Aa

GS. Phan Văn Trường và chiến thuật "chọc thủng" trời cao

Thứ Năm, 17/05/2018 - 06:01

Với một chiến lược xuất sắc và “đội cảm tử” từ những người “cứng đầu”, GS.Phan Văn Trường đã giúp Alsthom Power giành được hai siêu dự án lớn và đưa Tập đoàn từ vị trí số 6 thế giới lên vị trí số 1 trong 6 năm nhờ nghệ thuật quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng con người Giáo sư (GS) Phan Văn Trường lúc nào cũng đầy nhiệt huyết. Hai giờ đồng hồ trò chuyện về chủ đề “Người sắc bén chọn người sắc bén để đồng hành”, vạt áo ướt đẫm mồ hôi nhưng ông vẫn say xưa truyền đạt lại những kinh nghiệm thực tế về quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng doanh nhân Fbiz cuối tuần qua. 

Biến những nhân viên tầm thường thành anh hùng

Hơn 40 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, từng kinh qua các vị trí quản lý cấp cao của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, tham gia đàm phán các dự án lớn tại hàng chục quốc gia với tổng giá trị các hợp đồng hơn 60 tỷ USD, GS. Phan Văn Trường đưa ra hai câu chuyện trải nghiệm trong cuộc đời ông để minh họa cho câu chuyện bí quyết của nhà quản trị doanh nghiệp tài ba.

Với một chiến lược xuất sắc và “đội cảm tử” từ những người “cứng đầu”, Alsthom Power đã giành được hai dự án lớn được cho là khó thể giành được và đưa Tập đoàn từ vị trí số 6 thế giới lên vị trí số 1 trong 6 năm nhờ văn hóa doanh nghiệp mới.

Alsthom Power (nay đã thuộc về General Electric - GE) là doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Alsthom (Pháp) với 5 công xưởng chính, 2 ở Anh, 3 ở Pháp, cùng 25.000 nhân viên, trong đó có 5.000 kỹ sư và chuyên viên, kinh doanh tại 60 quốc gia. Nhân viên đến từ 30 quốc gia khác nhau, thuộc 8 quốc tịch chính; cấu trúc chồng chéo do lịch sử của các cuộc sáp nhập.

Năm 1986 là năm cực kỳ khó khăn với Alsthom Power khi bình quân mỗi năm chỉ có được một hợp đồng ở Trung Quốc. Thương hiệu Alsthom Power mất dần ảnh hưởng trên thế giới, từ vị trí thứ 3 xuống thứ 6 thế giới (sau Mitsubishi Heavy Industries, Hitachi, Toshiba, Siemens và ABB). Doanh nghiệp đã từ vị trí tiềm năng “sáp nhập mua” sang vị trí “sáp nhập bán”. Quá khó khăn nên Alsthom Power đã hai lần thay đổi CEO nhưng vẫn thất bại. Nhân viên dần mất lòng tin vào công ty.

Chính thời điểm tối tăm đó, GS. Trường nhận nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc (D.CEO) cùng với một Tổng giám đốc mới ở Alsthom Power (trước đó đã có hai CEO của Công ty bị sa thải, bị nhân viên xem thường). Kỹ sư và chuyên viên (tốt nghiệp ngành điện lực) coi thường lãnh đạo, họ tuân thủ mệnh lệnh cấp trên một cách “miễn cưỡng”.

Làm việc trong điều kiện khó khăn như vậy nên hai lãnh đạo đã phải cố gắng hết sức, với mục tiêu đưa Alsthom Power lên vị trí số 1 thị trường. Việc của người lãnh đạo là khai thác tiềm năng của cộng sự để họ tiến bộ. Người lãnh đạo giỏi là người biến nhân viên tầm thường thành những con người phi thường.

Để tạo động lực và niềm tin cho nhân viên, Công ty không áp dụng phương pháp kinh điển “thưởng - phạt” (chủ - tớ) mà tôn vinh lãnh đạo mới. Chủ tịch tập đoàn mẹ chấp nhận nguyên tắc: giám đốc dự án được ký hợp đồng, thay mặt hội đồng quản trị. Công ty thay đổi hoàn toàn văn hóa doanh nghiệp, áp dụng văn hóa “bách chiến bách thắng” tạo sự tự tin.

GS. Trường chia sẻ, dự án năng lượng Epon - Đức/Hà Lan: 9x1.000MW với kinh phí 5 tỷ USD - dự án lớn nhất thế giới vào năm 1990 là một trong số 2 dự án làm nên tên tuổi của GS. Thời điểm đó, dự án năng lượng Epon dù đã được ký nháy với  nhưng bằng sự nhanh nhạy và tài dùng “quân” của mình, GS. Trường đã giành lại dự án cho nước Pháp.

Ông kể lại, trong những công ty nước ngoài lớn thường có một vài nhân vật “cất trong tủ”. Đó là những cá nhân rất tài giỏi nhưng chẳng ai ưa. Và chính ông đã khiêm nhường đến thuyết phục họ tham gia 2 dự án năng lượng Tuxpan và Epon. "Chúng tôi quyết định phóng thích họ và thành lập một đội cảm tử để làm gương: những “moine-soldat” của chúng tôi đây!"

Đội cảm tử khi đó có anh chàng bị liệt nửa người bên trái là người duy nhất biết tiếng Hà Lan (rất cần thiết khi đó), GS.Trường đã động viên, khích lệ anh ta chỉ bằng một câu nói: “Chỉ có anh mới làm được điều này!”. Người cộng sự khuyết tật đã vô cùng xúc động khi nghe GS.Trường nói, anh thốt lên: “Tôi thề là sẽ mang dự án về cho ông!”

Rất dễ biến nhân viên tầm thường trở thành anh hùng của công ty: khi động lực cao, khi khả năng sáng tạo được thôi thúc, thì không gì thoát mắt họ, không vị trí nào mà họ không đạt được. 

Nhờ vào tài thương thuyết, GS.Phan Văn Trường đã mang về 2 dự án lớn tưởng chừng như không còn cơ hội có được về cho nước Pháp. “Với 2 chiến thắng Tuxpan và Epon, chúng tôi đã "chọc thủng" trời cao!”, GS. Trường tự hào.

GS. Trường nhận định: “Nhân tố thành công là làm cho người ta thích hợp tác với mình. Khi quản lý phải tạo động lực cho nhân sự bằng cách dẹp hết tính quan liêu, mối quan hệ chủ - tớ, bình đẳng ân cần coi họ như người nhà thì mới thành công được.”

Phải luôn nhìn ra BIG PICTURE

 

 GS. Phan Văn Trường xem chiến thắng TUXPAN – MEXICO: 2 x 350 MW là chiến thắng vĩ đại đã giải quyết câu hỏi: Làm cách nào để loại từng đối thủ cạnh tranh bằng mọi cách mà không phải là “hạ giá”? Thách thức: chào giá 30% đắt hơn giá “bình thường” & CEO/D.CEO còn quá mới trong ngành!

Còn dự án EPON được GS. Trường gọi là chiến trận thế kỷ. Bởi đây là câu chuyện ít xảy ra trong đời người. Hợp đồng tổng thầu đã được ký nháy giữa KWU và Công Ty Điện Lực EPON, sau 1 năm thương thảo. Kraftwerk Union (KWU) là công ty con của Siemens et Allgemeine Elektricitäts-Gesellschaft, xây dựng hầu hết các nhà máy điện tại Đức, kể cả các nhà máy điện nguyên tử hạt nhân

Điều đáng nói là chưa bao giờ Đức Quốc để cho công ty nước ngoài xây nhà máy điện trên lãnh thổ. Thế nhưng, Alsthom Power đã làm nên kỳ tích với việc lấy được hợp đồng tổng thầu dự án EPON từ tay Siemens.

“Chúng tôi đã chuẩn bị chiến thắng một cách chi tiết và kỹ lưỡng. Các quần thần toàn lãnh đạo cấp trung im lặng trước thành tích quá ấn tượng và quá thuyết phục. Chiến thắng 2 dự án TUXPAN và EPON, họ nghĩ chúng tôi có đũa thần. Thực tế, đũa thần của chúng tôi đơn giản lắm. Đó là phải nhìn ra BIG PICTURE - bản đồ kịch sĩ - những ai chơi trong cuộc chơi này? Nếu nắm được tất cả ai chơi, ai lí luận như thế nào, ai có quyền lợi như thế nào trong vòng chơi thì sẽ thắng cuộc.

Đội cảm tử gồm những kỹ sư bị loại trước đây, tương tác trong đội là chìa khóa của sức mạnh vô ngàn. Sử dụng triệt để “tình báo” và nghiên cứu chi tiết những bước đi. Khi cần quyết định, không lần lữa. Chúng tôi có tinh thần của bạn đồng hành chứ không quan liêu. Trong đội cảm tử không ai nghĩ đến bản thân mà chỉ dốc lòng tin vào đội: giống như giây leo Hi Mã Lạp Sơn. Coi mỗi một cuộc chiến là cuộc chơi vui vẻ!" - GS.Trường đúc kết.

GS. Phan Văn Trường sinh năm 1946. Ông là chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo ba tập đoàn đa quốc gia làm việc trên 60 nước. Ông từng hội kiến với khá đông chính khách và nguyên thủ quốc gia. Hiện ông vẫn giữ vai trò cố vấn Chính phủ Pháp, kiêm giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP.HCM và là thành viên Hội đồng Quản trị tập đoàn Hòa Bình. Ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 2007.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top