Aa

Hà Nội 10 năm mở rộng: Chật hẹp, ngột ngạt trong "chiếc áo" quá rộng?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 04/08/2018 - 06:01

Hà Nội 10 năm sau khi thực hiện mở rộng địa giới đã khoác lên mình "chiếc áo rộng" với hơn 3400km2 và trở thành top 17 các Thủ đô có diện tích lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên sự ách tắc, ngột ngạt, chật hẹp dường như vẫn đang đè nặng lên thành phố này.

Sau 10 năm sáp nhập Hà Tây, một phần Vĩnh Phúc và Hoà Bình về Hà Nội, "trái tim" của cả nước đã có những đóng góp đáng kể, tuy nhiên, vai trò đầu tàu của cả nước như kỳ vọng chưa thực sự rõ nét. Một thập kỷ, nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy. Ngay trong những ngày kỷ niệm tròn 10 năm mở rộng, người dân Chương Mỹ phải sống cảnh ngập chìm trong biển nước và đến tận ngày thứ 12, dù trời đã tạnh và nắng đã soi chiếu, rất nhiều người dân vẫn phải đau đáu với một câu hỏi thường trực "bao giờ nước rút" để họ được trở lại cuộc sống bình thường. Chỉ sau một trận mưa, con đường Nguyễn Trãi - đường huyết mạch nối từ trung tâm Hà Nội về Hà Đông - cũng đối mặt với nhiều đoạn bì bõm nước, ùn tắc nghiêm trọng kéo dài hàng giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân... 

Câu hỏi mà nhiều người dân Thủ đô đang đặt ra là sau một thập kỷ sáp nhập, Hà Nội đã được và mất những gì? Vì sao trong "chiếc áo rộng" ấy, Hà Nội vẫn trở nên lộn xộn, chật hẹp và ùn tắc? Trong tương lai cần có những chiến lược, giải pháp nào để những vùng mở rộng phát triển tương đồng hơn với khu vực trung tâm? Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: TS. Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam; PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. KTS. Ngô Doãn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
 
PV: Hà Nội vừa kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008 - 1/8/2018). Có lẽ đây là thời điểm cần nhìn lại để thấy chặng đường một thập niên qua, đô thị của chúng ta đã thay đổi diện mạo như thế nào sau khi khoác lên mình chiếc áo mới rộng lớn?

TS. Ngô Trung Hải: Tròn 10 năm sáp nhập, vị trí tôi và bạn đang ngồi là khu đô thị Mỹ Đình - giữa ranh giới của tỉnh Hà Tây và Hà Nội trước đây - giờ thành khu đô thị sầm uất, cư dân đến từ rất nhiều nơi bao gồm người dân ngoại thành chuyển vào, người dân nội thành chuyển ra, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Khu vực này đã minh chứng cho quyết định mang tính lịch sử là mở rộng Hà Nội để phát triển bền vững, lâu dài hơn và có đủ các cơ sở hạ tầng, chuẩn bị tư thế cho một thủ đô 10 triệu dân.

Thời điểm này của 10 năm trước, Hà Nội đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đó là thách thức từ việc sáp nhập và cải tổ bộ máy hành chính, thách thức từ việc phải quy hoạch lại với một diện tích rộng lớn rất nhiều lần so với diện tích cũ. Về cơ bản, hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc và có những thống kê cụ thể chứng minh sự phát triển rõ rệt về kinh tế.

Trước sự thay đổi lớn về quy hoạch như điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội, sự tranh luận, băn khoăn về cái đúng – sai, cái được và chưa được là chuyện đương nhiên. Hãy nhìn Singapore để thấy nếu như hơn 60 năm qua họ không quyết tâm thực hiện chiến lược xây dựng chỉ có cao tầng, cao tầng và cao tầng thì làm sao có một Singapore như hiện tại? Vì thế, khi nhìn về quy hoạch của Hà Nội hiện tại, chúng ta đừng nôn nóng để kết luận rằng đó là thành công hay thất bại.

PGS. TS Hoàng Văn Cường: Sau 10 năm nhìn lại, thực sự Hà Nội vẫn chưa tạo ra được điểm nhấn mang tầm Thủ đô, là nơi phải đi đầu trong cả nước. Nếu so với TP. HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bắc Ninh… chưa chắc Hà Nội đã văn minh, hiện đại hơn mà còn mất trật tự, nhếch nhác hơn.

Có lẽ đổi thay rõ rệt mà chúng ta đều thấy là rất nhiều khu đô thị mới được hình thành chứng tỏ các nguồn lực đầu tư vào đây khá nhiều. Tuy nhiên, các khu đô thị này lại đang phát triển rời rạc, hệ thống giao thông phát triển nhưng mở thêm chỗ nào là chỗ đó ách tắc. Dường như khu đô thị mới nào ra đời cũng có vấn đề, nhà ở đẹp, cảnh quan xanh nhưng hạ tầng giao thông, kết nối với y tế, giáo dục, dịch vụ lại thiếu, không đồng bộ, phân tán rời rạc, không đi theo một lộ trình.

Đáng lẽ khi đô thị mới được hình thành sẽ giúp cho đô thị trung tâm giảm áp lực nhưng nghịch lý là càng nhiều khu đô thị được mở ra, sức ép cho nội đô lại tiếp tục tăng lên và phát sinh thêm nhiều bất cập khác. Giữa các khu đô thị mới lại xen kẹt các khu dân cư cũ khiến cho tổng thể trở nên lộn xộn giống như các làng đô thị. Hãy hình dung đô thị mới Hà Nội như một sân đình, chúng ta mang những mảnh chiếu ra trải. Nếu có được bố trí sắp xếp hoa văn chiếu thì sẽ tạo ra bức tranh đẹp. Mặt khác, mỗi người mang đến chiếc chiếu với mâm cỗ khác nhau, xoay đủ kiểu theo hướng của mình thì nó trở thành một mảnh áo chắp vá.

Phát triển đô thị Hà Nội thời gian qua có thể nói là không theo một quy hoạch đồng nhất. Kết quả là không tạo ra những cấp độ phát triển mới nối tiếp nhau. Thậm chí có những khu đô thị mới lúc đầu hình thành rất đẹp nhưng cuối cùng lại hỏng do khu đô thị phát triển sau phá vỡ quy hoạch, chèn ép hạ tầng, phát triển mới lại vô hình băm nát yếu tố đặc trưng, điển hình là đô thị Linh Đàm.

PV: Vâng, như PGS. TS Hoàng Văn Cường vừa nhận định, dường như vấn đề lớn nhất sau 10 năm Hà Nội mở rộng chính là lỗ hổng trong kết nối hạ tầng giao thông. Nhưng rõ ràng trên thực tế, một thập niên qua, Nhà nước đã đầu tư và mở mang rất nhiều về cơ sở hạ tầng, giao thông. Vì sao lại dẫn đến nghịch lý này thưa các chuyên gia?

TS. Ngô Trung Hải: Đúng là Hà Nội đã mở khá nhiều tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh thành, kết nối nội đô. Song trọng điểm hiện nay là làm sao nhanh chóng thực hiện các tuyến metro để kết nối các khu vực đô thị vệ tinh với trung tâm. Hạ tầng giao thông sau 10 năm chưa đạt được như mong muốn. Trong đó, BRT chưa hiệu quả, tuyến tàu điện ngầm chưa có, tàu điện nổi thì chậm trễ bao năm chưa xong. Khi giao thông công cộng của Hà Nội vẫn chủ yếu nằm ở xe bus truyền thống, taxi, sự chất tải lên các tuyến đường vẫn ngày càng gia tăng thì dù có mở thêm bao nhiêu con đường, Hà Nội cũng không bao giờ giải quyết được ùn tắc.

Tôi nghĩ, Hà Nội cũng nên học tập các nước trên thế giới, áp dụng tư nhân hóa phát triển các phương tiện công cộng. Như Tokyo (Nhật Bản) không có tư nhân hóa thực hiện thì sẽ không có các tuyến tàu điện ngầm hiện đại. Paris (Pháp) không có hệ thống tàu điện ngầm thì cũng không có chuyện kết nối các đô thị vệ tinh thành công như hiện nay.

TS. KTS. Ngô Doãn Đức: Hà Nội kỷ niệm 10 năm mở rộng, chúng ta có dịp nhìn lại diện mạo Thủ đô. Việc mở rộng là cần thiết nhưng chúng ta cần nhìn lại những gì chưa được để có thể thay đổi trong giai đoạn tiếp theo. Tôi thấy rất tiếc là những cái chưa được của Hà Nội lại nhiều hơn hơn những thành tựu đã đạt được. Biểu hiện rõ nhất là câu chuyện hạ tầng giao thông, vài ngày qua, sau trận mưa lớn, nhiều con đường hay khu đô thị mới lại ngập chìm trong nước, điều này cho thấy khu vực mở rộng đô thị vẫn còn nhiều bất cập.

Tại sao những con đường, những khu đô thị được xây mới hoàn toàn, đầu tư nhiều tiền của và công nghệ mới hiện đại lại dễ dàng ngập lụt như vậy? hệ thống thoát nước vì sao lại tệ hơn cả những tuyến phố cũ? Phải chăng là bài toán hạ tầng này còn sai sót ở khâu nào đó?

Đặc biệt biệt, chính sách thu hút đầu tư như thời gian vừa qua vẫn là quẩn quanh ở nội đô không chứ không phát triển được vùng ven nên chúng ta thấy rõ sự chênh lệch giữa các vùng. Chúng ta đừng nhìn vào những con số để tự thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, bởi vì sau đó, còn vô số việc phải làm trong tương lai.

PV: Như TS. KTS Ngô Doãn Đức nhận định, sự phát triển của các vùng được mở rộng không đồng đều, cụ thể những nơi được kỳ vọng sẽ là đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Phú Xuyên, Ba Vì thì việc “thay tên đổi họ” dường như không giúp được nơi này thay đổi về số phận?

TS. Ngô Trung Hải: Thực chất khi bắt đầu làm quy hoạch đô thị vệ tinh, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu khoảng 1,5 triệu dân cùng với 3 đô thị sinh thái là dựa trên các thành phố đã có sẵn như Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai. Như vậy, bản thân các đô thị vệ tinh ngay từ đầu đã có người dân ở và đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt về đời sống thì sao lại nói là thất bại?

Việc một số bệnh viện, trường học chưa chuyển ra đô thị vệ tinh là do liên quan đến chính sách chưa thực sự thu hút. Vậy thì bản chất vẫn là do cơ chế còn gặp khó khăn, thủ tục quy định còn đang đợi xem xét thực thi. Đừng vội đánh giá rằng đô thị vệ tinh thất bại. Lấy minh chứng rõ nhất là Hà Nội cũng mới trình quy hoạch đô thị Hòa Lạc, chưa chính thức hoạt động nên vẫn cần xem xét tốc độ phát triển của đô thị Hòa Lạc để điều chỉnh. Chỉ vì vướng một chút ở khu đô thị Tiến Xuân nên chúng ta có cảm giác đô thị vệ tinh "chết" nhưng chúng ta phải xem là công nghệ cao như thế nào, Chính phủ đã đầu tư có hiệu quả ra sao. Ngoài ra, phải xem các dự án về du lịch, đại học quốc gia, các dự án nhà ở đã hình thành để không phủ nhận những mặt tích cực và không ngừng phát triển của khu đô thị vệ tinh này.

PV: Vậy theo các chuyên gia, nhìn về tương lai, chúng ta nên có giải pháp như thế nào để phát triển cân bằng về hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội tại các vùng mở rộng của Thủ đô?

PGS. TS Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, tư duy phát triển tất cả các vùng cùng lúc chưa phải là tốt bởi như thế, chúng ta phân tán nguồn lực. Không nên sốt ruột theo kiểu chỗ này phát triển nhanh thì san sẻ môt ít về cho chỗ chưa phát triển. Trước mắt, chúng ta nên tập trung khai thác trên những nguồn lực có sẵn để phát triển, đồng thời phải có định hình phát triển trong tương lai.

Ví như vùng Ba Vì đang có lợi thế về du lịch, vậy thì nên khai thác và đưa ra mục tiêu trong tương lai để nơi này thành vùng du lịch lớn. Từ đó, hãy đầu tư vào giao thông, hệ thống cảnh quan cây xanh, các khu vực vui chơi giải trí, mới đầu là nhỏ sau đó kết nối thành chuỗi, thành quần thể du lịch lớn. Định hình rõ 10 năm nữa những vùng mở rộng sẽ thể hiện rõ vai trò, thế mạnh gì thì hiện tại và 3 - 5 năm sau phải đầu tư đúng trọng điểm.

Trong tương lai, tôi cho rằng cần phải rà soát lại quy hoạch tổng thể Hà Nội và chiến lược phát triển, đồng thời phải chỉ ra được lộ trình phát triển, kế hoạch đầu tư. Phải xem là trước quy hoạch như thế thì giai đoạn này đầu tư những gì, đầu tư đến đâu và sau một giai đoạn thì hình hài sẽ như thế nào.

TS. Ngô Trung Hải: Theo tôi, khó khăn nhất hiện nay là khu vực Phú Xuyên, trước đây nơi này được kỳ vọng sẽ trở thành một cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế phía Nam của Hà Nội nhưng thực tế hiện nay chưa thực hiện được vai trò này. Tôi nghĩ, với những vùng trũng này cần quy hoạch lại, xem “số phận” mà ta muốn “gán” cho địa phương đó có thực sự phù hợp không, hay cần thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

TS. KTS Ngô Doãn Đức: Tôi cho rằng không nên khuyến khích phát triển các dự án ở nội đô mà nên hướng ra vùng ven. Hãy tôn trọng những quy hoạch đã ban hành, hãy hướng đến các đô thị vệ tinh và quyết liệt hơn để thu hút đầu tư.

Bản chất của câu chuyện nhìn lại 10 năm quy hoạch không phải chỉ để nói về những thành tựu, mà đắt giá nhất là những bài học, những lỗ hổng. Từ đó lên kế hoạch cho giai đoạn sắp tới liên quan đến chính sách, thu hút đầu tư thì các khu vực như Phú Xuyên, Ba Vì mới chuyển mình nhanh được. Đừng đổ lỗi cho các nhà đầu tư, vì họ có cái lý của họ khi quyết định đổ tiền vào đâu. Vấn đề nằm ở những chủ trương, chính sách và quản lý điều phối của Nhà nước đã hợp lý hay chưa.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top