Aa

Golf - Vành đai xanh cho đô thị

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 11/03/2019 - 20:01

Các nhà quy hoạch vẫn luôn nhấn mạnh phải có vành đai xanh cho đô thị. Nhưng yếu tố nào tạo nên vành đai xanh? Câu trả lời chủ yếu vẫn là rừng, cây, khu bảo tồn sinh thái hay công viên. Vậy, đã có khi nào các chuyên gia, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhìn nhận rằng, sân golf cũng có thể trở thành một mảng xanh của đô thị?

Để tìm hiểu thêm về kiến trúc sân golf và những đóng góp cho mảng xanh tại các đô thị, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Ủy, một golf thủ với nhiều năm kinh nghiệm, đồng thời là Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Sagen.

PV: Theo quan điểm của ông, sân golf đóng góp như thế nào vào phát triển mảng xanh?

Ông Trần Hữu Ủy: Tốc độ đô thị hóa cao và việc khai thác đất rừng quá mức làm cho tỷ lệ phủ xanh ngày càng giảm sút. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên và nước biển dâng cao cũng tác động đến môi trường sống của người dân và làm giảm diện tích mảng xanh. Nhu cầu có những không gian xanh thoáng đãng, trong lành, gần gũi với thiên nhiên ngày càng quan trọng.

Trong khi các khu công nghiệp hoặc khu dân cư có tỷ lệ phủ xanh chỉ khoảng 10 - 20% diện tích, thì với các sân golf, với mật độ xây dựng thấp nhất, tỷ lệ phủ xanh chiếm trên 80% diện tích. So sánh như vậy để thấy được ý nghĩa của các mảng xanh mà sân golf mang lại.

Sân golf có một yêu cầu thiết kế đặc biệt là tạo ra những mảng cỏ và cảnh quan xanh nhằm thu hút người chơi. Một sân golf chuẩn 18 lỗ có diện tích trung bình từ 60 – 100ha. Thảm cỏ xanh của các đường golf và hệ thống cây xanh bao quanh được quy hoạch và chăm sóc kỹ lưỡng, tươi tốt quanh năm, sẽ tạo ra mảng xanh hút tầm mắt. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các sân golf không chỉ phát triển những mảng xanh rộng lớn mà còn tạo ra các vùng du lịch đẳng cấp, nhằm gia tăng phát triển kinh tế của địa phương và thu hút khách du lịch.

Ông Trần Hữu Ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Sagen.

Ông Trần Hữu Ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Sagen.

PV: Để sân golf đóng góp tích cực cho môi trường, bản thân nó phải được xây dựng và phát triển bền vững. Vậy theo ông, cần những yếu tố gì để thiết kế một sân golf bền vững?

Ông Trần Hữu Ủy: Thiết kế bền vững một sân golf cần nhiều yếu tố. Thứ nhất là quy hoạch địa điểm sân golf. Nên chọn những khu vực đất đai cằn cỗi, đồi trọc, bãi cát hoang hóa,… không phát triển được cây lương thực cũng như cây công nghiệp. Thứ hai, thiết kế phải tận dụng được yếu tố địa hình của khu vực, hạn chế san ủi, bồi đắp lớn, gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba là ưu tiên phát triển những loại cây cỏ bản địa phù hợp với môi trường địa phương, hạn chế sử dụng các loại cây cỏ tiêu tốn quá nhiều nước và thuốc bảo vệ thực vật. Thứ tư là bố trí sân golf gần sông suối, ao hồ lớn để sử dụng nguồn nước tự nhiên cho việc tưới tiêu, tránh sử dụng nguồn nước ngầm. Nước sau khi tưới tiêu phải được thu vào hồ chứa lớn, tránh xả trực tiếp ra các sông ngòi. Cuối cùng, việc tưới tiêu, bón phân và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo về bảo vệ môi trường.

Sân golf BRG Kings Island Golf Resort

Sân golf BRG Kings Island Golf Resort

PV: Ông vừa đề cập đến việc tận dụng yếu tố địa hình bản địa trong phát triển sân golf bền vững. Vậy tại Việt Nam, thiết kế sân golf sẽ có ưu thế như thế nào trong vấn đề này?

Ông Trần Hữu Ủy: Địa hình và khí hậu là 2 yếu tố rất quan trọng trong việc thiết kế sân golf. Địa hình tạo ra cảnh quan và sự thách thức đối với người chơi golf.

Đường ven biển trải dài, nhiều đồi núi là địa hình có thể thiết kế được các đường golf đẹp, hấp dẫn và đầy thách thức mà không phải tốn nhiều công sức bồi đắp hoặc san lấp. Khí hậu và thổ nhưỡng một số vùng ở nước ta cũng có thể trồng được nhiều loại cỏ và cây xanh, tạo cảnh quan đa đạng và tuyệt đẹp cho các sân golf.

PV: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông đánh giá thế nào nếu chúng ta tăng cường liên kết giữa các sân golf trong nước với nhau và với các sân golf trong khu vực để tạo ra các tour du lịch golf chuyên nghiệp?

Ông Trần Hữu Ủy: Hiện nay, một số sân golf trong nước và các sân golf trong khu vực Asean có khoảng cách khá gần nhau, chỉ khoảng 1 giờ bay. Vì vậy đây là một đề xuất rất thú vị với cả người chơi golf và sự phát triển của ngành du lịch.

Đối với người chơi golf, việc tham gia một tour du lịch ngắn ngày nhưng được trải nghiệm trên nhiều sân golf với các loại địa hình đa dạng và sự thách thức khác nhau sẽ rất hấp dẫn. Kết hợp với nghĩ dưỡng, thưởng thức đặc sản văn hóa và ẩm thực của nhiều vùng miền khác nhau cũng thú vị không kém. Đây cũng sẽ là cơ hội để gia tăng thu nhập cho các hoạt động giao thông, du lịch, kinh doanh nhà hàng khách sạn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện đề xuất này, chẳng hạn như vấn nạn ách tắc giao thông, thời gian check-in và quá tải ở các sân bay,… Vì vậy, nếu muốn làm được điều đó thì vẫn còn nhiều bài toán mà chúng ta phải giải được

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại vùng Waikato, New Zealand, một dự án sân golf đã được thiết kế và quy hoạch như một thành phần của vành đai sinh thái vòng quanh thị trấn và các khu dân cư. Không những thế, sân golf - với hệ thống hành lang cách ly cùng đường đi bộ - không những bảo vệ mảng xanh này mà còn liên kết thành một tuyến không gian công cộng “đắt giá”.

Còn tại Ngaruawahia, một thị trấn thuộc vùng Waikato của Đảo Bắc New Zealand, sân golf được đặt trong vành đai xanh phân cách giữa thị trấn lớn này và Horotiu – một thị trấn vệ tinh của thành phố Hamilton, cùng một vùng đất rộng lớn bao gồm nghĩa trang, ruộng đồng, sông suối,… tạo nên “giới hạn xanh” cho phía nam thành phố này.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top