Aa

Giới đầu cơ “bỏng tay”

Thứ Bảy, 16/06/2018 - 14:00

Giới đầu cơ “bỏng tay”; "Cư dân được "nén" vừa phải sẽ gia tăng hạnh phúc"; Mải xây chung cư, “bỏ quên” trường học; Dự án thế chấp tại ngân hàng có đáng sợ?;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

"Cư dân được "nén" vừa phải sẽ gia tăng hạnh phúc"

Thành phố bị kẹt xe, môi trường bị ô nhiễm, trường học chật chội, bệnh viện ngột ngạt... người dân thường đổ lỗi cho câu chuyện xây nhiều nhà cao ốc. Tuy nhiên, gốc rễ của căn bệnh quá tải là do tăng dân số cơ học, rõ ràng nếu không có cách nhìn và cư xử đúng mực trong vấn đề dân số, thành phố sẽ rất khó hoạch định chiến lược phát triển nhà cao tầng đúng hướng. Đi tìm lời giải cho bài toán dân số và quy hoạch nhà cao tầng, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kiến trúc quy hoạch, PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Theo PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, không có câu trả lời chính xác là mật độ dân số trong một khu dân cư, một khu đô thị, một thành phố bao nhiêu là vừa bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: đặc điểm văn hóa, lối sống, đặc điểm cư trú, phương thức và mức độ hiện đại của hệ thống giao thông công cộng, sức chịu đựng của hệ sinh thái…

PGS.

PGS.TS. KTS. Khuất Tân Hưng

Trước đây tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng, mật độ dân số giảm thì hạnh phúc tăng lên. Song một số nghiên cứu gần đây lại cho thấy dân cư được “nén” vừa phải tại một số địa điểm sẽ gia tăng hạnh phúc, con người được sống trong xã hội hòa đồng, vui vẻ, có cơ hội tiếp xúc với nhau không quá tách biệt, không quá xa lạ.

Nghiên cứu này rất phù hợp với các thành phố Đông Á và Nam Á, trong đó có cả Việt Nam, nơi người dân đã “quen” sống ở những nơi tập trung dân cư đông đúc. Thực tế cũng cho chúng ta thấy rằng, không hẳn những nơi tập trung đông dân cư hay có mật độ dân số cao là thiếu hiệu quả.

Xem chi tiết tại đây

Giới đầu cơ “bỏng tay”

Ngay sau khi Quốc hội tán thành lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu), nhiều chuyên gia nhận định việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường BĐS tại ba khu vực trên, có chăng chỉ tác động đến những nhà đầu cơ đang lướt sóng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Vân Phong cho biết, trong thời gian gần đây, thị trường BĐS ở huyện Vạn Ninh không có gì thay đổi nhiều vì trước đó UBND tỉnh có công văn “siết chặt”, các giao dịch hầu như đều tạm dừng chứ không phải chờ đến khi Quốc hội có quyết định lùi thời gian thông qua Luật đặc khu. Việc mua bán đất tại huyện Vạn Ninh bây giờ chủ yếu là các loại đất thổ cư 100% và đất đấu giá, các phân khúc này giá cũng có xu hướng tăng nhưng không đáng kể.

Còn theo Đức - một tay “cò” mới vào nghề (ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) thú thật, hiện nay đất ở được cấp sổ đỏ thì có người hỏi, các loại đất quả, đất nông nghiệp, đất rừng… không còn ai dám mua. Thời gian gần đây, các tay đầu cơ ở ngoại tỉnh bắt đầu tìm cách “thoát hàng”, bán nhanh các lô đất đã mua. Nhưng bán đâu dễ. Lô nào cũng hàng chục tỷ đồng ai mà dám mua. Khi đang sốt, nhiều khách đầu tư xác định mua nhanh, bán nhanh kiếm lời. Hiện nay thị trường hết sốt, khách hàng họ toan tính lắm, ai dám mua.

Xem chi tiết tại đây

Các văn phòng giao dịch bất động sản tại Bắc Vân Phong “bất động”

Các văn phòng giao dịch bất động sản tại Bắc Vân Phong “bất động”

Mải xây chung cư, “bỏ quên” trường học

Theo ước tính, tại Hà Nội có trên 500 dự án Khu đô thị và nhà ở thương mại, khu nhà ở. Hàng loạt dự án được mở ra, bộc lộ bất cập do công tác quy hoạch và xây dựng của nhiều khu đô thị chưa đáp ứng đúng mục tiêu ban đầu, đặc biệt là hệ thống trường học. Thậm chí, tại nhiều nơi, dù các hộ dân đã chuyển tới sinh sống rất lâu nhưng trường học chưa có hoặc xây dựng với tiến độ chậm, gây quá tải cho các trường lân cận.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo, hiện nay trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt là có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Còn theo khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai.

Xem chi tiết tại đây

Dự án thế chấp tại ngân hàng có đáng sợ?

Trong danh sách dự án đang được cầm cố ngân hàng do Sở Xây dựng TP.HCM công bố có các dự án Greenfield 686 Apartment (686 - Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) do Công ty cổ phần Xây lắp thương mại 2 (ACSC) làm chủ đầu tư; Khu chung cư cao tầng Nam An - Kingsway Tower (quận Tân Bình) do Công ty TNHH Siêu Thành làm chủ đầu tư; Khu dân cư Lô M7 Khu A - Đô thị mới Nam TP.HCM do Công ty cổ phần Phát triển Phú Hưng Thái làm chủ đầu tư; Khu chung cư Nhà Sài Gòn (quận Bình Tân) do Công ty TNHH Nhà Sài Gòn làm chủ đầu tư…

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng, việc doanh nghiệp cầm cố dự án để lấy tiền phát triển dự án là điều hết sức bình thường. “Chủ đầu tư không thể có khoản tiền cả ngàn tỷ đồng để phát triển dự án. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải cầm cố dự án cho ngân hàng để lấy tiền phát triển dự án, sau khi bàn giao nhà cho khách hàng, khoản tiền thu về sẽ được chủ đầu tư trả ngân hàng”, ông Vinh nói.

Các doanh nghiệp bất động sản thường cầm cố dự án theo nhiều dạng, như cầm cố quỹ đất dự án, cầm cố từng phần dự án...  Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Các doanh nghiệp bất động sản thường cầm cố dự án theo nhiều dạng, như cầm cố quỹ đất dự án, cầm cố từng phần dự án... Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Luật sư Trần Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở hình thành trong tương lai muốn đưa ra giao dịch thì phải có văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Theo đó, dự án nhà ở phải đáp ứng các điều kiện: có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Xem chi tiết tại đây

Hàng loạt cổ phiếu “lĩnh án” hủy niêm yết

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo hủy niêm yết 15 triệu cổ phiếu PXA của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An, tương ứng giá trị 150 tỷ đồng, kể từ ngày 5/6.

Việc cổ phiếu PXA bị hủy niêm yết là do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017 theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định của Ủy ban chứng khoán.

Theo Báo cáo tài kiểm toán 2017, PXA lỗ hơn 22,1 tỷ đồng, năm 2016 lỗ hơn 20 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 lên trên 151,68 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ thực góp 150 tỷ đồng. Như vậy PXA đã lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Theo quy định, sau khi rời sàn niêm yết các doanh nghiệp sẽ phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh thua lỗ, cơ cấu tài sản - nguồn vốn mất cân đối, không ít cổ phiếu sau hủy niêm yết đã “ra đi không hẹn ngày gặp lại” như KSS, KTB, BAM, PTK… Thậm chí, những cổ phiếu đó nếu có tồn tại trên sàn thì cũng sẽ mất thanh khoản, dẫn đến giá trị đầu tư của cổ đông vào các mã cổ phiếu sẽ “không cánh mà bay”.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top