Aa

Hà Nội sắp có 4 huyện lên quận: Đừng vội đón đầu mà ôm trái đắng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 08/12/2019 - 06:00

Thông tin các huyện được đề xuất nâng cấp đơn vị hành chính thành quận sẽ kích thích thị trường, các sản phẩm bất động sản có sự gia tăng mạnh về giá. Nhưng liệu đây đã là thời điểm vàng để nhà đầu tư xuống tiền?

Hà Nội sẽ có thêm 5 quận từ 5 huyện ngoại thành, trong đó huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ thành quận vào năm 2025. Thông tin này được dự báo sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản các khu vực này. Bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án bất động sản lớn.

Riêng tại Hoài Đức, đề xuất còn được xem là cứu cánh cho nhiều dự án bất động sản đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai. Khu vực Đông Anh trước đó cũng sốt đất liên tục. Như vậy, nhà đầu tư có nên đón đầu cơn sốt mà rót vốn? Và liệu thời điểm này có quá sớm?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội để lắng nghe những nhận định về tác động của phê duyệt này đến thị trường bất động sản các huyện.

PV: Với thông tin các huyện được phê duyệt trở thành quận, theo bà đây là tin đáng mừng hay đáng lo cho thị trường bất động sản tại các địa phương này? Đặc biệt là trước đó có nhiều thông tin dự báo giá đất những khu vực này sẽ “sốt”?

Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Trước hết, đây là một tin đáng mừng cho thị trường bất động sản của các huyện. Với đề xuất đầu tư xây dựng này, từng huyện sẽ có định hướng phát triển và nâng tiêu chuẩn để phù hợp với mức độ đô thị hóa cao hơn của tên gọi cấp hành chính mới.

Ví như theo đề xuất, huyện Đông Anh và Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. 

Mặt khác các huyện Thanh Trì, Gia Lâm được định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ. Những động thái đầu tư xây dựng này chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ đô thị hóa của các huyện, phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản khu vực.

Cơ sở hạ tầng, giao thông Long Biên có nhiều thay đổi (Ảnh minh hoạ)

Minh chứng cho tác động này là các huyện đi trước như Từ Liêm, Long Biên. Quá trình đầu tư xây dựng 2 huyện này lên quận đã tạo nên những dấu ấn rõ rệt đối với thị trường bất động sản tại những địa bàn này.

Tuy vậy, đối với việc các huyện sắp lên quận, cũng cần lưu ý rằng, quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày một ngày hai mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025. Vì vậy, giá bất động sản những khu vực này có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình. Những hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời. Đó cũng là kinh nghiệm các nhà đầu tư có được từ các thị trường đi trước.

Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học; đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm. Bởi có những trải nghiệm như vậy của các nhà đầu tư nên tôi cho rằng trước thông tin này, thị trường bất động sản tại các huyện không cần quá lo.

PV: Trước đó tin Đông Anh sẽ lên quận, thị trường này đã ghi nhận tình trạng sốt đất lên xuống trong thời gian qua. Theo bà, kịch bản sốt đất có lặp lại tại các quận tương lai?

Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Tôi cho rằng mỗi khu vực có thể sẽ có mức tăng giá khác nhau, tùy thuộc vào mức độ đầu tư, thời điểm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiện ích. Tuy vậy, có thể nói nếu thị trường ghi nhận tình trạng tăng giá quá nhanh thì đây là tình trạng sốt đất ảo.

Như đã phân tích, cần lưu ý là lộ trình các huyện này lên quận sẽ diễn ra từ nay đến năm 2025. Sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản; và để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành…

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội

Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Vì vậy, các hiện tưởng thổi giá hay tạo sốt đất ảo nếu có xảy ra, theo thời gian sẽ được thị trường điều chỉnh để phản ánh giá trị thực.

Đông Anh cũng chính là minh chứng cho điều này. Trước thông tin Đông Anh lên quận, các đợt sốt đất xuất hiện nhưng cũng đã lắng xuống sau đó. Đã có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường bất động sản khu vực này nhưng không có được lợi nhuận như kỳ vọng do thị trường suy giảm. Đây là bài học cho các thị trường khác, các nhà đầu tư đang muốn đầu tư lướt sóng cần xem xét rủi ro thanh khoản của bất động sản tại những khu vực này.

PV: Bà có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư đang cân nhắc đầu tư vào các thị trường này?

Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Các huyện sẽ lên quận nhìn chung đều là các thị trường mới. Trong bối cảnh đô thị hoá, đây chính là các thị trường có dư địa để phát triển và để bất động sản tăng giá, nhiều hơn là các thị trường đã ổn định.

Nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình. An toàn hơn là nên có tầm nhìn từ trung đến dài hạn, nhưng cũng cần có một mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý. Mức lợi nhuận trung bình hằng năm có thể không quá lớn, nhưng nếu mức này cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng để phản ánh mức rủi ro cao hơn của hoạt động đầu tư bất động sản tại các huyện này thì đây vẫn có thể là một khoản đầu tư hợp lý.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top