Aa

Gỡ nút thắt thực thi Luật Quy hoạch

Thứ Năm, 18/07/2019 - 01:31

Luật Quy hoạch hiệu lực từ ngày 1/1/2019 được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng, bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế…

Tuy nhiên, thực tế triển khai luật còn nhiều lúng túng nhất là việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Một trong những nguyên nhân chậm thực thi luật là do các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch chậm được ban hành nên các bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và dự toán kinh phí lập quy hoạch (hiện nay còn 3 nghị định chưa được ban hành).

Việc có cách hiểu khác nhau về các quy hoạch được thực hiện chuyển tiếp tại Điều 59 Luật Quy hoạch dẫn đến một số bộ, ngành và địa phương còn lúng túng khi xác định các quy hoạch nào sẽ được phép điều chỉnh và được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành cũ hay phải điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch mới yêu cầu phải thực hiện theo đúng trình tự, 5 năm mới được điều chỉnh một lần. Vì thế, khi gặp các yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch trên không thể tổ chức điều chỉnh.

“Việc này gây tác động tiêu cực, làm giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là không có quy định chuyển tiếp, không cho phép điều chỉnh quy hoạch. Trong khi đó tại các quy hoạch hiện tại đã được triển khai lập theo quy định cũ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu nhưng chưa được thẩm định.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, muốn phê duyệt được thì các quy hoạch này phải thực hiện lại với trình tự rất phức tạp, gần như làm quy hoạch mới. Điều này đang gây vướng mắc lớn nhất cho 3 lĩnh vực là điện, khoáng sản và năng lượng...

Vướng mắc khác là trình tự lập quy hoạch quy định quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Như vậy phải có quy hoạch tổng thể quốc gia mới lập các quy hoạch cấp dưới để bảo đảm tính đồng bộ. Trong khi quy hoạch tổng thể quốc gia bắt đầu từ năm 2021, nhiều lãnh đạo tỉnh băn khoăn trong thời điểm trống từ nay đến đó, các quy hoạch bên dưới đều bị ách tắc.

Một vướng mắc khác đó chính là việc điều chỉnh các quy hoạch được tích hợp trong quy hoạch tỉnh, hiện cũng chưa được quy định cụ thể. Đồng nghĩa với việc trước khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt thì tất cả quy hoạch dự kiến được tích hợp sẽ phải giữ nguyên, không được điều chỉnh, ngay cả khi có những nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với phát triển của tỉnh. Vì vậy các địa phương đều gặp khó, nhất là việc bổ sung các dự án cấp bách.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, bộ đề xuất 3 giải pháp.

Một là, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch với việc hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.

Hai là, tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục vụ điều hành của các bộ, ngành và địa phương và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Ba là, đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí.

“Không để do quy hoạch mà ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, nhưng phải làm sao để bảo đảm dòng chảy liên tục của quá trình phát triển, không để vướng mắc như vừa qua. Đây là quan điểm chỉ đạo thống nhất của Quốc hội, Chính phủ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một lần nữa khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Luật Quy hoạch vừa diễn ra mới đây.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch. Về trình tự lập quy hoạch, kiến nghị theo hướng phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song, để có thể đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top