Aa

Hà Nội chưa nhận lại đất vàng trụ sở: Sao lạ thế?

Thứ Sáu, 28/07/2017 - 01:00

Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi được một mét đất nào từ trụ sở các bộ ngành cũ là do quy hoạch không rõ ràng

Quy hoạch có vấn đề

Chỉ rõ nguyên nhân vì sao tới nay Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi được một mét đất nào từ trụ sở các bộ ngành cũ đã chuyển đi, ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói thẳng "quy hoạch có vấn đề".

TS Liêm cho biết, việc chậm trễ trả lại trụ sở cũ của các bộ ngành có nhiều nguyên nhân. Trong số đó, có những bộ ngành thật sự gặp khó khăn về nơi làm việc, tuy nhiên, cũng không ít đơn vị cố tình chây ì, không muốn trả, thậm chí còn có ý định hóa giá đất vàng trụ sở để kiếm lợi.

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm không chỉ thuộc về các bộ, ngành mà còn là vấn đề quản lý của nhiều cơ quan khác nhau.

Trụ sở mới của Bộ TN-MT đã đi vào hoạt động nhưng Bộ này vẫn giữ trụ sở cũ ở Nguyễn Chí Thanh

Trụ sở mới của Bộ TN-MT đã đi vào hoạt động nhưng Bộ này vẫn giữ trụ sở cũ ở Nguyễn Chí Thanh

Hà Nội với vai trò quản lý địa phương đã không có được chương trình, kế hoạch, sự chỉ đạo nào cụ thể. Thậm chí trong quá trình giải quyết còn đang nể nang, sợ làm căng thì khó ăn nói với các Bộ, ngành nên mới để xảy ra tình trạng trên.

"Chúng ta ai cũng biết, mục đích chính của việc di dời các trụ sở ra khỏi nội thành là để giãn mật độ dân số, giảm tải cho hạ tầng giao thông thành phố. Nhưng thực tế thì sao? Trụ sở cứ chuyển đi là nhà cao tầng lại mọc lên. Một cơ quan chuyển đi lại có hàng trăm căn hộ cao tầng với sức chứa tới vài trăm người được duyệt. Như vậy di dời để làm gì? Mục đích hoàn toàn không rõ ràng, không kiên quyết.

Tiếp đến là vấn đề tinh giảm biên chế, cứ nói giảm biên chế nhưng bộ máy nhà nước lại ngày một phình to.

Do bộ máy nhân sự quá lớn, các đơn vị trực thuộc nhiều, nơi làm việc mới chỉ đáp ứng được một phần, trong khi còn rất nhiều bộ phận khác vẫn cần có trụ sở. Vì vậy mới có tình trạng nhôi nhai, bộ, ngành chuyển đi nhưng vẫn không trả lại trụ sở cũ.

Đến cả vấn đề quy hoạch cũng có vấn đề lớn. Hà Nội yêu cầu di chuyển trụ sở các cơ quan, bộ ngành nhưng lại không có sự tính toán cụ thể với trụ sở mới thế nào, đất trụ sở cụ sẽ sử dụng ra sao? Khi cấp đất để họ chuyển sang trụ sở mới xây dựng lại không có trách nhiệm thu hồi trụ sở cũ, không có cam kết cụ thể, nên không xử lý được.

Ai cũng thấy trụ sở mới của Bộ Công an xây dựng rất to lớn, hoành tráng nhưng vẫn phải sử dụng trụ sở cũ, vì sao thế?

Lại có chuyện cấp đất xây trụ sở cho sơ quan mới nhưng không tính tới cuộc sống, ăn ở, đi lại của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cán bộ, viên chức của cơ quan đó sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Mục tiêu chống ùn tắc có đạt được không?", ông Liêm đặt câu hỏi.

Theo ông Liêm, sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch, quản lý là nguyên nhân dẫn tới sự tùy tiện trong sử dụng, ai muốn thế nào cũng được.

Phải minh bạch

Bàn về giải pháp để giúp Hà Nội có thể thu hồi được trụ sở cũ, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Chính phủ nên giao cho Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội phối hợp xử lý.

"Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong công tác phê duyệt quy hoạch, mục đích sử dụng cho phù hợp.

Trên cơ sở làm việc với các Bộ, Bộ Xây dựng sẽ tính toán nhu cầu của từng Bộ, rồi lập chương trình, phối hợp với TP Hà Nội về các địa điểm đất đai, hạ tầng để lên kế hoạch di dời cũng như sử dụng đất cũ cho phù hợp quy hoạch.

Ở đây lại là việc rất minh bạch, công khai, sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng để lợi ích chi phối rồi "ai cũng cần, ai cũng không muốn trả".

Việc này đã xảy ra nhiều khiến dư luận rất nghi ngại, thậm chí mất lòng tin. Như chuyện lấy lý do chuyển trụ sở, trường học, bệnh viện để giảm ùn tác giao thông cho thành phố, tuy nhiên, lấy lại trụ sở cũ nhưng lại bán cho doanh nghiệp BĐS, rồi lại mọc lên các công trình mới.

Trước thì còn râm ran chuyện một số bộ ngành có ý định muốn bán đất trụ sở để lấy tiền xây trụ sở mới, ví dụ như Bộ GTVT. Tuy nhiên, ý định trên đã gặp sự phản ứng gay gắt từ dư luận.

Dư luận phản ứng không đơn thuần chỉ là chuyện bán đất, ở đây còn là vấn đề gìn giữ một tác phẩm kiến trúc, một công trình di sản từ thời Pháp thuộc có giá trị văn hóa rất lớn. Phá đi công trình này là phá đi cả một di sản văn hóa. Vì vậy, ý định trên đã không thực hiện được. Nhưng bây giờ tôi còn nghe nói họ đã bán cả Đại học Ytế Cộng đồng rồi... Nếu đúng vậy thì họ định làm công trình gì ở vị trí đó? Có nhà cao tầng mọc lên không?... Sao lạ thế?

Vấn đề là từ phía Hà Nội, cũng không thể chỉ thực hiện mỗi chức năng cấp đất để xây trụ sở mà cần phải xem xét, đánh giá việc cấp đất xây trụ sở mới đó dựa trên nhu cầu thực tế. Không thể có chuyện xin là cấp còn trả hay không thì tùy được", ông Liêm nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top