Aa

Hà Nội: Có vội vàng khi trồng phong lá đỏ?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 16/01/2018 - 06:01

Hà Nội vừa trồng hàng trăm cây phong lá đỏ trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng. Xoay quanh câu chuyện này, nhiều chuyên gia đang đặt ra câu hỏi liệu loài cây ưa khí hậu lạnh có chịu được sự oi nóng của Hà Nội? Liệu đây có phải là một “thí nghiệm” về cây trồng mới cho các tuyến phố của Thủ đô?

Bắt đầu từ đêm 11/1, hơn 100 cây phong lá đỏ đã được trồng tại tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là một loại cây tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa thu ở nhiều nước như Nhật Bản, Canada… Được biết, các cây phong có chiều cao khoảng 7m, đường kính thân khoảng 25cm, có rất nhiều cành nhánh.

Vốn dĩ, ý tưởng trồng cây phong lá đỏ không mới. Cách đây không lâu, khi UBND TP. Hà Nội giao Sở GTVT chỉnh trang, xén bớt dải phân cách để mở rộng lòng đường Nguyễn Chí Thanh nhằm giảm ùn tắc giao thông trên toàn tuyến; giải phân cách sau khi chỉnh sửa sẽ được trồng mới cây xanh nhiều tầng, trong đó, tầng cao là phong lá đỏ; tầng trung là đại hoa đỏ; tầng thấp trồng dâm bụt, tường vi kèm một số loại cây mảng như chuỗi ngọc, lài, mẫu đơn, bạch trinh thay vì cau cảnh như hiện nay.

Lúc đưa ra ý tưởng trồng phong lá đỏ chưa có ai lên tiếng cho đến khi cây được đưa vào trồng thì sự quan tâm lo lắng mới bắt đầu. Đặc biệt, mới đây, tại hội thảo về cây xanh, hồ nước sáng 13/1, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, với sự phát triển của ngành công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng khí hậu lạnh có thể trồng được ở Việt Nam.

Cây phong

Hàng trăm cây phong lá đỏ đã được trồng trên tuyến phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh (Nguồn ảnh: Trí thức trẻ)

Theo ông Chung nhận định: "Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ, và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu". Chủ tịch Hà Nội cho rằng, khí hậu Việt Nam rất thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu những giống cây, hoa mới trên thế giới. Thành phố đang phối hợp với một doanh nghiệp xây dựng vườn ươm giống cây, hoa để đáp ứng nhu cầu của thành phố cũng như xuất khẩu.

Xoay quanh câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trao đổi nhanh với GS.TS. Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, người từng dự nhiều hội thảo về cây trồng trên thế giới, lại là người nghiên cứu nhiều về các giống cây trồng ở Việt Nam. Ông Khả cho rằng, cây trồng trong đô thị đẹp nhất là cây của nước nào nước đó trồng như Úc trồng keo, Nga trồng bạch dương, đều phù hợp với khí hậu bản địa.

Ở Việt Nam, cây bản địa lâu nay trồng rất nhiều, có thể kể đến như bằng lăng, lộc vừng, lim xẹt, cây sấu. Bên cạnh đó, tất cả các cây rừng đều có thể trồng được, không cần quá phân biệt các loại cây, chỉ cần đó là cây đẹp thì trồng. Như vậy, cớ gì chúng ta phải chạy theo trồng những cây vốn dĩ chỉ thân thuộc với khí hậu của nước khác?

Trình bày quan điểm của mình, GS. TS. Lê Đình Khả cho hay: “Cho đến nay, ở Hà Nội mới chỉ lác đác đếm trên đầu ngón tay may ra mới tìm được cây phong lá đỏ còn trồng đại trà thì chưa hề có một tuyến phố nào trồng thử nghiệm. Cây phong lá đỏ là cây ưa lạnh không chịu được nóng, nếu trồng ở Sa Pa, Đà Lạt có lẽ hợp hơn là trồng ở Hà Nội bởi thời tiết Hà Nội vào mùa hè là cực nóng. Đến lúc đó chúng ta phải mất thêm nguồn nhân lực chăm sóc cho loại cây này. Thậm chí, nếu cây chết sẽ mất công trồng vào cây mới.

Theo tôi, đáng lẽ Hà Nội không đưa vào trồng ngay như vậy, chúng ta đã có những bài học về phượng tím mãi vẫn chưa thấy ra hoa vì “còn đang chờ hợp khí hậu”, hay câu chuyện về vàng tâm... Đáng lẽ nên trồng thử nghiệm vài cây cho đến khi thực sự có kết quả mới đưa ra các tuyến phố để tránh lãng phí cũng như gây tranh cãi. Bên cạnh đó, đối với những tuyến đường mới thì nên chọn cây bản địa của chúng ta, vì cây có khả năng thích nghi cao, chứ không nên trồng cây ngoại lai. Những cây bản địa thay thế cũng dễ dàng tìm được ở nhiều địa phương trong nước”.

GS. TS Lê Đình Khả (Ảnh: Hồng Vũ)

GS. TS. Lê Đình Khả (Ảnh: Hồng Vũ)

Từ lâu nay TP. Hà Nội cứ luôn loay hoay việc nên chọn trồng cây gì trên đường phố mà quên mất rằng, việc chọn cây gì thực ra không hề khó. Với cây đô thị, khi chọn cây xác định tiêu chí nào là quan trọng nhất? Thứ nhất, cây có lá xanh quanh năm. Thứ hai, hình dạng đẹp, hoa đẹp. Thứ ba, ít bị đỗ gãy. Thứ tư, không thải ra khí độc hại.

“Đến giờ thỉnh thoảng vẫn thấy Hà Nội đưa ý tưởng chọn cây gỗ quý để trồng làm cây bóng mát, điều đó không cần thiết trên nhiều tuyến đường. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa cây lấy gỗ và cây bóng mát ở đô thị vì chúng có tính chất hoàn toàn khác nhau. Trong công viên có thể chọn cây rụng lá theo mùa. Ở trường học, công viên, có thể chọn những cây tán rộng, có hoa đẹp để đảm bảo mỹ quan. Nhưng ở cao tốc như trên Đại lộ Thăng Long chẳng hạn không thể chọn cây tán rộng vì sẽ che khuất tầm nhìn”, GS. TS. Lê Đình Khả chia sẻ.  

Về ý kiến có nên trồng phong lá đỏ trên dải phân cách không vì tán cây khá rộng, theo ông Khả thì dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được xác định xén gọn lại, hơn nữa, dải phân cách trong thành phố cũng khác với trên quốc lộ nên việc trồng cây gì cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, nếu xác định trồng cây phong lá đỏ ở các giải phân cách thì lưu ý khi trồng chọn cây đều và trồng với mật độ vừa phải, cũng nên thường xuyên xén gọt nếu tán cây quá rộng để không làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top