Aa

Hà Nội có công khai dự án bất động sản ‘cắm’ ngân hàng?

Thứ Tư, 27/07/2016 - 14:17

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở này để xác định xem dự án đó nếu mua thì có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hay không.

Việc Sở Tài nguyên Môi trường công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản. Không chỉ băn khoăn, lo lắng, có nhiều người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Động thái công bố này được thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 2043/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30/5/2016 và Công văn số 6018/VP-ĐTMT ngày 27/6/2016 của Văn phòng UBND TP.HCM, về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đã có văn bản giải thích rõ hơn đến cơ quan chức năng và người tiêu dùng về vấn đề này.

Theo HoREA, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Lĩnh vựckinh doanh bất động sản cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.

Đây là lần đầu tiên 1 địa phương công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng.

Đây là lần đầu tiên 1 địa phương công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng.

Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng.

“Đa số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động đúng mục đích; nhưng cá biệt, cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây ra nợ xấu gây thiệt hại cho khách hàng và làm cho người tiêu dùng mất lòng tin.

Đối với ngân hàng nhận thế chấp, đa số đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có chi nhánh ngân hàng buông lỏng quản lý, thậm chí dễ dãi, dẫn đến chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay” - văn bản của HoREA, cho biết.

HoREA cho rằng, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

Điều này đã được quy định tại khoản 1 điều 147 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể: "Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý. Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở".

Từ những vấn đề trên, Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết địnhmua nhà.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng, thực hiện giải chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, với riêng Hà Nội hiện nay Sở hoàn toàn chủ động và kiểm soát được vấn đề này.

Hà Nội có công khai dự án bất động sản ‘cắm’ ngân hàng? Ảnh minh họa.

“Đối với người mua nhà chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo nên tìm hiểu đối với các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua. Như khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở Tài nguyên môi trường để hỏi nếu tôi mua thì tôi có được cấp giấy chứng nhận hay không. Đây là quyền của người dân và Sở Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này” – ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng khẳng định: “Việc chủ đầu tư thế chấp vay vốn là chuyện bình thường. Việc này được kiểm soát chặt để người dân mua nhà đối với các dự án đủ điều kiện là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không có chuyện người dân mua nhà ở các dự án thế chấp bị ảnh hưởng quyền cấp giấy. Chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Dứt khoát là như vậy”.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, từ 25/7, đoàn thanh tra liên ngành sẽ tổ chức thanh tra các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Căn cứ kết quả thanh tra, đoàn sẽ đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top