Aa

Habeco đang nắm giữ 5ha đất vàng Hồ Tây với giá trị hàng nghìn tỷ đồng

Thứ Hai, 05/09/2016 - 22:27

Tuy hoạt động chính trong lĩnh vực bia rượu, nước giải khát nhưng Habeco lại sở hữu quỹ đất lớn rải rác ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được thành lập năm 1958 với ngành nghề chính đã ghim sâu vào tiềm thức của người Hà Nội là bia rượu. Sản phẩm mang dấu ấn sâu đậm nhất của Habeco mang nhãn hiệu Trúc Bạch, nay là bia lon Hà Nội. Từ thương hiệu này, sau này Habeco đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm khác như Beer Premium, Lager Beer....

Sau một thời gian dài Habeco nhùng nhằng, chậm trễ trong việc thoái vốn nhà nước thì mới đây tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải thực hiện ngay việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Theo đó, Habeco phải tiến hành niêm yết cổ phiếu trước khi thực hiện việc thoái vốn.

Kế hoạch thoái vốn tại đây thu hút nhiều quan tâm của giới đầu tư và dư luận, bởi Habeco đứng số 3 trong ngành bia hiện nay- tính theo sản lượng. Ngoài ra, quỹ đất vàng mà doanh nghiệp này đang quản lý trải dài từ Hà Nội đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên....cũng là một trong những tài sản hấp dẫn nhà đầu tư nhất .

Theo tài liệu công bố thông tin phục vụ đấu giá cổ phần ra công chúng, Habeco sở hữu một quỹ đất lớn rải rác ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Một trong những tài sản hấp dẫn nhà đầu tư nhất của Habeco là việc sở hữu "khu đất vàng" rộng 49.960 m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Khu đất này đang được Habeco đặt trụ sở Tổng Công ty và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tổng diện tích 49.960 m2 này có đến 34.976 m2 là diện tích nhà, xưởng, kho tàng. Được biết, khu đất này được Habeco ký hợp đồng thuê đất dài hạn, trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định.

Theo thông tin được Habeco công bố, giá trị thẩm định theo giá thị trường tại chứng thư số 585/TĐG/CTTĐGSGL ngày 27/8/2010 49.960 m2 này có giá trị lên tới 2.308 tỷ đồng.


Trụ sở của Habeco là một trong những khu đất vàng hiếm hoi của quận Tây Hồ còn sót lại.

Trụ sở của Habeco là một trong những khu đất vàng hiếm hoi của quận Tây Hồ còn sót lại.

Ngoài ra Habeco còn quản lý 258.130 m 2 tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là đất được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê 49 năm từ năm 2007 để thực hiện dự án đầu tư nhà máy bia với công suất 200 triệu lít/năm.

Tại khu công nghiệp Tiên Sơn- Bắc Ninh, Habeco sở hữu khu đất 15.000m2 làm Trụ sở Viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo. Trong đó, diện tích nhà xưởng là 800 m2. Đây là đất thuê lại của khu công nghiệp, thời hạn thuê là 49 năm 8 tháng. Khu đất này đã có hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã trả phí hạ tầng (17 USD/ m2) cho Công ty đầu tư phát triển hạ tầng.

Quỹ đất mà Habeco đang nắm giữ còn nằm rải rác tại Hưng Yên và Phú Thọ. Cụ thể, Habeco đang quản lý lô đất có diện tích 26.854 m2 tại phường Vân Cơ, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ theo hình thức thuê 50 năm. Khu đất này được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Habeco theo Quyết định giao đất số 3578/QD-UBND ngày 31/12/2007 để làm Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở cho thuê

Tại Văn Lâm, Hưng Yên, Habeco cũng sở hữu khu đất rộng 13.958 m2 (5.816 m2 là diện tích được sử dụng làm nhà, kho tàng) làm trung tâm kho và chi nhánh phục vụ khu vực đường 7, Hải Phòng và Quảng Ninh. Khu đất này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên giao đất cho Habeco từ 25/11/2004 với thời hạn thuê đất là 35 năm và trả tiền thuê đất hàng năm.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, việc thoái vốn nhà nước tại Habeco phải tính riêng giá trị quyền sử dụng đất. Mặc dù yêu cầu này giúp Nhà nước không bị mất đất vàng vào tay nhà đầu tư, song điều này cũng không làm mất đi sức hấp dẫn đất vàng của Habeco đối với các nhà đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top