Aa

Hà Nội: Loạt dự án cũ “hồi sinh”, khuấy đảo thị trường BĐS khu vực ngoại thành

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 05/07/2020 - 06:00

Nhiều dự án ôm đất vàng “ngủ quên” từ hơn chục năm về trước đã được thức tỉnh bởi các quyết định chủ trương đầu tư mới, góp phần lấp đầy khoảng trống nguồn cung và mang đến tín hiệu sáng cho thị trường bất động sản Thủ đô.

Cuối năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác rơi vào giai đoạn trầm lắng và đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu do nguồn cung khan hiếm, các dự án bị tắc nghẽn do không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Bước sang năm 2020, thị trường lại rơi vào khó chồng khó, khi những diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 đã tác động không nhỏ đến tình hình đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, sàn giao dịch.

Trong bối cảnh đó, TP. Hà Nội đã có những động thái tiên phong phục hồi kinh tế sau dịch, tổ chức xúc tiến đầu tư với phương châm “hợp tác đầu tư và phát triển”, trao quyết định chủ trương đầu tư cho hàng trăm dự án lớn nhỏ, trong đó có những siêu dự án bất động sản có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Nhiều siêu dự án cũ tại các huyện ngoại thành: Hoài Đức, Mê Linh, Đông Anh… cũng được tái khởi động.

Cụ thể, tại Hoài Đức, Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch của Tổng công ty CP Thương mại xây dựng (WTO) được trao quyết định đầu tư với vốn đầu tư là 41.248 tỷ đồng.

Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch nằm tại ví trí chiến lược của Hoài Đức với tuyến đường vành đai 3,5 nối từ cao tốc Thăng Long với quốc lộ 32 chạy qua; phía Bắc giáp quốc lộ 32, một phần phía Đông giáp đường vành đai 4 trục Ba Vì – Hồ Tây và chỉ cách tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội 500m. 

Dự án được triển khai từ năm 2008, từng được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội, tuy nhiên đã bị bỏ hoang nhiều năm. Do vậy, dự án sau khi tái khởi động được đánh giá có vai trò quyết định thay đổi diện mạo huyện Hoài Đức, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị lên quận trong tương lai gần.

Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án có quy mô khoảng 23.500 dân với đầy đủ các loại hình biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư cao tầng. Đi kèm với đó là các tiện ích đa dạng như trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, khu tắm khoáng onsen chuẩn Nhật… đảm bảo đáp ứng tối ưu cho cuộc sống hiện đại và cân bằng của những cư dân tương lai.

Một dự án khác tại Hoài Đức từng giậm chân tại chỗ và bỏ hoang hơn 10 năm nay cũng được tái khởi động lại là Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony nằm trên địa bàn các xã Vân Canh, xã An Khánh do Công ty CP Đầu tư An Lạc đầu tư với vốn đầu tư 8.830 tỷ đồng (tên cũ là dự án khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh, xã Vân Canh, xã An Khánh).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng trao quyết định đầu tư cho Dự án Khu đô thị An Khánh - An Thượng do Công ty CP tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư với vốn đầu tư 1.845,7 tỷ đồng.

Tại huyện Mai Linh –“thủ phủ” của các siêu dự án trên giấy, nhiều dự án đã được hồi sinh như Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại các xã Thanh Lâm, Đại Thịnh do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD đầu tư với vốn đầu tư là 4.473 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh tại huyện Mê Linh do Công ty TNHH C.E.O quốc tế đầu tư với vốn đầu tư là 2.168 tỷ đồng được trao quyết định đầu tư cũng hứa hẹn đem lại làn gió mới cho thị trường bất động sản khu vực này.

Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 hoang hóa nhiều năm.

Tại huyện Đan Phượng, Hà Nội trao quyết định cho dự án Khu đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập do Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh đầu tư với vốn đầu tư là 2.032 tỷ đồng.

Tại huyện Đông Anh, Dự án Khu đô thị mới Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội, do Công ty CP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam làm chủ đầu tư với vốn đầu tư là 34.879 tỷ đồng cũng đã được Hà Nội trao quyết định đầu tư. Đây là một trong những dự án vốn lớn nhất vừa được Hà Nội trao quyết định đầu tư. 

10 năm trở lại đây, các cửa ngõ Hà Nội đều lâm cảnh hoang tàn bởi hàng loạt các dự án đắp chiếu, bỏ hoang, trở thành “nghĩa địa” chôn vốn của không ít nhà đầu tư, đầu cơ với cả trăm dự án dở dang. Hiện các chủ đầu tư đang tỏ ra khá sung sức và sẵn sàng nhập cuộc trở lại.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, các nhà đầu tư cũng đang có xu hướng đầu tư lại tại các dự án cũ. Bởi quỹ đất tại Hà Nội đang ngày càng khan hiếm, giá bán tại các dự án này được cho là hợp lý, rẻ hơn tới một nửa so với các dự án mới ra hàng. Nhiều chủ đầu tư đang tái khởi động lại các dự án, xây dựng hạ tầng tiện ích, hoàn chỉnh các khu đô thị.

Trục đường 32, thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Nội, vốn nổi tiếng với hàng loạt các dự án được xây dựng cách đây cả chục năm trước, nhưng do thiếu hạ tầng, nhiều khu mới lác đác người đến ở. Tuy nhiên gần đây, các dự án này có dấu hiệu được chú ý trở lại.

Đơn cử như tại khu biệt thự Vườn Cam Vinapol (Hoài Đức) hay khu đô thị mới Lideco, vốn là những “tử huyệt” chôn tiền tỷ của nhà đầu tư khoảng chục năm trước khi mỗi mét vuông đất nền ở các dự án này (cuối 2010) có giá 42 triệu đồng. Sau nhiều năm bị quên lãng trên thị trường, chủ đầu tư đang rục rịch hoàn thiện hạ tầng dự án và rao bán trở lại. Mức giá hiện nay được các nhà đầu tư thứ cấp rao bán vào khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2 và đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư xuống tiền.

Khu đô thị Lideco (Hoài Đức) đang hồi sinh. Ảnh: Thu Hà

“Nếu mua nhà tại dự án bất động sản cũ, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về mặt pháp lý bởi đã có sổ đỏ. Cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đều đã hoàn thiện xong. Thêm nữa, tiền xây thô cũng được tính ở mức thấp hơn so với dự án mới. Do vậy, lượng khách mua tăng mạnh so với mấy năm trước đây” – một nhân viên môi giới cho hay.

Sự quay trở lại của các dự án cũ sẽ góp thêm nguồn cung cho thị trường, trong bối cảnh quỹ đất eo hẹp. Quan trọng hơn là hàng loạt các dự án được hồi sinh sẽ xóa sổ các khu đô thị bị bỏ hoang, vốn đã gây mất mỹ quan và lãng phí nhiều năm qua. Đây được xem là một thành tích rất ấn tượng, là dấu ấn của thành phố Hà Nội trong công tác thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã trao quyết định đầu tư cho nhiều dự án bất động sản tại các quận nội thành, tạo nguồn cung mới cho thị trường nhà ở thời gian tới.

Dưới đây là một số dự án đáng chú ý: 

- Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây do tập đoàn Daewoo E&C đầu tư với vốn đầu tư là 30.811 tỷ đồng.

- Dự án Khu chung cư Quốc tế Booyoung (quận Hà Đông) do Công ty TNHH MTV Booyoung Việt Nam đầu tư với vốn đầu tư là 7.371 tỷ đồng.

- Dự án Tòa nhà Vilitas Tower tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy (đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) do Công ty CP Thương mại và dịch vụ cuộc sống Việt đầu tư với vốn đầu tư là 383,9 tỷ đồng.

- Dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng tại ô đất TT6-2 thuộc QHCT Khu chức năng đô thị Tây Tựu, tỷ lệ 1/500 phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) do Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân La đầu tư với vốn đầu tư là 259,2 tỷ đồng.

- Dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng tại ô đất TT6-1 thuộc QHCT Khu chức năng đô thị Tây Tựu, tỷ lệ 1/500 (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) do Công ty CP quản lý tài sản sông Nhuệ đầu tư với vốn đầu tư là 209,6 tỷ đồng.

- Dự án Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên do Công ty CP đầu tư Long Biên đầu tư với vốn đầu tư là 750 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở tại 268 Trung Kính do Công ty CP Devyt đầu tư với vốn đầu tư là 119,9 tỷ đồng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top