Aa

Hà Nội: Công khai gần 100 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng

Thứ Ba, 25/09/2018 - 20:33

Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã công bố danh sách gần 100 các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai. Đáng chú ý, trong danh sách này, nhiều “ông lớn” trong làng bất động sản có những dự án đang chuẩn bị bàn giao nhà.

Văn bản thông báo của văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

Văn bản thông báo của văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

Thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến ngày 23/8/2018, có 92 dự án do chủ đầu tư đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, danh sách này có sự “góp mặt” của những chủ đầu tư có “tên tuổi” trong làng bất động sản tại Hà Nội hiện nay.

Điển hình là Công ty CP Sông Đà 1.01 và Công ty CP Ecoland cũng thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam).

Công ty CP đầu tư Hải Phát thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình hỗn hợp cao tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Một chủ đầu tư “mới nổi” là Công ty CP xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam cũng đã thế chấp quyền sử đụng đất tại lô CHC1 khu D6,9, dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ.

Gây bất ngờ là dự án Pandora, số 53, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân - tác phẩm đầu tay của Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình (có “dớp” trầy trượt nhiều năm vì chậm tiến độ) cũng đang trong tình trạng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora.

Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam cũng thế chấp quyền sử dụng đất TT14 đến TT20, TT23, TT26, TT41, TT42, CC4, CC6 dự án KDDTM C2 phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai.

Ngoài ra, một số dự án đang được chú ý như chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh do Công ty CP Vận tải và dịch vụ thương mại Hà Nội là chủ đầu tư; dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco do Công ty CP Tập đoàn Tecco làm chủ đầu tư; dự án The Garden Hill tại số 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư... cũng đang được thế chấp tại ngân hàng.

Trước đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng từng công bố các dự án bất động sản tại Hà Nội và một số TP lớn đang được thế chấp tại công ty này.

Tại Hà Nội, tài sản được thế chấp tại VAMC là quyền sử dụng và sở hữu toàn bộ diện tích tại tầng 2 chung cư E1 toà nhà Chelsea Park Khu đô thị Yên Hoà, Cầu Giấy, diện tích sở hữu riêng có mục đích sử dụng không phải là nhà ở như văn phòng, dịch vụ công cộng…

VAMC cũng đang nhận thế chấp toàn bộ công trình xây dựng thuộc dự án tòa nhà hỗn hợp Công trình thương mại dịch vụ và nhà ở Skyview Trần Thái Tông tại Lô C, ô đất D4 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội với diện tích đất 306.56 m2.

Ngoài ra, toàn bộ các căn hộ chưa ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng thuộc tòa nhà CT 104, thuộc khu CT1, dự án Usilk City, khu đô thị Văn Khê mở rộng do Công ty Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; 18 căn hộ hình thành trong tương lai của tòa CT4-108, dự án Usilk City khu đô thị mới Văn Khê, diện tích mỗi căn 151,28m2; tài sản gắn liền với đất hành thành trong tương lai (bao gồm 1,2,3) tòa 101,102,103 cụm CT1 thuộc dự án Usilk City cũng đang thế chấp tại VAMC...

Liên quan đến việc thế chấp dự án tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, theo khoản 1, điều 147 của Luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đã được cầm cố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top