Aa

Hà Nội: Cư dân “tố” chủ đầu tư dự án CT3 – Trung Văn “chiếm dụng” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì

Thứ Năm, 06/04/2017 - 15:01

Mới đây, Ban quản trị (BQT) đơn nguyên 1&3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng “chây ì” bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

Chung cư CT3 gồm 3 đơn nguyên; trong đó, đơn nguyên 1&3 cao 19 tầng, được đưa vào sử dụng từ năm 2012. 

Chung cư CT3 Trung Văn

Chung cư CT3 thuộc KĐT mới Trung Văn.

“Chiếm dụng” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì?

BQT đơn nguyên 1&3 chung cư CT3 Trung Văn đã được thành lập đúng theo quy định của pháp luật và được UBND quận Nam Từ Liêm công nhận ngày 24/11/2015. Tuy nhiên, tới nay, phía chủ đầu tư vẫn không thực hiện việc bàn giao phí bảo trì cho BQT.

Theo thông tin từ đại diện BQT đơn nguyên 1&3 thì 2% phí bảo trì được trích ra từ tiền mua bán căn hộ ở các dự án là không nhỏ. Ước tính chưa đầy đủ, phí bảo trì mà CĐT thu của các hộ dân đến tháng 3/2017 là hơn 6 tỷ đồng. 

Nhiều hạng mục của chung cư CT3 đang trong quá trình xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều hạng mục của chung cư CT3 đang trong quá trình xuống cấp nghiêm trọng.  

Với mức tiền gửi là 6 tỷ đồng, áp dụng trên biểu lãi suất thời điểm này tại Vietcombank ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm thì mỗi tháng sẽ cho lãi gần 33 triệu đồng; ở kỳ hạn 1 tháng là 4,3%/tháng, sẽ cho lãi hơn 21 triệu đồng.

Hiện nay, việc chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho BQT để khắc phục tình trạng xuống cấp đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới người dân.  

Bức xúc trước việc “chây ì” của chủ đầu tư, cộng đồng cư dân nơi đây đã khiếu nại vấn đề này đến các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương các cấp để có biện pháp, chế tài đối với Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng. Thế nhưng, sự việc vẫn dừng lại ở các phản hồi văn bản, chưa có chế tài và xử lý.

Trong khi đó, nhiều hạng mục của tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân đơn nguyên 1&3 tòa nhà CT3 này.

Phớt lờ chỉ đạo

Theo bà Phạm Thị Xuân, Trưởng BQT đơn nguyên 1 cho biết: “Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng đã trì hoãn bàn giao số tiền đáng lý ra người dân phải được hưởng từ lâu để sử dụng vào những việc công ích như duy trì, bảo dưỡng thang máy và các hạng mục công cộng khác. Thời gian qua, người dân phải đóng góp để sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục của chung cư”.

Hệ thống PCCC đang

Hệ thống PCCC không còn đảm bảo an toàn.  

Cũng theo bà Xuân, liên quan tới việc chủ đầu tư “chây ì” quỹ bảo trì, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Điển hình như ngày 29/7/2016, UBND TP. Hà Nội đã có công văn gửi Sở Xây dựng xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 30/9/2016, Sở Xây dựng đã có Công văn số 8654 yêu cầu Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng bàn giao kinh phí bảo trì 2%, phần diện tích chung tại toà nhà cho BQT. 

Mặc dù công trình đã được đưa vào sử dụng đã được 5 năm nhưng nhiều hạng mục trong tầng sảnh vẫn còn ngổn ngang, mất mỹ quan.

Mặc dù công trình đã được đưa vào sử dụng đã được 5 năm nhưng nhiều hạng mục trong tầng sảnh vẫn còn ngổn ngang, mất mỹ quan.

Tiếp đó, ngày 14/10/2016, UBND quận Nam Từ Liêm cũng có Công văn số 1773 tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các nội dung mà Sở Xây dựng chỉ đạo.

Các văn bản yêu cầu là vậy, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn cố tình không bàn giao phí bảo trì khiến BQT khó hoạt động vì thiếu kinh phí, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các cư dân ở đơn nguyên 1&3. Cũng chính vì lý do đó, cư dân 2 đơn nguyên trên đã thống nhất khởi kiện chủ đầu tư ra toà đòi công lý. 

Phiếu nhận đơn kiện của BQT đơn nguyên 1&3 tòa nhà CT3 Trung Văn.

Phiếu nhận đơn khởi kiện đòi phí bảo trì của BQT đơn nguyên 1&3 tòa nhà CT3 Trung Văn.  

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Tuấn Hưng – Văn phòng Luật sư BQH cho biết: “Công ty CP XD số 1 Sông Hồng “găm” hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì là  vi phạm pháp luật. Việc chủ đầu tư không trả phí bảo trì, rõ ràng có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn từ phía các chủ đầu tư, cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Điều 109 Luật Nhà ở quy định: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Nhà ở này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ”.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 20 Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD cũng quy định về quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư: Đối với kinh phí bảo trì quy định tại khoản 1 Điều 19 của Quy chế này, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho BQT khi BQT được bầu ra.

Bên cạnh việc “chây ì” trong trả lại phí bảo trì, đơn vị còn nợ thuế của Nhà nước với số tiền lên tới 14,575 tỷ đồng.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top