Aa

Hạ tầng giao thông: Bệ phóng cho BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết – Mũi Né

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Bảy, 01/07/2017 - 06:01

Nếu trước đây, điểm yếu của Phan Thiết – Mũi Né là sự kết nối giao thông còn hạn chế, dẫn đến thời gian di chuyển kéo dài thì trong tương lai gần, câu chuyện phát triển hạ tầng kết nối sẽ làm cho địa điểm này tăng thêm sức hấp dẫn, đặc biệt là trong mắt các chủ đầu tư dự án second-home. Cạnh tranh trực tiếp với Bà Rịa - Vùng Tàu, "vượt mặt" Nha Trang về khoảng cách với TP.HCM.

Được nhận định là vị trí có nhiều tiềm năng, tạo thế cân bằng cho khu vực BĐS nghỉ dưỡng phía Nam, Phan Thiết – Mũi Né đã và đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư.

Dù so với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... du lịch Bình Thuận nói chung, Phan Thiết – Mũi Né nói riêng còn khá non trẻ. Tuy nhiên, với những tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm của địa phương... ngành du lịch nơi đây liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với đó là thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng ngày càng khởi sắc.

Năm 2016, đã có hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch đến với Bình Thuận, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó có khoảng 500.000 lượt khách quốc tế); doanh thu từ ngành du lịch đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015.

Được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, Phan Thiết - Mũi Né là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách

Được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, Phan Thiết - Mũi Né là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách

Tuy nhiên, những con số này vẫn được cho là chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Tổng cục Du lịch đánh giá, Phan Thiết – Mũi Né là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, có cơ hội thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa, nhất là khách quốc tế; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa đối với các vùng lân cận.

Mới đây, thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Bình Thuận cho hay, hiện mỗi tháng, tỉnh này đón khoảng 380.000 – 400.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 50.000 lượt và Phan Thiết – Mũi Né chính là địa điểm chiếm phần lớn lượng du khách này. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ, lượng du khách đến Mũi Né tăng đột biến, dẫn đến thực trạng công suất phòng từ các resort đến nhà nghỉ, phòng trọ đều không đủ đáp ứng. Theo đó, giá cho thuê phòng đã tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba bình thường, nhưng vẫn không đủ phòng đáp ứng nhu cầu du khách. 

Hạ tầng giao thông nâng tầm thị trường BĐS nghỉ dưỡng  

Sức cầu lớn về du lịch đã kéo theo làn sóng đầu từ địa ốc với sức nóng ngày càng gia tăng. Hầu hết các đại gia BĐS đã nhập cuộc vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng nơi này. Trong đó chủ yếu đều hướng đến phân khúc second-home, nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng đẳng cấp của một bộ phận khách hàng không nhỏ trong nước và quốc tế. 

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, cho rằng, Phan Thiết – Mũi Né được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi biển đẹp và sạch nên luôn tạo sự thích thú cho du khách cả trong và ngoài nước. 

“Trước đây, điểm yếu của Phan Thiết – Mũi Né là sự kết nối giao thông còn hạn chế, dẫn đến thời gian di chuyển kéo dài. Tuy nhiên thời gian gần đây, câu chuyện phát triển hạ tầng kết nối đã làm cho Phan Thiết tăng thêm sức hấp dẫn”, bà Dương Thùy Dung đánh giá. 

Các dự án second-home là lựa chọn nghỉ dưỡng và đầu tư lý tưởng

Các dự án second-home tại Phan Thiết - Mũi Né là lựa chọn nghỉ dưỡng và đầu tư lý tưởng                  (ảnh minh họa)

Quả thực, trong vài năm trở lại đây, hạ tầng kết nối Phan Thiết – Mũi Né đã có sự đột phá vượt bậc. 

Dự án Sân bay Phan Thiết có tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thiện năm 2018 sẽ giúp Bình Thuận đạt được mục tiêu đưa Phan Thiết trở nên gần gũi hơn không chỉ với du khách trong nước mà còn là điểm đến thường xuyên của du khách quốc tế trong tương lai gần. Dự kiến lên tới 7,3 triệu lượt khách vào năm 2020.

Không chỉ vậy, Quốc lộ 1A được nâng cấp mở rộng từ Nha Trang đi Phan Thiết hoàn tất từ giữa năm 2015 hay Quốc lộ 28 nối Phan Thiết và Đà Lạt mới hoàn thành… là những yếu tố quan trọng giúp du khách thuận lợi đi đến Bình Thuận.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Phan Thiết - Mũi Né - Nha Trang khởi công trong năm 2017 sẽ đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của tứ giác vàng du lịch TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang.

Sẽ bứt phá nhờ kết nối lưu thông toàn tuyến TP.HCM – Phan Thiết  

Đặc biệt, việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây qua Quốc lộ 1A sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bình Thuận. 

Nếu như ở thời điểm năm 2015 trở về trước, cần khoảng 6 giờ để di chuyển bằng ô tô từ TP.HCM đến Phan Thiết, đặc biệt mắc vào 2 tuyến kẹt xe thường xuyên là Ngã 3 Vũng Tàu và Ngã 3 Dầu Giây; thì từ năm 2015 trở đi, sau khi tuyến cao tốc TP.HCM – Dầu Giây hoàn thành, thời gian này đã rút ngắn xuống còn 3,5 – 3 giờ do Quốc lộ 1A được mở rộng và “xử lý” được 2 điểm kẹt xe kể trên. 

Trong tương lai, khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào sử dụng, giúp thông suốt tuyến đường TP.HCM – Phan thiết, thời gian di chuyển giữa 2 địa điểm này sẽ chỉ còn 2,5 – 2 giờ. Khi đó, Phan Thiết – Mũi Né sẽ là điểm đến du lịch biển thứ 2 gần TP.HCM và là điểm đến cạnh tranh trực tiếp với Vũng Tàu, “vượt mặt” Nha Trang về khoảng cách. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được xem là một trong những dự án “đình đám” nhất mà Bộ Giao thông – Vận tải lên kế hoạch triển khai. Đại diện Ban Quản lý dự án 1 (PMU1) cho biết, dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có tổng chiều dài trên 100km (tuyến chính dài 98,7km và tuyến nối với quốc lộ 1 là 2,58km). Dự án được tách thành 2 hợp phần. 

Hợp phần 1 dài 36km từ Dầu Giây đến huyện Xuân Lộc được đầu tư bằng vốn vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) với kinh phí hơn 6,2 ngàn tỷ đồng.

Hợp phần 2 có chiều dài 62km từ huyện Xuân Lộc đến Phan Thiết đang được Bộ Giao thông -Vận tải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP (công - tư kết hợp). Cả hai hợp phần đều được lên kế hoạch triển khai trong năm 2017.

 Nhận định về tầm quan trọng của dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, chuyên gia cho rằng: Với người dân TP.HCM nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung, lâu nay khi nói đến biển, người ta chọn Vũng Tàu vì lý do đơn giản, Vũng Tàu đi gần hơn Phan Thiết. Tuy nhiên, một khi hạ tầng kết nối Phan Thiết được đưa vào sử dụng đồng bộ, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, sẽ rút ngắn quãng thời gian di chuyển từ TP.HCM đến thành phố biển này, mỗi lần đi nghỉ dưỡng chắc chắn người ta sẽ nghĩ đến Mũi Né.

Chính vì vậy, việc tuyến cao tốc sớm đi vào khởi công và hoàn thành sẽ là bệ phóng hoàn hảo cho thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng Phan Thiết – Mũi Né. Giới phân tích dự kiến, sau khi tuyến cao tốc TP.HCM – Phan Thiết đi vào sử dụng, lượng du khách đến với thành phố biển Nam Trung Bộ này sẽ tăng gấp 5 lần hiện tại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top