Aa

Hancorp: Nợ phải trả gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu, nhiều khoản phải thu quá hạn

Thứ Bảy, 23/12/2017 - 14:01

Hancorp: Nợ phải trả gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu, nhiều khoản phải thu quá hạn; Vũ "nhôm" - trùm bất động sản liên quan nhiều dự án đất vàng Đà Nẵng; Di dời nhà ở ven kênh rạch TP.HCM: Cuộc đổ bộ của các “ông lớn”; HoREA: 105 chung cư tại TP.HCM đang có tranh chấp;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Di dời nhà ở ven kênh rạch TP.HCM: Cuộc đổ bộ của các “ông lớn”

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đã có đề xuất phương án di dời và tái đầu tư dự án bất động sản tại Kênh Đôi, quận 8 sau khi thực hiện xong kế hoạch giải phóng nhà ven kênh tại đây.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tự sắp xếp vốn thực hiện dự án theo hình thức PPP cho toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tự lo nơi ở mới, sắp xếp nguồn vốn mua quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội có sẵn tại quận 8 cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.

Quận 8 đã lên phương án di dời 2.910 căn nhà nằm ven kênh rạch.

Quận 8 đã lên phương án di dời 2.910 căn nhà nằm ven kênh rạch.

Ngược lại, phương thức hoàn vốn được nhà đầu tư đưa ra bằng cách xác định giá trị quỹ đất của dự án sau khi di dời theo cơ chế giá thị trường để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Trường hợp quỹ đất tại dự án sau di dời chưa đủ giá trị để hoàn vốn cho nhà đầu tư thì thành phố sẽ giao một số khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư hoặc bù một phần từ nguồn ngân sách thành phố.

Trong lúc các dự án chỉnh trang rục rịch triển khai, ghi nhận cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đổ bộ đầu tư vào quận 8, chẳng hạn như: dự án căn hộ cao cấp Aurora Residences của công ty DRH, khu căn hộ ven sông Dream Home Riverside, Pegasuit, Tara Residence, Topaz Elite...

Xem chi tiết tại đây.

Vũ "nhôm" - trùm bất động sản liên quan nhiều dự án đất vàng Đà Nẵng

 

Một trong những dự án BĐS lớn nhất có liên quan đến Vũ "Nhôm" là Khu Đô thị quốc tế Đa Phước (D-City). Đây là dự án lấn biển ở phía tây Phường Thuận Phước, quận Hải Châu, do Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ 2008. Dự án được xây dựng trên diện tích 210 ha, bao gồm các resort, sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, khu chung cư cao tầng với chiều cao bình quân 33 tầng gồm có tổng cộng 8.500 căn hộ; khu trường học quốc tế, câu lạc bộ biển, bến du thuyền, khu nhà phố, biệt thự... Tổng vốn đầu tư lên đến hơn 250 triệu USD.

Từ khi xây dựng đến năm 2016, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 40 triệu USD để san lấp 112 ha, trong đó Daewon giao cho Đà Nẵng 29 ha và sau đó giao tiếp 25 ha theo yêu cầu của TP để làm trung tâm văn hóa thể thao. Theo quy hoạch được phê duyệt, Daewon được lấn biển tiếp hơn 100 ha cho giai đoạn 2 của dự án. Tuy nhiên đến năm 2016, do gặp nhiều trở ngại, Daewon không thể tiếp tục triển khai dự án nên quyết định chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty TNHH Sunrise Bay.

Dự án thứ hai là Khu đô thị Harbour Ville do Công ty CP Đầu tư Mega làm chủ đầu tư. Harbour Ville Riverside Đà Nẵng hay còn gọi vịnh Mân Quang là khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng nằm ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Dự án có tổng diện tích 13,6 ha bao gồm 360 nền biệt thự. Khu đô thị này đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt bản đồ quy hoạch 1:500, có sổ đỏ từng lô và đã được thi công cơ sở hạ tầng, bán đất cho khách hàng.

Xem chi tiết tại đây.

HoREA: 105 chung cư tại TP.HCM đang có tranh chấp

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa cảnh báo về việc công ty môi giới bất động sản nhưng lại đóng vai chủ đầu tư để bán dự án đất nền chưa đủ điều kiện mở bán. Theo HoREA, những tháng qua, tại thị trường TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện những dự án phân lô bán nền của Công ty Địa ốc Alibaba. Công ty này chỉ là đơn vị môi giới bất động sản, nhưng lại lập website và quảng cáo là chủ đầu tư dự án, đặc biệt những dự án này chưa được quy hoạch và pháp lý chưa hề có.

Ngoài ra, HoREA cũng cho biết, cuối năm, nhiều dự án bất động sản được bàn giao cho khách hàng. Một dự án bất động sản dù hoàn thiện đến đâu cũng sẽ có một số lỗi nhất định, nếu khách hàng và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung, sẽ rất dễ phát sinh tranh chấp. Theo HoREA, TP.HCM hiện có 935 chung cư cao tầng, thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, nhưng đa phần liên quan đến việc căn hộ xuống cấp sau thời gian ngắn chủ đầu tư bàn giao.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty bất động sản BV Land, dấu hiệu cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận, huyện vùng ven đã có dấu hiệu xuất hiện trở lại tại huyện Cần Giờ và có thể sẽ lan rộng ra toàn Thành phố.

Một rủi ro nữa, theo các chuyên gia, nhằm tận dụng mùa mua nhà cuối năm, một số chủ đầu tư mở bán dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán thông qua việc đặt cọc giữ chỗ.

Xem chi tiết tại đây.

Đấu giá khu tái định cư đắt đỏ bậc nhất TP.HCM

TP.HCM cho bán đấu giá khu chung cư R1, R2, R3, R4, R5 trong khu 38,4 ha ở Bình Khánh. Tổng số căn hộ được đem bán đấu giá là 3.790 căn. Các khu chung cư này sẽ được chia thành 2 dự án để bán đấu giá. Trung bình mỗi căn hộ có giá khoảng 2,37 tỷ đồng.

Trong đó, dự án 1 (lô R1, R2, R3) với 2.220 căn hộ, có giá khởi điểm là hơn 5.619 tỷ đồng. Còn dự án 2 (lô R4, R5) với 1.570 căn hộ, có giá khởi điểm làm cơ sở bán đấu giá là hơn 3.534 tỷ đồng. Dự kiến, TP.HCM sẽ thu về khoảng hơn 9.000 tỷ đồng từ đợt bán đấu giá này.

Xem chi tiết tại đây.

Hancorp: Nợ phải trả gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu, nhiều khoản phải thu quá hạn

Báo cáo tài chính năm 2016 của Hancorp cho biết tại ngày 31/12/2016, tổng tài sản của Tổng công ty là 6.650 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản chủ yếu là nợ phải thu (chiếm 51%) và đầu tư tài chính dài hạn (chiếm 20%).

Nợ phải thu của Hancorp là 3.341 tỷ đồng (gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu). Trong đó có một số khoản thu quá hạn trên 1 năm như: phải thu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ 6,474 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả 3,573 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng 1,019 tỷ đồng…

Đặc biệt là khoản phải thu về cổ phần hóa là 218 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2016, Ban chỉ đạo cổ phần hóa vẫn chưa phê duyệt báo cáo quyết toán cổ phần hóa của Tổng công ty.

Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro tài chính tại Hancorp.

Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro tài chính tại Hancorp.

Mặc dù phát sinh các khoản phải thu quá hạn như trên, số dư trích lập dự phòng nợ phát sinh khó đòi của Hancorp chỉ là 157 triệu đồng.

Tại thời điểm 31/12/2016, hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 1,45 lần; hệ số khả năng thanh toán tức thời là 0,07 lần.

“Như vậy, có thể thấy, mặc dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Hancorp vẫn được đảm bảo nhưng với nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và hệ số khả năng thanh toán tức thời thấp cho thấy Tổng công ty sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đến hạn trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi”, Bộ Tài chính nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

Nút thắt "nội chiến chung cư" có được tháo gỡ?

Thực tế, mỗi dự án chung cư đều có mối quan hệ mật thiết ba bên giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân, hình thành nên “kiềng ba chân”. Trong khi nhiều dự án căn hộ mới nỗ lực tiếp thị thì có không ít những chủ đầu tư lại chạy theo lợi nhuận bán hàng bỏ qua việc đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, số liệu từ cơ quan quản lý cho biết, tại Hà Nội, mới chỉ có 20% số chung cư đã bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị do cư dân bầu ra, 80% còn lại vẫn trong tình trạng nhập nhèm.

Kết quả cuối cùng dẫn đến các tranh chấp, kiện tụng giữa cư dân và khách hàng chưa có hồi kết. Theo đánh giá của đa số luật sư thì trong các vụ tranh chấp, phần lớn lỗi đều do chủ đầu tư. Những mâu thuẫn tranh chấp đều đã được quy định rõ ràng trong các luật, các quy định, văn bản, nghị định, thông tư xong nhiều chủ đầu tư vẫn “nhờn luật”.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay: “Câu chuyện tranh chấp ở chung cư không thể sớm dừng lại khi xảy ra xung đột về lợi ích giữa các bên có liên quan. Một tòa nhà chung cư có hàng trăm căn hộ, hàng nghìn hộ dân thì câu chuyện kỹ năng, kiến thức quản lý về chung cư khác hẳn với kiến thức về xây dựng hay kiến trúc tòa nhà. Thêm nữa là ban quản lý chung cư có thể không thích hợp với các xu hướng phát triển, với tâm lý của cư dân tòa nhà đó thì cũng có thể xảy ra tranh chấp”.

Xem chi tiết tại đây.

"Sốt đất" Vân Đồn, doanh nghiệp kiến nghị minh bạch thông tin để đầu tư an toàn

Liên quan đến “cơn sốt” đất đang diễn ra tại Vân Đồn, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết: Vân Đồn đã có những bước đi đầu tiên, giai đoạn này đang tiếp tục thúc đẩy để phát triển theo đặc khu hành chính kinh tế. Do đó, vấn đề mua bán đất đai cũng có những điểm nóng. Các đơn vị chức năng của tỉnh đã có những nhận thức về vấn đề này.

Cũng theo đại diện Quảng Ninh, hiện tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành rà soát để chốt lại các dự án đủ điều kiện đầu tư và những dự án chưa đủ điều kiện. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo triển khai quản lý nghiêm ngặt đất rừng và đất nuôi thủy sản. Chúng tôi khuyến cáo các nhà đầu tư, các đơn vị về việc những dự án được chính quyền cho phép mới nên phối hợp. Quỹ đất đầu tư cho việc phát triển hiện này đã được đưa vào quy hoạch quản lý”, vị này cho biết.

Chia sẻ với nguyện vọng của doanh nghiệp, ông Trương Mạnh Hùng, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, các địa phương cũng đã cố gắng cải thiện môi trường, thu hút đầu tư bằng nhiều cách hỗ trợ.

"Với quan điểm như vậy, thời gian qua, Quảng Ninh đã vào cuộc rất quyết liệt. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Chúng tôi cắt giảm thời gian xử lý thủ tục, giải quyết các hồ sơ cho doanh nghiệp, đơn vị đầu tư nhanh hơn. Thủ tục chấp thuận đầu tư xuống còn 14 ngày. Dù mỗi dự án đầu tư có đặc thù riêng nhưng các cơ quan của tỉnh vẫn vào cuộc quyết liệt, vướng ở đâu xử lý ở đó; sau khi cấp phép, tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư", ông Hùng chia sẻ.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top