Aa

Hà Nội thông qua nghị quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo PCCC

Thứ Tư, 05/07/2017 - 02:01

Sáng nay (4/7), với 94/94 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 100%, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Theo đó, Nghị quyết sẽ được áp dụng với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người trên địa bàn thành phố.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này được đưa vào sử dụng tại thời điểm trước ngày 4/10/2001.

Theo nghị quyết, phương án xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PC&CC năm 2001 có hiệu lực, gồm: cơ sở đã đưa vào hoạt động nhưng có điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ công năng sử dụng phải kiểm tra sự phù hợp với thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng (nếu có) và thực hiện việc thiết kế điều chỉnh, bổ sung hệ thống PCCC, hệ thống kỹ thuật khác có liên quan để thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ.

Tòa C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở. Ảnh: Trần Kháng.

Tòa C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở. Ảnh: Trần Kháng.

Giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều cao thông thủy, tải trọng của đường giao thông, kích thước bãi đỗ cho xe chữa cháy tiếp cận, hoạt động phù hợp với từng loại hình cơ sở theo quy định tại Mục 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2010/TT-BXD ngày 28/7/2010 của Bộ Xây dựng (QCVN 06:2010/BXD).

Khoảng cách an toàn về PCCC: Phải đảm bảo yêu cầu về khoảng cách PCCC theo quy định tại Phụ lục E QCVN 06:2010/BXD.

Bên cạnh đó, các cơ sở cũng phải đáp ứng các quy định về bậc chịu lửa, lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, trang thiết bị phương tiện PCCC và hệ thống có liên quan về PCCC. Trường hợp cho phép giảm bớt một số yêu cầu theo quy định đối với từng công trình cụ thể khi có luận chứng gửi cơ quan có thẩm quyền nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế theo quy định tại Mục 1.1.7 QCVN 06:2010/BXD.

Phương án xử lý cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người được quy định, chủ cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển khi không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Trong thời gian chờ di chuyển yêu cầu cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan về PCCC, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn về PCCC.

Chỉ được phép hoạt động khi đã tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC.

Theo kết quả công tác điều tra cơ bản tính đến thời điểm 15/5/2017, trên địa bàn Thành phố hiện có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Từ năm 2011 đến nay, Cảnh sát PCCC Thành phố đã tổ chức kiểm tra, phúc tra 152.664 lượt cơ sở; phát hiện và yêu cầu cơ sở khắc phục 486.609 tồn tại, thiếu sót về PCCC; xử lý vi phạm 19.879 lượt tổ chức, cá nhân; tổng số tiền phạt 31.218.270.000 đồng.

Từ năm 2011 đến năm 2016, trên địa bàn Thành phố xảy ra 6.254 vụ cháy, nổ các loại. Trong đó: có 76 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng; 995 vụ cháy trung bình; 2.588 vụ cháy nhỏ và 2.595 vụ cháy do sự cố trên hệ thống lưới điện, cháy bãi rác, phế liệu...; làm 74 người chết, 140 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 588 tỷ đồng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top