Hà Nội: Chờ đợi một thành phố thông minh

Hà Nội: Chờ đợi một thành phố thông minh

Thứ Ba, 15/10/2019 - 09:00

Viên gạch đầu tiên được đặt xuống có nghĩa rằng… điều tưởng chừng xa vời đang hiện hữu trước mặt.

Dự án Thành phố thông minh do Tập đoàn BRG và Sumimoto kết hợp triển khai và thực hiện. Đây là dự án được đánh giá có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại Hà Nội. Trước đó, thông tin hai tập đoàn lớn tại Việt Nam và Nhật Bản cùng “song kiếm hợp bích” triển khai dự án này đã dấy lên những e ngại, băn khoăn e ngại rằng dự án có thể… chỉ mãi nằm trên giấy. 

Thế nhưng, sự kiện lễ động thổ đã thực sự chính thức diễn ra. Và trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập Đoàn BRG đã tuyên bố chắc nịch: "Liên danh BRG và Tập đoàn Sumitomo cam kết với Thủ tướng hoàn thành tiến độ từng giai đoạn, không làm sai một lời nào luôn!"

Lời tuyên bố của nữ tướng BRG đã tiếp tục khẳng định lại một lần nữa về sự hiện diện của một thành phố tương lai – một thành phố hiện đại chắc chắn sẽ xuất hiện, đáng đợi chờ và đầy hy vọng.

Thành phố thông minh được hiểu nôm na là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 180 thành phố thông minh. Xây dựng và phát triển theo hướng thông minh là sự lựa chọn tình nguyện của mỗi một quốc gia. Thế nhưng, trong thời đại bùng nổ công nghệ số, việc nắm bắt và làm chủ công nghệ, xây dựng thành phố thông minh lại được coi là nhiệm vụ tất yếu, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, với một thành phố năng động như Hà Nội. Bởi vậy, sự tình nguyện ấy còn mang tính bắt buộc.

Thế nên, kể từ năm 2018, “thành phố thông minh” đã trở thành cụm từ nóng được xuất hiện và bàn thảo nhiều tại các diễn đàn, hội thảo. Việt Nam cũng đã xác định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố thông minh là một yêu cầu tất yếu của phát triển. Bởi chân lý luôn đặt ra, không ai có thể chối bỏ và né tránh được sự phát triển của khoa học công nghệ và chỉ có khoa học công nghệ mới là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, ràng buộc.

Cách đây hơn 1 năm, tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025. Cụ thể, đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Thế mới thấy, Chính phủ Việt Nam đã có sự thức thời và tầm nhìn đến thế nào khi đặt đô thị thông minh trở thành “điểm trọng tâm” của sự phát triển.

Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 9/2019 mới đây đã tiếp tục khẳng định rõ ràng một lần nữa về mục tiêu của Việt Nam trong xây dựng đô thị thông minh. Nghị quyết 52 nêu rõ, đến năm 2025, Việt Nam phải có đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hà Nội đã và đang được lựa chọn trở thành nơi thí điểm trong việc xây dựng dự án đô thị thông minh đầu tiên. Phân tích từ giới chuyên gia, Thủ đô Hà Nội là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng đang tạo ra áp lực cho Hà Nội về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm…

Trong không gian đó, một thành phố thông minh buộc phải “khai sinh” để đảm bảo cho các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân. Và ở đó, không đơn thuần là những ngôi nhà bê tông xếp cạnh nhau mà được trang bị ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thế nên, dự án Thành phố thông minh được "đặt những viên gạch đầu tiên" đã khiến người ta có quyền được hy vọng về sự đổi thay hoàn toàn của cuộc sống hiện tại, từ bụi bẩn và chật chội sẽ trở nên văn minh và tiện ích.

Khi thông tin Tập đoàn BRG bắt tay với Tập đoàn Sumimoto triển khai dự án, giới quan sát đã bắt đầu đưa ra viễn tưởng, một thành phố thông minh xuất hiện sẽ tạo nên đổi thay về chất trong quy hoạch.

Thông tin mà Tập đoàn BRG đưa ra, Thành phố thông minh được xây dựng với quy mô lên tới 272ha, thuộc các xã: Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Bối của huyện Đông Anh. Đây là dự án có vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD và trải qua 5 giai đoạn. 

Dự án này sẽ có 6 tính năng thông minh: năng lượng thông minh (tích hợp năng lượng toà nhà với trung tâm, năng lượng tái tạo); giao thông thông minh (phương tiện, hệ thống giao thông công cộng hiện đại); quản trị thông minh; học tập thông minh; kinh tế thông minh (trung tâm tài chính, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt); đời sống thông minh.

Nói về thiết kế của dự án được mong chờ nhất trong thời gian vừa qua, vị chủ tịch của BRG nhấn mạnh nhiều lần rằng: “Chúng tôi coi trọng giá trị kế thừa, lâu dài”.

Theo đó, ý tưởng của Công ty Tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông) đưa ra, Thành phố thông minh sẽ tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội dựa trên ý tưởng chính là "Rồng đón ngọc" với xương sống là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây.

Điểm nhấn của dự án là tòa tháp tài chính 108 tầng nằm ngay cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân. Đây sẽ là tòa tháp cao nhất nước Việt Nam và Đông Nam Á, vượt xa tòa nhà Landmark 72 (350m) và Landmark 81 (461,2m). Dự kiến Tòa tháp Tài chính sẽ trở thành biểu tượng của một Thủ đô hiện đại bậc nhất.

Kiến trúc của thành phố thông minh được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch…

Dự án cũng dự kiến triển khai hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, kết nối khu vực thành phố thông minh với trung tâm Hà Nội bằng hệ thống đường giao thông đô thị và tàu điện.

Đồng thời, dự án sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân.

Dự án cũng sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của TP. Hà Nội.

Với việc sở hữu 6 tính năng thông minh, Thành phố thông minh sẽ tập trung tất cả những tinh hoa công nghệ được áp dụng tại khu đô thị hiện đại nhất Nhật Bản hiện nay. Sẽ có một thành phố ở Việt Nam sử dụng năng lượng mặt trời, xe buýt tự hành, các thiết bị và ứng dụng thông minh nhằm bảo tồn và tiết kiệm năng lượng, hệ thống điều hòa không khí tổng thích hợp với khí hậu ẩm ướt của Hà Nội... Thành phố cũng có nhà máy nước sạch tiêu chuẩn cao, các tuyến tàu điện ngầm tiện ích phục vụ cuộc sống văn minh hiện đại và đặc biệt ấn tượng là môi trường xanh với hàng nghìn cây hoa anh đào được trồng và chăm sóc khắp nơi.

Quả là một nơi đáng sống thực sự!

Đến năm 2028, tức chỉ 10 năm nữa thôi, Thành phố thông minh sẽ chính thức đi vào thực tế.

Nói chẳng ngoa khi cho rằng đây là dự án sở hữu nhiều cái nhất tại Việt Nam: dự án có vốn đầu tư kết hợp với nước ngoài lớn nhất, dự án tích hợp những tiện ích tính năng thông minh nhất, dự án sẽ tạo ra biểu tượng với tòa tháp cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á…

Nhưng hơn tất cả, người ta kỳ vọng và đặt niềm tin về một hình mẫu đi đầu của cả nước về một thành phố thực sự mang lại cuộc sống mới. Tất yếu đầu tiên chính là một đô thị có thể hóa giải áp lực của sự quá tải về mặt hạ tầng và quy hoạch.

Thiết thực với người dân đó là một cuộc sống khác, mà ở đó, họ cảm nhận được sự bình an, tiện ích và đủ đầy trong một căn nhà và không gian sống với ứng dụng thông minh hàng đầu thế giới.

Viễn tưởng từng cho rằng đô thị thông minh chỉ có trên thế giới đã dần bị xóa bỏ khi dự án Thành phố thông minh được vẽ lên chi tiết, rõ ràng, đầy đủ về một chốn an cư lạc nghiệp thực thụ.

Sự kết hợp của tinh hoa Nhật Bản và Việt Nam cùng với vị trí đắc địa, nơi kết nối trung tâm Hà Nội và sân bay Nội Bài, dự án Thành phố thông minh sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là nơi hình thành các trung tâm tài chính bậc cao và trung tâm công nghệ.

Nói về dự án này, với âm giọng đầy hứng khởi, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, khi hoàn thành, Thành phố thông minh sẽ tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Còn trên góc độ quản lý, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, với việc triển khai Thành phố thông minh, Hà Nội sẽ có điều kiện tiếp nhận các kinh nghiệm trong phát triển đô thị thông minh, bền vững; các công nghệ, kỹ thuật trong xây dựng, quản lý hiện đại cũng như ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội từ các nhà đầu tư.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho rằng, dự án Thành phố thông minh đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh việc xây dựng và phát triển thông minh các khu đô thị đã trở thành xu hướng toàn cầu.

Sự chờ đợi và kỳ vọng của người dân về một cuộc sống mới sẽ không còn xa xôi. Giấc mơ hóa thành hiện thực đang ở một thì tương lai gần.

Người ta càng trọn niềm tin hơn khi dự án là cái bắt tay giữa những tập đoàn tên tuổi của Việt Nam và Nhật Bản. Và nhất là khi, vị lãnh đạo của Tập đoàn BRG vẫn được nhắc đến trên thương trường bởi tâm huyết tạo ra giá trị sống mới, thiết lập ra sản phẩm đẳng cấp và có chất lượng quốc tế. Hơn hết, BRG cũng được xếp vào danh sách tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam khi sở hữu bảng dài những công trình đẹp nổi tiếng, trở thành điểm đến vàng ở Việt Nam như Sheraton Grand Đà Nẵng Resort, cụm sân gôn 54 hố Kings Islands gồm các sân Lakeside, Mountain View và Kings Course, sân gôn Legend Hill…

Thế nên, chẳng có gì mà người ta lại từ bỏ đi quyền hy vọng, niềm tin về một thành phố thông minh hiện hữu trong tương lai.

Và sớm thôi, phía bên kia cầu Nhật Tân lấp lánh ánh đèn, một đô thị thông minh sẽ dần hiện hữu; mang ước mơ về cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy của mỗi con người; mang niềm kiêu hãnh về một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, hiện đại; mang khát khao về một Việt Nam bứt phá.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top