.134m2 do Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Du lịch Sài Gòn xây dựng để cho 20 đơn vị trong và ngoài nước thuê làm văn phòng. Tại khu đất này cũng xảy ra bất đồng giữa VFS và Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Du lịch Sài Gòn liên quan đến hợp đồng hợp tác. 

Trước sự việc trên, trao đổi với Reatimes sáng nay (3/10), luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: "Việc các doanh nghiệp sau khi được giao đất lại cho các doanh nghiệp khác thuê là chuyện kế thừa từ thời bao cấp. Các công sản có thể là BĐS, ki ốt, đất đai... sau khi được giao về cho các tổ chức, doanh nghiệp, họ bắt đầu manh mún cho thuê, thậm chí cấp đất mang tính chất nội bộ không có sự quản lý của Nhà nước.

Việc này nếu không thanh tra thì không nhìn thấy có sai phạm nhưng khi có tố giác trong nội bộ mới biết những khoản thu từ việc cho thuê đất thường rất đắt và không rõ ràng minh bạch. Ngay cả việc chi cho tổ chức, cơ quan thế nào cũng không biết. Do đó là hoàn toàn sai. Đây cũng là sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quản lý địa phương và Cục thuế”. 

Lấy ví dụ với trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam, luật sư Phạm Công Út nhận định: "Đáng ra việc sử dụng một số công sản cho thuê thì VFS phải làm nghĩa vụ thuế nhưng dường như họ lại có một 'đặc ân' là không ai ngó tới, không có nghĩa vụ khai thuế, thành ra không có ai giám sát, quản lý về thuế. Đó là một hiện tượng xã hội kế thừa từ xưa đến nay mà không làm rõ thường xuyên thì thất thoát tài sản công sẽ còn kéo dài nhiều năm”. 

Trả lời câu hỏi về vấn đề với việc sử dụng đất sai mục đích như trên có ảnh hưởng gì đến quá trình định giá quỹ đất khi cổ phần hóa, luật sư Phạm Công Út cho biết: "Việc cho thuê là theo hợp đồng dân sự giữa hai bên, còn định giá là hoạt động độc lập nên không ảnh hưởng gì”. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top