Aa

Hạ tầng giao thông còn yếu kém, lạc hậu, là "điểm nghẽn" của quá trình phát triển

Thứ Năm, 05/09/2019 - 06:30

Đó là phát biểu của ông Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) tại Hội thảo "Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng" tổ chức tại Hà Nội sáng 4/9.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Hồ Quang Lợi nhận định, ngoài nguồn lực của Nhà nước đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.

Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hóa, mở rộng. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, được coi là "điểm nghẽn" của quá trình phát triển.

Ông Hồ Quang Lợi chủ trì cuộc hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Kiểm toán Nhà nước nhận định, muốn dự án đầu tư BOT có hiệu quả thì phải xây mới và không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lưu thông. Trong khi đó, hiện nay các dự án BOT được chọn hầu hết nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo nên các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn, dự án trở thành độc quyền nên nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để thu lợi nhuận.

Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng (Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả) lại cho rằng từ thực tiễn xây dựng nhiều dự án BOT, bản thân ông và doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản.

Theo ông Hoàng, cơ chế chính sách nước ta thường xuyên thay đổi khiến nhà đầu tư không kịp "trở tay". "Có trường hợp, sau khi Quốc hội có quy định mới, lập tức Bộ Giao thông Vận tải áp dụng luôn, làm luôn. Những cam kết trước đó với nhà đầu tư cũng bị xóa bỏ mà không một lời bàn lại với nhà đầu tư".

Theo ông Hoàng, có trường hợp sau khi xảy ra sự cố, gặp vấn đề, nhiều đại diện cơ quan quản lí nhà nước lờ đi, không tham gia các cuộc họp bàn giải quyết sự cố. "Lúc đầu thì rải thảm, về sau thì rải đinh", Chủ tịch Đèo Cả nói.

Trong khi đó, đại diện VIDIFI, đơn vị đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, trước khi thực hiện dự án, Nhà nước cam kết dùng ngân sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng đường đã làm xong và đưa vào sử dụng từ lâu nhưng cảm kết trên đến nay chưa được thực hiện và chưa biết khi nào mới thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một đột phá về cách làm, thể chế.

"Vì là đột phá nên trong thực tiễn sẽ phát sinh vướng mắc", ông Thiên nói và cho rằng vướng mắc về chính sách, pháp luật là rõ hơn cả.

"Cách làm chính sách của chúng ta đang có sự bất ổn, liên tục thay đổi; ra luật theo kiểu cơi nới, sửa đổi, không cố định. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, không thu hút được nhà đầu tư", ông Thiên nói.

Theo ông Hồ Quang Lợi, báo chí có vai trò quan trọng, tuyên truyền, phản ánh thực tiễn sinh động, vừa giám sát và phản biện chủ trương chính sách, là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, báo chí cũng còn gặp những khó khăn, những bất cập, hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Đánh giá về Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi cho biết, Hội thảo vui mừng nhận được sự hưởng ứng và tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và của nhiều địa phương trong nước, các ngân hàng lớn, đại diện các nhà đầu tư BOT, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia về lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Đây là hội thảo có nội dung rộng, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoạt động hợp tác công – tư (PPP), mà còn hết sức thiết thực đối với các cơ quan báo chí, trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí về lĩnh vực này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top