Aa

Hạn chế tiền mặt trong cho vay tiêu dùng khó đẩy lùi tín dụng đen?

Thứ Sáu, 05/04/2019 - 06:01

Hạn chế tiền mặt trong cho vay tiêu dùng có mâu thuẫn với chủ trương đẩy lùi “tín dụng đen” bằng các công cụ cho vay tín chấp qua tổ chức tài chính.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Một trong những điểm sửa đổi đáng quan tâm trong dự thảo thông tư lần này là hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng.

Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, các công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Theo đánh giá từ các chuyên gia tài chính, động thái của NHNN nhằm siết chặt hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nhằm kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt đồng thời giảm rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Hạn chế tiền mặt nhưng khó đẩy lùi “tín dụng đen”

Mặc dù được đánh giá đây là động thái tích cực từ phía NHNN khi đẩy mạnh hoạt động quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, song, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo này đang mâu thuẫn với các chính sách trước đó mà điển hình nhất là mục tiêu đẩy lùi “tín dụng đen”.

Năm 2018, trước vấn nạn “tín dụng đen” hoành hành, tạo ra hệ lụy xấu trong xã hội, NHNN đã có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng; tăng cường tín dụng tiêu dùng phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn nhỏ, thời gian ngắn.

Tín dụng đen đang

Tín dụng đen đang "hoành hành" khắp nơi.

Thực tế, việc người dân tìm đến “tín dụng đen” bởi bài toán chi tiêu “nóng” cần được giải quyết nhanh, thuận lợi. Trong khi đó, các gói cho vay tiêu dùng từ phía ngân hàng thương mại lại có hạn mức thấp, thủ tục phức tạp. Đó là lý do dù vẫn biết “tín dụng đen” sẽ tạo ra hệ lụy song vẫn không ít người dân tìm đến, bất chấp những tiêu cực có thể xảy ra trong trường hợp trả lãi và gốc chậm.

Phân tích về cách thức hoạt động của “tín dụng đen”, nhiều chuyên gia cho rằng, các gói cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính sẽ góp phần giải quyết được vấn nạn này nhờ những ưu điểm tương tự như thủ tục nhanh gọn, hình thức giải ngân linh hoạt. Tuy nhiên, trái với “tín dụng đen”, các công ty tài chính hoạt động theo khuôn khổ quản lý của NHNN và pháp luật nên giao dịch cho vay đều có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của 2 bên.

Song nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó sẽ hạn chế cho các công ty tài chính tiếp cận được tệp khách hàng mới. Chưa kể, nhu cầu tiêu dùng như các chi phí chữa bệnh, đi du lịch hoặc nhu cầu sử dụng khác sẽ cao hơn so với mục đích mua sắm các thiết bị như điện thoại, xe máy, ô tô… Nếu giảm luồng tiền mặt ra thị trường của các công ty tài chính, rõ ràng, người dân sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Vô hình chung, họ buộc phải tìm đến “tín dụng đen”.

Như phân tích của TS. Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore): “Cần lưu ý là người vướng vào “tín dụng đen” thường là người có nhu cầu vay tiền mặt ngay, chứ không phải là người vay tiền để mua hàng hóa và dịch vụ (vay mua trả góp, vay qua thẻ tín dụng...) nên nếu siết lại việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của công ty tài chính thì người dân càng buộc phải "trông chờ" vào “tín dụng đen” để giải quyết nhu cầu vay nóng cấp bách của họ.

Siết chặt giải ngân trực tiếp, khách hàng không được hưởng lợi

Ở góc độ khác, với việc giới hạn tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, quy định này sẽ hạn chế khả năng hoạt động của các công ty tài chính, đặc biệt là những công ty nhỏ, mới thành lập.

Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang được đánh giá còn nhiều tiềm năng khi cơ cấu dân số nước ta đang ở độ tuổi vàng. Tuy nhiên, có thể thấy rõ ràng, hiện tại trên thị trường, chỉ xuất hiện một số các công ty lớn như Fe Credit, HD Saison, Home Credit... Đây là những công ty tài chính đã có sản phẩm cho vay đa dạng hơn, mạng lưới phục vụ khách hàng rộng khắp hơn, tới trên dưới cả chục ngàn điểm khai thác bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh điện tử, điện máy.

Trong khi đó, các công ty nhỏ hoặc mới ra đời khó có khả năng cạnh tranh tại hàng ngàn điểm bán hàng và buộc phải đẩy mạnh cho vay tiền mặt. Tuy nhiên, điểm mới trong dự thảo sửa đổi Thông tư đã thu hẹp lại công cụ đầy tiềm năng của các công ty tài chính, đặc biệt tạo ra sự bó hẹp đối với công ty tài chính nhỏ. Khi đó, sự co lại của những công ty tài chính sẽ tạo ra thế độc quyền trên thị trường, đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng tăng cao, gây bất lợi cho khách hàng. Ngược lại, một thị trường vận hành theo quy luật cạnh tranh, sẽ góp phần tạo ra nhiều gói dịch vụ cũng như các công ty tài chính có xu hướng giảm lãi suất, thu hút các đối tượng khách hàng mới.

Theo chia sẻ của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính của Bộ Tài chính, phía NHNN cũng nên nghiên cứu để có một hạn mức tín dụng đủ rộng cho các công ty tài chính phát triển. “Khi cơ hội rộng mở sẽ có thêm nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường, tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Lúc đó, người được hưởng lợi là khách hàng và nền kinh tế”.

Siết chặt hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nhằm việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay là điều cần thiết, song, với quy định co hẹp việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các công ty tài chính đang đặt ra tính hiệu quả “có thực giảm được rủi ro” cho những tổ chức tín dụng như đã đưa ra.

Hay ở góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu thì: “Các công ty tài chính đã xét khả năng trả nợ đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Khi công ty tài chính thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy rằng người này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì tại sao phải khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của mình không thể quá 30% là cho tín dụng tiền mặt”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top