Aa

Hà Nội: "Tồn kho" gần 200 dự án chậm tiến độ

Thứ Sáu, 18/05/2018 - 06:00

Kết quả các buổi giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy có gần 200 dự án bị chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân: chậm GPMB, chậm giao đất, CĐT không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án...

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Mê Linh có tổng số 62 dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai. Khó khăn vướng mắc của các dự án này là chủ đầu tư chưa thực hiện điều chỉnh xong quy hoạch theo quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chính xác vị trí khu đất thương phẩm phải thu hồi, nên chưa có cơ sở lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi và giao đất, lập phương án sử dụng đất thương phẩm.

Ngoài ra, các tuyến đường quy hoạch đến nay chưa triển khai thực hiện nên một số dự án không có đường giao thông kết nối với hạ tầng, gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong triển khai dự án.

Trước những khó khăn vướng mắc, huyện Mê Linh kiến nghị Thành phố có chỉ đạo, tháo gỡ cho địa phương đối với một số dự án đã được UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, đã xong GPMB, chủ đầu tư thực hiện triển khai thi công nhưng nhân dân ngăn cản không cho thi công do chưa cấp đất dịch vụ như: Khu biệt thự nhà vườn Nhung Nga, Khu nhà ở Minh Đức, Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và, Khu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Đồng thời, huyện cũng đề nghị thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục đầu tư, hoàn thiện đối với dự án không phải điều chỉnh quy hoạch và các dự án đã được UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, đã đầu tư xong phần hạ tầng như: Khu nhà ở Hà Phong, Khu đô thị Cienco 5, Khu đô thị Long Việt và một số dự án đã đầu tư một phần hạ tầng nhưng triển khai đầu tư còn chậm như: Khu đô thị AIC, Khu đô thị An Phát, Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Khu biệt thự nhà nghỉ Nam Sơn.

Xếp thứ hai trong “danh sách đen”, báo cáo của UBND huyện Hoài Đức cho biết trên địa bàn huyện vẫn còn các đơn vị sử dụng đất kém hiệu quả, cho thuê lại đất sai quy định, không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Một số chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc thiếu năng lực tài chính, có dự án thay đổi nhiều lần chủ đầu tư, chưa xác định rõ cơ chế tài chính để thực hiện dự án; dự án phải thay đổi quy mô, điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, chậm đưa đất vào sử dụng… Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện có 52 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó 19 dự án đã có quyết định thu hồi đất, còn 33 dự án chưa có quyết định thu hồi đất.

Xếp thứ ba trong danh sách là quận Nam Từ Liêm, toàn quận có 48 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, có 17 dự án chưa giao đất, do chậm giải phóng mặt bằng, hoặc chủ đầu tư thiếu năng lực và người dân không đồng thuận thực hiện dự án; 18 dự án đã giao đất, nhưng vướng do điều chỉnh quy hoạch, hoặc chủ đầu tư không triển khai theo tiến độ. Đáng lưu ý, có 34 dự án được Thường trực, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố giám sát năm 2012 - 2015 đã có kiến nghị thanh kiểm tra làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý theo quy định, nhưng đến nay vẫn chậm.

Tại huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, hiện trên địa bàn huyện phần lớn các tổ chức đang sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành tốt việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Tuy nhiên, một số tổ chức không thực hiện đúng mục đích như được giao, có sự biến động nhưng không cập nhật thay đổi biến động, có một số dự án chậm tiến độ đưa vào thực hiện.

Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 là một trong những dự án chậm tiến độ

Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 là một trong những dự án chậm tiến độ

Trong đó, có 5 dự án chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch dự án dẫn đến chậm triển khai, đó là các dự án: Xây dựng Nhà máy sản xuất Carton tại xã Cam Thượng do Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng làm chủ đầu tư, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn tại xã Cam Thượng do Công ty CP bê tông Vạn Trường Thành làm chủ đầu tư, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô và máy nông nghiệp tại xã Cam Thượng do Công ty CP Cơ điện Hà Giang làm chủ đầu tư, Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên tại xã Cẩm Lĩnh do Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Tản Viên làm chủ đầu tư và Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng tại xã Phú Sơn, xã Thái Hòa do Công ty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh làm chủ đầu tư.

Trên địa bàn quận Thanh Xuân, ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận cho biết: tính đến hết năm 2017, trên địa bàn quận có 19 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó, có 2 dự án chưa hoàn thành công tác GPMB, 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án, 6 dự án có vướng mắc do nguyên nhân khác.

Ngoài ra, thực hiện kiến nghị của HĐND TP tại báo cáo giám sát số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 4 dự án chậm triển khai, hiện nay, 2 dự án đã khắc phục và triển khai thực hiện, 1 dự án vi phạm pháp luật đất đai hiện Sở Tài nguyên và Môi trương đang thanh tra.

Đối với những kiến nghị của HĐND TP tại báo cáo số 10/BC-HĐND, ngày 05/5/2015, trên địa bàn quận có 15 dự án nợ tiền sử dụng đất, đến nay, 12 dự án đã thực hiện xong hoặc đang triển khai xây dựng, 3 dự án chậm triển khai, trong đó, 8 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, khó khăn vướng mắc là do công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chưa được thực hiện đồng bộ từ thành phố đến quận và phường. Sự phối hợp của một số chủ đầu tư thực hiện dự án khi UBND quận tổ chức kiểm tra không cao, một số chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế không có điều kiện tiếp tục triển khai dự án…

Cũng nằm trong danh sách khu vực có dự án chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn quận có 7 dự án đã giao đất nhưng chậm triển khai; 4 dự án tồn đọng chưa giải quyết theo kiến nghị của HĐND thành phố khóa XIV tại Báo cáo giám sát số 53/BC-HĐND năm 2012.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, nguyên nhân các dự án này bị chậm triển khai là do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng; thay đổi người đại diện; chuyển nhượng dự án; đầu tư không đúng tiến độ được giao và nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, do chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có thay đổi, một số người dân không chấp hành quyết định thu hồi đất, hoặc thỏa thuận nhiều lần không thành, ảnh hưởng chung đến dự án. Ngoài ra, hồ sơ quản lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách không đầy đủ, nên quận khó phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tại buổi giám sát, các thành viên cho rằng, quận Hà Đông tổng hợp chưa đầy đủ dự án chậm triển khai so với báo cáo của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Bên cạnh đó, quận cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị để xảy ra việc chậm trễ và đề xuất giải pháp xử lý trong thời gian tới. Vì thế, yêu cầu quận có biểu tổng hợp cụ thể từng dự án theo các nhóm vấn đề, chú trọng vào các dự án trên các khu đô thị mới, dự án chậm triển khai 10 năm. Theo Cục Thuế Hà Nội, toàn quận Hà Đông có 6 dự án chậm triển khai nợ 101,4 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top