Aa

Hà Nội: Đua nhau “trồng nhà” trái phép trên đất nông nghiệp

Thứ Sáu, 26/10/2018 - 21:40

Tìm đến con ngõ 207 và 271 Bùi Xương Trạch, không khó để bắt gặp cảnh tượng nhiều khu đất được quây tôn kín mít nằm xen kẽ những ngôi nhà cao tầng kiên cố. Theo tìm hiểu của PV, khu đất này vốn là đất nông nghiệp nhưng từ nhiều năm nay, nhà cửa đã liên tục "mọc" lên, ban đầu là những căn nhà tạm cho đến bây giờ đã được xây thành nhà cao tầng kiên cố.

Tuy nhiên, do nhà xây trên đất nông nghiệp nên chủ nhà chưa được pháp luật công nhận quyền sở hữu. Đến khi cư dân hình thành đông đúc thì phường Khương Đình tạo thành các tổ dân phố 13,14 và 15.

Nhà xây trái phép "mọc" như nấm sau mưa

Không rõ từ khi nào và có sự thống nhất trước hay không nhưng rất đông cư dân sống trong 2 con ngõ 207 và 271 Bùi Xương Trạch lâu nay đã trở nên chuyên nghiệp không khác gì môi giới bất động sản thực thụ. Họ nắm trong tay đầy đủ thông tin giá cả, nhu cầu bán của mỗi căn nhà, khu đất. Bất cứ ai có nhu cầu, chỉ cần ghé một quán nước ven đường trong con ngõ hỏi mua nhà, đất đều có thể được hướng dẫn nhiệt tình.

Một số người dân ở đây cho biết, nguồn cung nhà ở quanh khu này luôn có sẵn. Đi dọc 2 con ngõ, PV có thể thấy vô số những thông báo bán nhà với số điện thoại cụ thể của chủ nhà được dán khắp nơi. Chỉ 2 con ngõ thôi mà nhộn nhịp không kém một sàn giao dịch bất động sản.

Giấy ráo bán nhà được dán ở khắp nơi

Giấy ráo bán nhà được dán ở khắp nơi

Vào vai người đang cần mua nhà, PV tìm được một người phụ nữ tên Thắm làm nghề "cò" đất tại khu vực này. Thấy có người hỏi mua nhà, bà Thắm vui mừng, vội vàng lấy chiếc xe đạp cũ dẫn PV đi xem nhà. Với mức giá được đề xuất khoảng dưới 1,5 tỷ đồng, PV được giới thiệu 2 căn nhà nằm tại 2 con hẻm thuộc tổ dân phố số 13. Căn thứ nhất có diện tích 30m2 với 1 tầng trệt và 1 gác xép, giá 1 tỷ đồng. Căn thứ hai có diện tích 35m2 với 3 tầng và 1 tum, giá 1,4 tỷ đồng. Như vậy, giá bán nhà ở đây dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2, mức có thể coi là không quá cao so với giá đất trong nội thành. 

ăn nhà 30m2 có vẻ ngoài khá cũ, đã được xây dựng từ lâu

Căn nhà rộng 30m2, nhìn bên ngoài có vẻ đã được xây dựng từ lâu

Căn nhà 35m2 với giá giao dịch là 1,4 tỷ đồng.

Căn nhà rộng 35m2 với giá giao dịch là 1,4 tỷ đồng.

Khi PV hỏi về vấn đề sở hữu thì bà Thắm cho biết, cả 2 căn đều chưa có sổ đỏ. Người phụ nữ này cho biết thêm, hầu hết nhà cửa trong khu vực này đều như vậy. “Cứ yên tâm, ở đây nhà nào cũng không có sổ đỏ. Tôi ở đây 20 năm rồi có sao đâu. Xung quanh đây có cả nhà của cán bộ cơ mà”, bà Thắm thật thà chia sẻ.

Theo lời kể của bà Thắm, gia đình bà đã chuyển từ Hưng Yên về đây sinh sống gần 20 năm, từ khi nơi đây chỉ toàn là đồng ruộng. Thời điểm đó, giá đất trong khu vực chỉ rơi vào tầm 17 triệu đồng/m2. Dần dần, do sự phát triển của kinh tế, người đến mua đất làm nhà tăng lên nên giá cũng theo đó mà đội cao dần, từ 25 tới 35 triệu đồng/m2. 

Được biết, theo quyết định số 96/2014 - QĐ/UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP. Hà Nội, giá đất ở VT1 phố Bùi Xương Trạch, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân được quy định là 21 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp trồng lúa nước tại quận Thanh Xuân cũng được quy định là 252 nghìn đồng/m2. Như vậy, giá tiền mua bán đất thực tế tại đây hiện đã vượt xa so với giá niêm yết.

Khi PV đề cập đến nhu cầu mua đất nền, bà Thắm cho biết giá khu đất nằm ở cuối ngõ 207 chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng bà cũng tiết lộ, khu đất này đang bị cưỡng chế giải tỏa toàn bộ các công trình nên nếu mua cũng không thể xây dựng được.

Phần đất nông nghiệp hiếm hoi cuối ngõ 207 vẫn đang được canh tác

Phần đất nông nghiệp hiếm hoi cuối ngõ 207 vẫn đang được canh tác

Làm luật không khó

Như PV đề cập ở trên, sở dĩ việc giá nhà ở đây rẻ hơn nhiều khu vực trung tâm khác là bởi, nhà bị xây trái phép nên chưa có sổ đỏ. Bà Thắm cho biết, nếu muốn sở hữu một căn nhà có diện tích tương đương mà có sổ đỏ, chắc chắn giá phải cao gấp 2, 3 lần. Bà Thắm không ngại bật mí: “Nếu muốn làm sổ đỏ thì tôi chỉ chỗ cho mà làm. Làm thì làm được nhưng mà có tiền làm hay không. Tôi có tiền tôi cũng không làm bởi vì ở đây lâu rồi có sao đâu”. Người phụ nữ này tiết lộ thêm, giá làm sổ đỏ dao động trên dưới 10 triệu đồng/m2. Bà lấy ví dụ, nếu làm sổ đỏ cho căn nhà hơn 30m2 thì mất khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, còn có một cách khác "nhanh" và "ít thủ tục" hơn là "chạy" sổ đỏ. Tức là người mua có nhu cầu sẽ được chỉ tận tay cách để “làm luật”. Nhưng đa số người sống ở đây lâu thì không làm thế vì họ cảm thấy "không vấn đề gì".

Riêng nhà bà Thắm, ngoài căn nhà kiên cố không có sổ đỏ thì gia đình bà còn sở hữu một khu đất tạm đang được quây tôn để sản xuất than tổ ong. “Chỗ này mai, kia người ta đến cưỡng chế giải tỏa vì nghe đâu, đây là đất thuộc dự án. Người ta dỡ thì tôi lại kéo tôn xuống”, Chỉ vào lán tạm, bà Thắm nói như thể đã quá quen với việc "nay dựng mai dỡ", nên dù đất sắp bị cưỡng chế, họ vẫn rất bình tĩnh và không có động thái chuẩn bị nào.

Trước tình trạng vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình, hồi tháng 5/2016, ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội. Trong đó chỉ rõ, từ đầu năm đến tháng 5/2016, đã chỉ đạo phá dỡ nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Khương Đình. Trong trường hợp phát sinh vi phạm, quận Thanh Xuân sẽ xử lý nghiêm cán bộ, tập thể có liên quan. Mới đây, ngày 5/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản giao Chánh Thanh tra TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại phường Khương Đình, báo cáo Thành uỷ, UBND TP. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, tình trạng này vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu thay đổi.

Trao đổi với PV Reatimes về tình trạng mua bán nhà trái phép đang diễn ra rầm rộ tại 2 con ngõ nói trên, ông Vũ Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Khương Đình, cho biết: "Đối với trường hợp mua bán nhà xây dựng trái phép thì chúng tôi không nắm được con số cụ thể vì những đối tượng này cũng không thông qua chính quyền. Hơn nữa phường cũng đã cho đi kiểm tra, một số đối tượng 'cò mồi' không phải người dân thuộc địa bàn phường, các đối tượng đấy không có đất và cũng không có nhà thuộc địa bàn phường. Các đối tượng này đã được mời lên phường làm việc, có xác nhận của cơ quan công an. Hình thức xử lý đang chờ báo cáo của Quận."

Khi được hỏi về việc người dân xây nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, ông Trung cho rằng, diện tích đất nông nghiệp tại phường rất lớn, đã giao cho xã viên quản lý từ những năm 1989, trường hợp phát sinh về vi phạm trật tự xây dựng thì xuất hiện từ khi chưa thành lập phường. Như vậy, theo vị chủ tịch phường Khương Đình, các sai phạm là do lịch sử để lại và ông không nói thêm về những sai phạm ở thời điểm hiện tại.

"Từ đầu năm đến nay, phường đã và đang ra quân rất nhiều lần để xử lý triệt để, đến bây giờ phường đã xây dựng 15 kế hoạch, trong thời gian tới sẽ tăng cường trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng pháp luật", ông Trung trả lời khi được hỏi trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong vấn đề quản lý đất trong khu vực. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top